Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 10/8/2015, 10:26 (GMT+7)

Mở trung tâm ngoại ngữ vì từng dốt tiếng Anh

Xấu hổ sau một lần phát âm sai khiến bạn bè cười chê, Nguyễn Tuấn Linh quyết định vay vốn để mở trung tâm tiếng Anh cho người giao tiếp ngoại ngữ kém.

Sinh năm 1985 tại Hà Nội, Nguyễn Tuấn Linh không gặp quá nhiều trở ngại trong cuộc sống cũng như công việc. Với đam mê kinh doanh, không ít lần anh giấu gia đình tự triển khai các ý tưởng của mình. Khi còn là học sinh, anh từng mượn truyện của những người bạn, gom thành tủ đầy sách rồi cho thuê kiếm tiền. Lớn lên chút nữa, vừa học đại học, anh vừa kinh doanh cửa hàng internet, quán ăn...

a-Linh.jpg

Anh Nguyễn Tuấn Linh cho biết mình từng gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh được nhận vào làm tại một ngân hàng lớn. Trong thời gian này, Linh học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh đào tạo bằng tiếng Anh. Chi phí chương trình học khá cao đối với với một người vừa ra trường và mới có gia đình nên anh quyết định bán xe máy để lấy tiền nộp học phí. 

Khi tham gia khóa MBA anh mới nhận thấy, bản thân ngoại ngữ của anh khi học ở trường không tệ, nhưng để nói chuyện và giao tiếp trôi chảy với người nước ngoài lại rất khó khăn. "Cứ thi viết thì mình làm được, còn mỗi khi thi vấn đáp hoặc trao đổi với giảng viên thì như gà mắc tóc. Thậm chí có lần cả lớp phải cười ồ lên vì mình phát âm sai, khiến nhiều người hiểu nhầm nghĩa", anh nói. 

Linh lao vào "cày" và nhận thấy, phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo kiểu nhồi nhét ngữ pháp, cấu trúc câu chính là lý do khiến nhiều người đọc tiếng Anh thì giỏi nhưng để giao tiếp được lại rất khó khăn. Nhận thấy nhiều người gặp tình trạng như mình nên anh nảy ra ý tưởng sẽ đầu tư mở trung tâm ngoại ngữ do người nước ngoài giảng dạy nhằm tăng phản xạ cho học viên.

Ngay sau khi nhận bằng MBA, Linh bắt tay vào triển khai công việc nhưng lại vấp phải khó khăn về vấn đề vốn đầu tư. Để có một trung tâm như mong đợi, số vốn đầu tư không dưới 300 triệu đồng. Anh đánh liều vay tín chấp ngân hàng mặc cho mọi người trong gia đình can ngăn.

"Đang có một công việc ổn định, phù hợp với ngành học, mọi người trong gia đình không muốn tôi đánh đổi những điều đó để lấy sự rủi ro. Đặc biệt, vốn ngoại ngữ của tôi chỉ ở mức bình thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ, điều gì cũng cần phải học, và kinh doanh cũng vậy, nếu thất bại thì đứng dậy làm lại", ông chủ trung tâm chia sẻ.

Hiện trung tâm Anh ngữ đầu tiên ông chủ trẻ đã đi vào hoạt động được nửa năm, với 10 nhân viên và bắt đầu đạt đến điểm hòa vốn. Anh cũng dự định từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm cơ sở thứ 2.

Tuy nhiên, không ai biết, có thời điểm để tiết kiệm chi phí thời gian đầu khi chưa có nhiều học viên, anh phải tự tay làm mọi việc, từ cắt dán, trang trí trung tâm cho đến thiết kế, phát tờ rơi, quảng cáo... Giữa rất nhiều trung tâm ngoại ngữ, anh cũng phải nhiều đêm mất ngủ để tìm ra mô hình dạy và học cạnh tranh nhất.

"Làm sao để cá nhân hóa từng học viên vì nếu cứ dạy ào ào sẽ khó kiểm soát chất lượng? Tuy nhiên, nếu như vậy thì lại đau đầu với bài toán chi phí và lợi nhuận cân đối sao cho hợp lý", anh Linh chia sẻ. 

Cuối cùng, anh chốt phương án mỗi lớp chỉ tối đa 6 học viên. Do có quy mô lớp nhỏ nên dù mới mở, trung tâm có thể mở mới các khóa thường xuyên, giúp tăng nhanh doanh thu. Để tiết giảm chi phí, mỗi buổi học chỉ kéo dài khoảng 1,5-2 giờ để nâng cao độ tâp trung của học viên, thậm chí phù hợp với những người đi làm muốn tranh thủ thời gian học buổi trưa.  

"Trong quá trình kinh doanh, với số vốn nhỏ thì khẩu hiệu 'tiết kiệm' phải luôn được đặt lên hàng đầu. Không cần thiết phải thuê ngay mặt bằng ngay đường lớn vì chi phí cao, lại gây ồn ào, không thuận lợi cho việc giảng dạy. Khi chi tiêu, mua sắm mọi thứ phải cân nhắc xem cái gì nên được ưu tiên vì nếu chạy theo các trung tâm lớn thì mình không đủ sức, có khi chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền", anh cho hay. 

Ông chủ trẻ chia sẻ, với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đào tạo ngoại ngữ nói riêng, nếu không chuẩn bị tâm lý trước sẽ rất dễ bị sốc và bỏ cuộc giữa chừng.

"Các khóa học đều chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, do đó, áp lực tuyển học viên sẽ luôn ám ảnh tâm trí bạn. Đó là chưa kết thời gian đầu việc tuyển sinh không dễ dàng. Tuy nhiên, muốn giải được bài toán đó thì cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự ngay từ đầu, đồng thời phải để họ thấy rằng tất cả bộ máy đều phải nỗ lực thì mới có cơ hội sống sót", anh cho hay.

Ngọc Tuyên