Các ki-ốt cà phê mang đi và nhà vệ sinh công cộng này đặt tại một số khu vực trung tâm thành phố gồm bến xe bus Bến Thành, đường Hàm Nghi, đường Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai, đườngTú Xương - Cách Mạng Tháng 8 và đường Hoàng Văn Thụ - Lê Bình. Người dân không mua cà phê vẫn có thể sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại các địa điểm trên.
Mô hình quầy bán cà phê mang đi vốn không phải xa lạ với những người dân sống tại các thành phố lớn. Tuy nhiên ý tưởng kết hợp quầy bán cà phê với nhà vệ sinh công cộng lại là điều khá mới lạ. Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viva International cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp vừa nỗ lực kinh doanh vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Công ty CP Vietnamese Coffee To Go tiên phong làm quầy cà phê và phục vụ nhà vệ sinh công cộng cũng là cách đóng góp thiết thực cho xã hội trong bối cảnh này.
Trước đó Viva đã triển khai 4 nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí cho người dân kết hợp với việc kinh doanh cửa hàng cà phê phục vụ tại chỗ. "Nay Viva tiếp tục phát triển ý tưởng dưới hình thức quầy cà phê mang đi kết hợp nhà vệ sinh công cộng. Điều này giúp chúng tôi có thể triển khai mô hình nhanh, nhiều và phục vụ cộng đồng tốt hơn", bà Lê Thị Ngọc Thủy nói.
Ông Shyam Sunder, CEO Vietnamese Coffee To Go cho hay chi phí đầu tư mỗi ki-ốt khoảng 400-700 triệu đồng, tùy diện tích. Trong đó bao gồm phần đầu tư vào ki-ốt và ký quỹ trả trước tiền thuê mặt bằng trong thời gian 2 năm. Mỗi ki-ốt được quyền khai thác thời gian tôi thiểu 3 năm, tối đa 5-10 năm.
Sau 5 ki-ốt này, Viva sẽ đánh giá hiệu suất kinh doanh, tiếp tục khảo sát địa điểm mới và lên kế hoạch nhân rộng mô hình. Nếu mở rộng hơn 10 điểm bán, doanh nghiệp dự kiến trích lợi nhuận đầu tư thêm vào các nhà vệ sinh công cộng.
Đánh giá về tiềm năng phát triển, đại diện doanh nghiệp cho hay, kinh nghiệm vận hành 300 điểm cà phê và uy tín thương hiệu Viva Star Coffee, mô hình kinh doanh mới có lợi thế thu hút nhà đầu tư đồng hành thời gian tới.
Thúy An