Sau 5 ngày chương trình bình chọn Startup Việt 2016 khởi động, Báo VnExpress ghi nhận hơn 100 hồ sơ đăng ký.
Các dự án đa dạng về lĩnh vực như giáo dục, y tế, bán lẻ, bất động sản, thực phẩm, thương mại điện tử... Trong đó, các ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch đang chiếm ưu thế về số lượng tham dự cũng như quy mô hoạt động.
Ở khía cạnh đầu tư, một số doanh nghiệp gửi thư đến VnExpress bày tỏ mong muốn tìm kiếm các dự án startup phù hợp để rót vốn.
Chia sẻ đến chương trình, anh Nguyễn Khánh Trình cho biết rất đam mê với nông nghiệp công nghệ cao. Đó là lý do dù có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là Co-founder và CEO của Công ty cổ phần quảng cáo Thông Minh - CleverAds, song anh vẫn quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp.
Trang trại Trung Thực là giải pháp xây dựng, triển khai theo mô hình sạch, cho phép người tiêu dùng có thể đặt mua theo tháng. Khách hàng dùng điện thoại để tương tác với trang trại như đặt hàng, yêu cầu chọn hàng, khối lượng đã chuyển...
"Giữa bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định sẽ xây dựng mô hình các trang trại sản xuất thực phẩm khép kín, sạch và ngon", anh Trình chia sẻ.
Vị CEO 8X muốn tìm cho mình hướng đi mới, đóng góp nhiều giá trị cho gia đình, bạn bè, những người thân xung quanh và xã hội.
Là một startup còn non trẻ, nhưng Hachi - dự án nông nghiệp công nghệ cao đã khá thành công trong việc gọi vốn. Năm qua, các bạn trẻ của Hachi đã được quỹ khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley đầu tư 10.000 USD, chưa kể một số giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp. Tham dự Startup Việt lần này, các bạn trẻ kỳ vọng nhiều nhà đầu tư để mắt tới dự án nhằm thúc đẩy và gia tăng quy mô phục vụ nền nông nghiệp trong nước và xa hơn là khẳng định thương hiệu tại thị trường thế giới.
Chia sẻ về ý tưởng phát triển dự án "Mạng lưới phòng khách sạn bình dân UPInns", Diệp Võ - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành cho biết, nhờ lớn lên tại Nha Trang nên biết rõ nhiều khách sạn, nhà nghỉ có chất lượng, giá tốt nhưng thường xuyên trống phòng. Ý tưởng tạo ra một ứng dụng có thể kết nối nhiều phòng ở nhiều khách sạn đã hình thành. Diệp Võ kỳ vọng sản phẩm sẽ mở rộng sự kết nối với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước.
Ứng dụng "Đi siêu thị" - kênh online về mua sắm hàng ngày ra đời vào tháng 7/2013. Lần gọi vốn gần đây nhất vào năm 2015, giá trị công ty đã được định giá tăng gấp 5 lần so với thời điểm mới thành lập.
Hiện ứng dụng kết nối mạng lưới hàng trăm chuỗi siêu thị, nhà cung cấp, cửa hàng thực phẩm sạch... ở Hà Nội, TP HCM và nhiều đối tác nước ngoài tìm đến hợp tác.
Tuy nhiên, các nhà sáng lập dự án chia sẻ, lựa chọn mô hình thương mại điện tử đòi hỏi nhóm sáng lập và nhóm đầu tư phải nhẫn nại. Không ít lần, cả đội phát triển phải xoay sở tìm cách tồn tại.
"Chúng tôi đã nhận được lời đề nghị của một tập đoàn lớn trong nước muốn M&A, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều, liệu mình có muốn tiếp tục trên con đường này tiến lên, hay chấp nhận thuộc về một ông lớn. Và quyết định của nhóm sáng lập là đi tiếp, cứ đi rồi sẽ đến", đại diện Đi siêu thị nói.
Còn rất nhiều tâm tư, nguyện vọng hoặc đơn giản chỉ là những chia sẻ về khó khăn thách thức mà các nhà sáng lập trẻ bày tỏ với chương trình bình chọn Startup Việt 2016. Đại đa số cho rằng khởi nghiệp là hành trình dài, gian nan, song nếu cố gắng không ngừng nghỉ sẽ đạt được thành công. Chính vì vậy, mọi người hào hứng và kỳ vọng với mục tiêu và định hướng mà "Startup Việt - Sải bước thành công" đang thực hiện.
Thanh Thư