Giữa tháng 7, nhiều khu vực tại huyện Lục Ngạn kết thúc đợt phong tỏa, chuyển sang thực hiện chỉ thị 15. Nhịp sống thường ngày dần trở lại tại thủ phủ vải thiều của Bắc Giang.
Tại thị trấn Chũ, doanh nghiệp giấm trái cây của chị Bạch Kim Ngân vừa xuất khẩu thành công 5.000 sản phẩm giấm ngâm tỏi ớt sang thị trường Czech, sau nhiều lần đàm phán, kết nối chào hàng với đối tác. Mong muốn của nữ doanh nhân là bước đầu chinh phục thị trường châu Âu bằng sản phẩm truyền thống của người Việt.
Trước đó, trong thời điểm Bắc Giang vẫn là tâm dịch lớn nhất cả nước, một container giấm Kim Ngân cũng đã lên đường sang Bắc Kinh, Trung Quốc. Bối cảnh khó khăn trong quá trình thông quan hàng hóa, song 2 lô hàng xuất ngoại thành công cho thấy nỗ lực không ngừng của các nữ doanh nhân vùng vải thiều. "Việc duy trì thu nhập để đảm bảo đời sống của nhân viên, tìm kiếm khách hàng... giai đoạn này rất khó khăn. Nhưng tôi cho đây là lúc bản thân phát huy được những khả năng tiềm ẩn. Có những việc, tôi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng rồi cũng hoàn thành", chị Ngân tâm sự.
Hành trình khởi nghiệp của chị Kim Ngân bắt đầu vào mùa hè năm 2013, khi chị chứng kiến cảnh vải thiều Lục Ngạn rớt giá thê thảm. Nhìn những trái vải chín, xuống mã vì nông dân không bán được, chị Ngân cảm thấy rất buồn và bất lực. Vốn là giáo viên dạy môn Hoá, tiếc hàng nghìn tấn vải phải vứt bỏ, chị bắt tay mày mò nghiên cứu lên men giấm. Từ cùi vải thiều tươi cùng mật ong nguyên chất, đường, nước sạch và men giấm, chị tiến hành ủ lên men từ 2 đến 3 tháng, sau đó đem lọc, thanh trùng và sốc nhiệt. Sản phẩm giấm vải có màu vàng nhạt, vị chua nhẹ, không gắt, hơi ngọt ở hậu vị, an toàn cho sức khỏe người dùng, có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo nhà sản xuất, giấm trái cây bán tại Việt Nam chủ yếu là hàng nhập khẩu với giá thành đắt đỏ. Cũng có nhiều gia đình tự làm giấm, song đều ở mức độ sơ đẳng, không thể thành thương phẩm. Bởi vậy, sau một năm nghiên cứu, tháng 9/2014, cô giáo Bạch Kim Ngân thành lập Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn, để có đủ điều kiện pháp lý đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ những lợi thế về chất lượng, giấm vải Kim Ngân được người tiêu dùng đón nhận và ưa thích.
Sau quả vải, nhiều loại nông sản của Việt Nam như táo xanh, táo mèo, mơ... cũng được chị Kim Ngân đưa vào làm giấm, cho ra đa dạng sản phẩm giấm táo xanh mật ong, giấm táo mèo, giấm mơ mật ong... Với mục đích "giải phóng" sức lao động của người phụ nữ, chị tiếp tục tạo ra các sản phẩm giấm tỏi ớt, giúp mọi người giản tiện công sức chế biến, nhanh chóng có được những bữa ăn ngon, đẹp mắt và tiện lợi.
Cùng với việc phát triển thị trường trong nước, chị Ngân tìm cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài. Song việc đưa sản phẩm xuất khẩu chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, khi doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng và số lượng sản phẩm. Với chị, sản phẩm có chất lượng tốt là điều kiện tiên quyết để doanh trụ vững trên thị trường.
Để đạt tới số lượng lớn, đảm bảo chất lượng đòi hỏi chị phải tập trung nghiên cứu, tìm tòi, rút kinh nghiệm trong thời gian dài. "Một khi sản phẩm được đối tác nước ngoài đón nhận, đồng nghĩa với việc phải đáp ứng số lượng rất lớn. Nếu không đáp ứng kịp số lượng hàng trong thời gian ngắn, họ sẽ tìm đối tác khác. Bởi vậy, chúng tôi cũng phải cân đối phương án sản xuất phù hợp tình hình thực tế", cô giáo, doanh nhân Kim Ngân giải thích.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và số lượng, sản phẩm giấm trái cây của Kim Ngân cũng được đẩy mạnh đầu tư về thiết kế, bao bì để hấp dẫn người tiêu dùng.
Hiện nay, công ty thu mua khoảng 20 tấn cùi vải, 20 tấn táo xanh, 30 tấn táo mèo và 5 tấn mơ, sản xuất ra khoảng 500.000 lít giấm các loại mỗi năm. Các mặt hàng giấm được phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước cũng như các sàn thương mại điện tử.
Hoài Phong