"Công nghệ luôn được tạo ra bởi con người. Chúng ta đều muốn những sản phẩm khoa học công nghệ tốt, nhưng công nghệ dù tiên tiến, đột phá cũng đều có giai đoạn, chu kỳ và rồi sẽ lỗi thời. Chỉ duy nhất đầu tư vào những người làm công nghệ, những nhà khoa học trẻ mới mang đến nền tảng tốt và dài hạn nhất. Niềm đam mê nghiên cứu sẽ dẫn dắt họ sáng tạo liên tục", Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm chia sẻ trong lần trở về tham dự "Diễn đàn Lãnh đạo Trẻ Việt Nam 2019" tại TP HCM mới đây.
Với cộng đồng khởi nghiệp, Vũ Ngọc Tâm (sinh năm 1983) là nhân vật khá quen thuộc. Anh sáng lập, kiêm CEO, CTO của 2 startup tại Mỹ là Now Vitals và Earable. Riêng dự án Earable về tai nghe không dây thông minh cũng vừa nhận được 10 tỷ đồng của VinTech Fund.
Giáo sư trẻ này có bảng thành tích "dài" với nhiều giải thưởng như NSF CAREER, hai lần nhận "Google Faculty Research Award", 6 giải thưởng xuất sắc nhất tại ACM MobiCom và Sensys, hai đề cử xuất sắc nhất tại SenSys 2017 và 2018, 2 giải nghiên cứu nổi bật của ACM SigMobile năm 2016 và 2017.
Nhắc đến các bằng sáng chế đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ Mỹ, anh bảo "lần cuối mình đếm là 24 bằng sáng chế nhưng chắc đã hơn rồi vì tụi mình làm nhiều dự án song song lắm". Có thể nói, Tâm là một nhà khoa học đi làm startup.
"Thực tế không phải công trình nghiên cứu nào thành công về học thuật cũng có thể ứng dụng tốt. Tuy nhiên, cách tôi làm là luôn bắt đầu một dự án từ một vấn đề quan trọng đang tồn tại trong thực tế mà lời giải của nó đòi hỏi phải có những đột phá trong khoa học", anh chia sẻ.
Đặc biệt, như đã nói, để startup thành công thì đầu tư vào con người là nền tảng tốt nhất. Anh tin người Việt có thể làm được nhiều "chuyện lớn".
"Tôi đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là đội ngũ nhân lực phần mềm. Sự thành công của nhiều công ty công nghệ do người Việt sáng lập tại Silicon Valley như: Misfit, Got It, Emotive, OhmiLabs... tận dụng lợi thế dựa trên đội ngũ cả Việt Nam, Mỹ cũng tạo nhiều cảm hứng để khởi nghiệp tại Việt Nam", Tâm nói.
Theo quan điểm của giáo sư trẻ, khi dấn thân vào startup, có thể bạn không phải là người thông minh nhất nhưng phải có tư duy mở và tìm được đam mê. Anh lấy chính trải nghiệm của bản thân để lựa chọn và đào tạo đội ngũ của mình.
Thứ nhất, về thông minh. Tâm nói anh cảm thấy bản thân không được thông minh như nhiều người đã từng gặp. Nhưng anh chăm chỉ và quyết tâm. Khi đã xác định được điều hứng thú, anh sẽ theo đuổi đến cùng và đặt mục tiêu phải làm tốt nhất.
"Cho đến hôm nay, tôi nhận ra đó chính là một trong những tính cách đặc biệt ở bản thân mình, điều đó giúp mình đạt được nhiều thành quả trong công việc nghiên cứu", anh nói.
Thứ hai, về tư duy mở. Nhà sáng lập Earable tin rằng mỗi người phải mở được rất nhiều cánh cửa trước khi đi đến thành công. Trong đó, cánh cửa đầu tiên là cánh cửa ngay trước mắt mỗi chúng ta để đưa chúng ta đến một tư duy mở.
"Hãy luôn luôn nhìn thế giới với cái đầu mở, không ngừng lắng nghe, quan sát và luôn đặt câu hỏi là một cách hợp logic để khám phá chính mình và từ đó tìm ra những con đường phù hợp cho bản thân", anh khuyến nghị.
Thứ ba, về đam mê. Theo anh, để tìm ra động lực cho bản thân, người trẻ nên dành thời gian để có thật nhiều trải nghiệm. "Nhưng đừng đánh đồng giữa trải nghiệm và hưởng thụ. Một khi đã tìm ra được động lực và mục tiêu, hãy làm việc thật quyết tâm và chăm chỉ để đạt được mục tiêu đó một cách xuất sắc nhất và hiệu quả nhất", Tâm nói.
Vũ Ngọc Tâm nhận bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Trường ĐH Rutgers (Mỹ) và nổi danh trong cộng đồng các nhà nghiên cứu người Việt khi được mời về làm Phó giáo sư tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ) từ năm 2013. Tại đây, anh đã lập ra phòng thí nghiệm "Hệ thống di động và Hệ thống mạng". Từ đó, hàng loạt nghiên cứu của anh cùng các cộng sự ra đời.
Dự án đầu tiên của anh là "Xác định vị trí của điện thoại trong xe ôtô" để giảm thiểu tai nạn giao thông do nghe điện thoại khi đang lái xe. Dự án này đã đạt giải thưởng xuất sắc nhất tại ACM MobiCom.
Năm 2014, anh tiếp tục gây tiếng vang ở Mỹ với sáng chế chiếc nhẫn bảo mật có thể lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu. Khi chạm chiếc nhẫn đó vào màn hình cảm ứng điện thoại, nó có thể trao đổi dữ liệu và xác nhận người dùng. Với sáng chế này, anh đã đạt giải thưởng xuất sắc nhất tại ACM MobiCom lần hai và nhận giải "Google Faculty Research Award" của Google với tài trợ 55.000 USD cùng tài trợ của Chính phủ Mỹ.
Đằng sau những thành công, Tâm nói rằng anh luôn cố gắng hướng dẫn cộng sự cách tìm lời giải cho những vấn đề khó nhất. Thành tích họ có được sau khi giải được những vấn đề đó không chỉ là những giải thưởng, những ghi nhận từ cộng đồng khoa học, mà quan trọng hơn đó là sự tự tin vào khả năng của bản thân.
"Điều đó sẽ giúp các bạn sớm trưởng thành hơn và vững bước hơn trên con đường tạo chỗ đứng riêng cho mình", anh nói.
Viễn Thông