Hủy
Hành trình khởi nghiệp Chủ nhật, 1/4/2018, 00:00 (GMT+7)

Đường thành tỷ phú ở tuổi 23 của ông chủ hãng máy tính Dell

Michael Dell đưa công ty lên sàn năm 1988, trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới và dẫn dắt đế chế thành công đến hôm nay. 

Năm 2018, ông chủ hãng máy tính nổi tiếng đứng thứ 39 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes công bố với khối tài sản trị giá 22,7 tỷ USD. Tuy nhiên, người đàn ông này đã gia nhập hội tỷ phú cách đây 30 năm khi đưa công ty lên sàn thành công vào 1988. Ở tuổi 23, Michael Dell đã tạo nên một đế chế mới trên thị trường máy tính. Bốn năm sau, ông trở thành người trẻ nhất lãnh đạo một công ty nằm trong Fortune 500.

Ngay từ nhỏ, Dell đã rất say mê những thứ liên quan đến thiết bị. Người đàn ông sinh năm 1965 từng rửa chén ở một nhà hàng từ năm 12 tuổi. Tại đây, ông nhanh chóng được cất nhấc lên làm trưởng nhóm phục vụ. Năm 15 tuổi, Dell mua một trong những chiếc máy tính Apple đầu tiên, tháo ra và thử ráp lại xem có được hay không, thỏa mãn trí tò mò và đầu óc đam mê khám phá.

Dù chỉ thực sự thấy hứng thú với máy tính, năm 1983 ông vẫn đăng ký vào ngành dược tại Đại học Texas. Ngoài thời gian học, lúc rảnh rỗi Dell thường nâng cấp máy tính và bán chúng từ căn phòng tập thể, kiếm ngay 180.000 USD trong tháng đầu.

Ở tuổi 19, sau khi thuyết phục bố mẹ cho phép bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, Dell ra mắt công ty năm 1984 với tên PC's Limited, nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ với doanh thu trên 6 triệu USD trong năm đầu.

Năm 1987, ông đổi tên thành Dell, doanh thu tiếp tục tăng chóng mặt và lên sàn một năm sau đó với giá trị huy động đạt 30 triệu USD. Năm 1996, Dell bắt đầu cho bán máy tính trên web và cho ra mắt máy chủ đầu tiên, thu về một triệu USD doanh số chỉ trong một ngày thông qua trang dell.com. Quý đầu của năm 2001, Dell chiếm 12,8% thị phần, vượt Compaq để trở thành thương hiệu PC lớn nhất thế giới.

Năm 2004, tỷ phú rời ghế lãnh đạo công ty và giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị. Nhưng đến 2007, ông trở lại vị trí CEO trong bối cảnh PC suy yếu. Lúc đó Dell biết nếu không thay đổi thì sẽ chết vì thị trường luôn biến động. Công ty tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng để xem họ đang cần gì.

Từ đề tài "Để tôi giới thiệu cho bạn những sản phẩm mà chúng tôi đang có", nhân viên cố gắng chuyển cuộc trò chuyện với khách hàng sang "Chúng tôi có thể giúp bạn giải quyết vấn đề gì". Những câu chuyện như thế không chỉ giúp xây dựng việc kinh doanh mà còn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và khăng khít hơn với người dùng.

Theo tỷ phú, người làm kinh doanh không thể cứ mãi làm một việc và cầu mong nó giữ vững như thế. "Chúng ta cần phải tạo ra khác biệt nhưng câu hỏi khó nhất chính là khác biệt ấy nằm ở đâu? Khi sáng lập một công ty, bạn sẽ cảm thấy có một ý thức sâu sắc và trách nhiệm với nó. Tôi sẽ luôn quan tâm tới Dell cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay", ông chia sẻ.

Nhờ những thay đổi mà Dell đứng vững trước những thay đổi của thị trường máy tính suốt vài thập kỷ qua. Đến tháng 12/2015, công ty thông báo mua lại tập đoàn phần mềm và lưu trữ EMC, trở thành thương vụ giá trị cao nhất ngành công nghệ với 67 tỷ USD.

Michael Dell - ông chũ hãng máy tính Dell. Ảnh: New York Times. 

Michael Dell - ông chủ hãng máy tính Dell. Ảnh: New York Times. 

Tỷ phú sinh năm 1965 cũng được biết đến với khối tài sản kếch xù và cuộc sống xa hoa. Ông kết hôn với nhà thiết kế thời trang Susan Lieberman vào tháng 10/1989 chỉ sau một năm quen biết.

Mối tình của họ được ví như "sét đánh" khi lập tức bắt sóng với nhau ngay lần đầu tình cờ chạm mặt. "Hầu hết những người đàn ông tôi từng hẹn hò thường nói rất nhiều về bản thân và cố gắng gây ấn tượng với tôi. Nhưng Dell thì không thế, anh ấy là người đàn ông tốt nhất mà tôi từng gặp", Lieberman mô tả về chồng.

Vợ chồng ông chủ Dell có với nhau bốn mặt con và rất nổi tiếng trong việc bảo vệ cuộc sống riêng của các con. Trong đó, cậu con trai Zack Dell bắt đầu theo bước chân bố khởi nghiệp sớm vào năm 2014, ở tuổi 17 khi đồng sáng lập Thread - ban đầu là ứng dụng hẹn hò và hiện trở thành ứng dụng chia sẻ ảnh.

Căn nhà rộng hơn 3.000m2 của gia đình Dell ở Austin, Texas được người dân địa phương ví như lâu đài bởi vị thế nằm trên đỉnh đồi và có hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Trong nhà có 8 phòng ngủ, 13 phòng tắm, một sân quần vợt, hồ bơi trong nhà và ngoài trời cũng như có hướng nhìn ra thẳng hồ Austin.

Dell cũng có một trang trại ngựa Ả Rập tại ngọn đồi gần đó. Nhiều thông tin cho biết ông chủ hãng máy tính nổi tiếng cũng sở hữu một căn hộ tân cổ điển tại hòn đảo Anguilla ở Caribbean.

Tuy nhiên, nơi mà gia đình Dell dành nhiều thời gian nhất trong các kỳ nghỉ là "Raptor Residence", một khu nhà rộng 1.700m2 với 7 phòng ngủ - đây được ví như thiên đường nhiệt đới tại Kukio, Hawaii, ước tính có giá trị 73 triệu USD. Tỷ phú rất thích một khu nghỉ dưỡng tại Hualalai và đã mua toàn bộ khách sạn cũng như khu nghỉ dưỡng tại đây, chia cổ phần với tỷ phú Rob Walton của Walmart.

Năm 1998, Dell mở một công ty tư nhân có tên MSD Capital để quản lý khối tài sản của gia đình. Hãng này đã đầu tư vào nhiều công ty như IHOP, Applebee's, Dollar Rent-a-Car, IHOP, Applebee's, Dollar Rent-a-Car, Domino's Pizza và Domino's Pizza. Năm 2010, công ty tậu 185.000 bức hình cổ điển Magnum trong thương vụ lớn nhất lịch sử ngành ảnh.

Thông qua MSD Capital, Dell nắm trong tay nhiều bất động sản tại Hawaii, Mexico và California. Công ty cũng đầu tư vào những khách sạn xa xỉ, bất động sản thương mại và đa gia đình, phát triển đất và tham gia nhiều quỹ phát triển bất động sản khác.

Như nhiều tỷ phú khác, ông chủ Dell cũng sở hữu bộ sưu tập xe đắt giá với 2004 Porsche Boxster, Porsche Carrera GT hay Hummer H2 và máy bay với Gulfstream V, Boeing Dreamliner 787…

Máy bay riêng là nhu cầu cần thiết để vợ chồng tỷ phú người Mỹ thuận tiện đi lại và làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận của họ. "Michael & Susan Dell Foundation" tập trung vào những vấn đề liên quan đến các trẻ em không may mắn ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Từ năm 1999, quỹ từ thiện của Dell đã ủng hộ 1,23 tỷ USD cho các tổ chức phi lợi nhuận và xã hội tại Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi.

Alexa Dell - con gái ông cho biết cô được truyền cảm hứng rất nhiều từ bố, cha mẹ luôn khuyến khích các con khám phá sở thích bản thân và sống lành mạnh để tăng trưởng năng suất làm việc.

"Lời khuyên của bố dành cho tôi là hãy làm việc chăm chỉ, đó chính là nền móng của thành công", cô nói.

Trương Sanh (theo Business Insider, Inc)