Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 4/2/2019, 10:27 (GMT+7)

Chàng trai khởi nghiệp thành công nhờ thay đổi quan điểm về áo tắm nữ

Bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, John Moran 25 tuổi trở thành ông chủ của thương hiệu áo tắm cho phụ nữ trị giá nửa triệu đôla Mỹ.

Trong một lần nghe chị gái phàn nàn về bộ đồ bơi hai mảnh, chàng trai 25 tuổi John Moran đến từ Cape Cod, Massachusetts, đã nhìn ra được cơ hội để kinh doanh, bằng cách sản xuất ra các bộ bikini vừa khỏe khoắn lại vừa sành điệu.

Moran bắt đầu công việc kinh doanh vào năm 2014, trong căn phòng ký túc xá tại trường Đại học Merrimack – nơi anh đang theo học ngành kinh doanh và Marketing. Anh dành khoản tiền tiết kiệm 700 USD kiếm được từ công việc làm thêm ở sân golf để đầu tư vào thương hiệu áo tắm Vaya Island của mình. Hiện thương hiệu này trị giá gần 500.000 USD.

Từ câu chuyện khởi nghiệp của John Morran, Forbes tổng kết ra 6 bài học kinh nghiệm thực tế dành cho những doanh nhân khởi nghiệp trẻ đang tìm kiếm nguồn cảm hứng và kế hoạch hành động. 

Sử dụng mọi nguồn lực có sẵn

Năm 2014, Moran bắt đầu công việc bán ốp điện thoại in hình do mình tự chụp cho các du khách tại Cape Cod. Sau đó, anh chuyển sang bán các loại trang sức lưu niệm trên một website tự tạo vào năm 2015 và 2016. Chú của Moran có một cửa hàng nhỏ chuyên sản xuất và buôn bán trang sức bạc, anh đã quen thuộc với lĩnh vực này và tự tin cho ra đời những thiết kế riêng của mình. 

"Tôi phác thảo chúng và đưa cho chú xem, và chú sẽ sản xuất trang sức theo mẫu đó," chàng trai 9X nhớ lại.

Xuất thân từ một gia đình có lợi thế trong ngành sản xuất, Moran vẫn tự dùng số tiền ít ỏi của mình để phát triển công việc kinh doanh. Ban đầu, anh chỉ dám đặt những lô hàng nhỏ - khoảng 20 đến 30 chiếc một mẫu. Nhưng dần dần, lợi nhuận bắt đầu xuất hiện từ việc bán hàng online.

Trong năm đầu tiên, Moran thu về khoảng 30.000 USD. Đến năm thứ hai, anh kiếm được 45.000 USD, bằng cách chạy quảng cáo trên các mạng xã hội như Instagram để quảng bá sản phẩm ra thế giới.

Moran trong bài phỏng vấn với Forbes.

John Moran, nhà sáng lập của thương hiệu áo tắm nữ Vaya Island. 

Chủ động học hỏi và lắng nghe

Khi Moran khảo sát thị trường để tìm ra sản phẩm tiếp theo, đa số khách hàng đã lựa chọn bikini (áo tắm hai mảnh). Tuy nhiên, có một rào cản lớn xuất hiện, anh không biết thiết kế áo tắm.

Không nản lòng, doanh nhân trẻ tự học bằng cách đặt 15 mẫu bikini từ các nhà cung cấp trên Alibaba. Anh còn thuyết phục các bạn nữ trong trường thử áo tắm để xem kiểu dáng nào phù hợp nhất với họ. 

"Tôi muốn sản xuất ra một loại bikini thoải mái và mềm mại," Moran chia sẻ.

Sau khi thử nghiệm với 15 nhà cung cấp khác nhau, cuối cùng, chàng trai này cũng tìm được một loại áo đáp ứng được cả về kiểu dáng lẫn chất lượng. Ngay khi tìm được nhà cung cấp phù hợp, anh liền hợp tác và bắt tay vào sản xuất bikini từ các bản vẽ.

Moran thuê một công ty ở Hawaii để thiết kế các mẫu áo tắm. Nhằm đảm bảo là mình chọn đúng các họa tiết ăn khách, chàng trai 25 tuổi này đã đăng 4-5 mẫu lên Instagram, rồi nhờ các khách hàng bình chọn cho phương án mà họ yêu thích nhất thông qua chức năng khảo sát trên Story.

"Việc khảo sát giúp tôi tìm ra được đúng thứ mà khách hàng mong muốn. Nó cũng khiến tôi thêm tự tin và loại bỏ các rủi ro không đáng có". Theo Moran, đây cũng là một cách tốt để tương tác với khách hàng.

Năm 2017, khi lô hàng bikini đầu tiên được bán hết, doanh nhân 9X tổ chức giảm giá các mặt hàng trang sức còn lại. "Bikini trở thành ngôi sao trên trang web của tôi," anh cho biết.

Thật không dễ dàng để Moran nói lời tạm biệt với sản phẩm đầu tay của mình. "Đó là một bước chuyển mình đầy khó khăn. Tôi đã gắn bó quá lâu với trang sức cũng như việc tự mình thiết kế chúng," anh nói.

Tuy nhiên, Moran đã nhìn ra được đâu mới là nhu cầu của thị trường và hiểu rằng làm kinh doanh đồng nghĩa với việc cung cấp cho khách hàng thứ mà họ muốn. Công việc làm ăn của anh ngày càng đi lên. Năm 2017, anh thu về hơn 110.000 USD.

Hình ảnh trên tài khoản Instagram của Vaya Island. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh trên tài khoản Instagram của Vaya Island. 

Chú ý tới khách hàng

Làm theo khẩu hiệu của công ty "Sống đơn giản và sống tích cực", Moran bắt đầu cho đăng tải các bức ảnh phản hồi của khách hàng trong bộ đồ mà anh thiết kế. Anh càng đăng, càng có nhiều ảnh được gửi về hơn. "Nó như hiệu ứng quả bóng tuyết vậy," Moran cho biết. Cùng lúc đó, chàng trai 9X này thuê một nhiếp ảnh gia tại Bali và một số địa điểm khác để chụp ảnh mẫu rồi đăng chúng lên bảng tin.

Mục tiêu của Moran là phát triển một thương hiệu gắn liền với cuộc sống, hơn là câu view. Dần dần, anh cho chạy chương trình "đại sứ", trong đó, các fan năng nổ nhất sẽ được chiêm ngưỡng trước các mẫu thiết kế mới, cũng như được giảm giá 30% khi mua hàng. Theo anh, mọi người thích được giảm giá và chia sẻ. Họ muốn thể hiện rằng mình là đại sứ thương hiệu của Vaya Island.

Để thông tin được lan tỏa rộng hơn, Moran còn tạo thêm hashtag #goliveeasy. Điều này đã thu hút thêm các khách hàng tiềm năng khác.

Tận dụng các nhân vật có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm

Nhận thấy những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong giới thời trang ngày một quan tâm đến bikini, Moran chủ động liên lạc với các gương mặt triển vọng và hứa tặng họ một bộ đồ bơi để đổi lấy mỗi bài đăng. Đối với những người có lượng người theo dõi từ 200.000 đến 1.000.000, anh trả tiền cho họ. 

Moran chọn các nhân vật có sức ảnh hưởng rất kỹ càng nhằm tránh lãng phí nguồn vốn có hạn của mình. 

"Đôi khi, việc có nhiều người theo dõi cũng không giúp ích gì trong việc quảng bá sản phẩm. Người có 1.000.000 lượt theo dõi có lúc cũng không hiệu quả bằng người chỉ có 400.000 lượt", anh rút ra bài học. 

Tuy nhiên, Moran không dựa hoàn toàn các KOLs, anh nhận ra rằng quảng cáo trên Facebook và Instagram sẽ dễ theo dõi hơn nếu kèm theo mã coupon.

"Nếu tôi dành 1.000 USD để tạo quảng cáo, đến cuối tuần tôi sẽ biết chính xác mình đã kiếm được bao nhiêu và thấy lưu lượng đang gia tăng trên trang web của mình", Moran cho biết.

Không làm mọi thứ một mình

Dù kinh doanh một mình, Moran vẫn cần đến các trung tâm phân phối và hoàn thiện đơn hàng. Một người cùng ngành đã giới thiệu cho anh dịch vụ lưu trữ và vận chuyển hàng hóa từ nhà kho.

Moran nhận thấy, việc thuê ngoài sẽ giúp anh dễ quản lý hơn, nếu anh phải tiếp nhận từ 80-100 đơn hàng mỗi ngày. 

Moran cũng từng nghĩ đến việc thuê thêm nhân viên để xử lý đơn hàng. Với việc thuê ngoài, anh cũng sẽ được hưởng lợi giống như đi thuê nhân viên.

"Nó giống như có thêm một người quản lý vậy", Moran nói.

Tập trung hết sức

Mặc dù công việc kinh doanh của Moran thành công hơn dự kiến, anh ấy cũng phải đối mặt với những khó khăn và thử thách như bao doanh nhân khác, đặc biệt là khi chỉ có một mình. Anh cho biết: "Có thể nói, chúng ta đang nắm trong tay vận mệnh của chính mình trên nhiều khía cạnh".

Khi Moran gặp phải bế tắc, anh sẽ ngừng làm việc và tự nhủ: "Có lẽ lúc này không thích hợp". Sau đó, anh sẽ đi tập gym hoặc chạy bộ để lấy lại năng lượng.

"Tôi cố gắng giữ cho đầu óc minh mẫn và quay trở lại công việc sau đó", anh cho biết. Chính tư duy này đã giúp Moran vượt qua được những khó khăn, trắc trở trên con đường xây dựng thương hiệu của chính mình. 

Hồng Dung (Theo Forbes)