Trong chương trình "Càfe Khởi Nghiệp" mới đây, ông Nguyễn Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt Nam (SVF) nhận định phần lớn startup Việt đều mắc phải một số lỗi cơ bản khi vốn. Trong đó, đặc biệt là lỗi khi startup quá tập trung vào trình bày sản phẩm và bỏ quên bài toán tiềm năng thị trường.
Theo ông Hiếu, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến hai vấn đề khi các công ty khởi nghiệp gọi vốn là tiềm năng thị trường và khả năng thực thi của startup để chiếm lĩnh thị trường đó. Vì vậy, các startup nên làm nổi bật tiềm năng thị trường trước để thiết lập ấn tượng ban đầu và thu hút sự chú ý. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ muốn tìm hiểu hơn về mô hình kinh doanh và sản phẩm. Lúc này, startup sẽ có cơ hội để dẫn dắt về sản phẩm.
Giám đốc điều hành SVF cũng chia sẻ các startup cần lộ trình, kế hoạch và chiến lược cụ thể khi gọi vốn. Nhiều startup tại Việt Nam chỉ tìm đến nhà đầu tư khi đã "cạn túi". Điều này mang lại rủi ro cao cho nhà đầu tư và cũng làm ảnh hưởng đến cách nhà đầu tư phân chia tỷ lệ cổ phần.
Đồng tình với quan điểm của ông Hiếu, tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam đưa ra quan điểm startup nên tạo ra dòng tiền ban đầu khi khởi nghiệp. Có được dòng tiền lúc đầu là một lợi thế, đặc biệt nếu đến từ khách hàng.
Ông Khương nhận định các doanh nghiệp trẻ thường thiếu sót trong việc dự báo dòng tiền. Nhiều startup dành nhiều thời gian vào phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường mà quên học cách quản trị dòng tiền. Đặc biệt là với các công ty có nguồn vốn ban đầu từ vay mượn từ bạn bè, người thân hoặc tiền tiết kiệm cá nhân. Việc này khiến các doanh nhân khởi nghiệp định giá công ty quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thật.
"Thiếu sót trong quản trị dòng tiền cũng đưa startup đến sự nhập nhằng khi định giá doanh nghiệp. Việc lỏng lẻo và mơ hồ trong các con số tài chính khiến startup rối ren khi xác thực nguồn vốn điều lệ, chi phí vận hành, doanh thu và lợi nhuận trước các nhà đầu tư", ông Khương khẳng định.
Để định giá doanh nghiệp một cách chuẩn xác, ông Khương đề cập đến một số phương pháp phổ biến như DCF – Chiết khấu dòng tiền (Dùng dòng tiền tương lai để tính lại định giá hiện tại), so sánh quy mô doanh nghiệp và so sánh giữa các khoản vốn đầu tư với nhau.Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc minh bạch số liệu khi gọi vốn.
"Những số liệu thực tế của doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc ra quyết định của nhà đầu tư. Họ nhìn những con số để tìm hiểu quá khứ doanh nghiệp và dự đoán tiềm năng phát triển của startup trong tương lai. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ ra quyết định có rót vốn hay không", ông Khương nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề số liệu tài tài chính, ông Hiếu phân tích: "Con số phản ánh được những điều quan trọng, nhưng số liệu không thể mô tả hết những gì xảy ra trong thực tế, bởi nó có độ trễ. Có thể bây giờ số liệu của startup xấu nhưng vài tháng nữa nó sẽ bùng nổ, hoặc có thể bây giờ số liệu đang đẹp nhưng vài tháng sau doanh nghiệp sẽ tan tành".
Vì thế, ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư rót vốn dựa trên tương lai tiềm năng của startup. Vấn đề không phải số liệu doanh nghiệp tốt hay xấu mà là startup có trung thực trước các nhà đầu tư hay không.
Chương trình Café Khởi Nghiệp phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.
Nguyễn Vũ
Apax English hân hạnh đồng hành cùng chương trình Café Khởi Nghiệp. Đơn vị là sự kết hợp của Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục EGROUP và Tập đoàn giáo dục Chungdahm Learning với hơn 200 trung tâm đào tạo trên khắp thế giới. Apax English mong muốn mang đến cho học sinh Việt Nam môi trường học tập cao cấp và hiệu quả, đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục ngôn ngữ này. Đơn vị luôn nỗ lực trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy đối với các bậc phụ huynh trên khắp cả nước. Xem thêm về Apax English tại đây |