Hủy
Hành trình khởi nghiệp Chủ nhật, 9/6/2019, 15:43 (GMT+7)

Năm bài học từ hành trình khởi nghiệp của Elon Musk

Ông chủ Tesla kiên trì, chấp nhận rủi ro, tìm giải pháp tốt nhất, tối ưu hóa sản phẩm, làm việc chăm chỉ trong quá trình chinh phục những giấc mơ vĩ đại.

Elon Musk là một trong những doanh nhân khởi nghiệp truyền cảm hứng nhất trên thế giới. Phía sau thành công của ông cùng hãng xe điện Tesla và công ty vũ trụ SpaceX là những bài học đáng giá.

Kiên trì

Năm 2008, Tesla và SpaceX đều gặp trục trặc, trên đà phá sản. Một quyết định quan trọng chờ Musk nhằm xác định tương lai của hai công ty này. Trong thời khắc ấy, ông đã quyết định không bỏ cuộc và đi đến cùng. Đến Giáng sinh 2008, mọi thứ dần trở nên khởi sắc khi SpaceX ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với NASA để cung cấp vật tư vào không gian. Tesla đồng thời cũng tìm thêm các nhà đầu tư mới. Đến 2009, Musk sống sót qua những khoản nợ cá nhân.

Đi trước thời đại

Năm 2001, khi thế giới vẫn còn đang lĩnh hội về sức mạnh của Internet, Musk đã ở trên chuyến bay trở về Mỹ từ Nga và chuẩn bị một bảng exel về cách thức để giảm chi phí du lịch không gian ở mức tốt nhất. Hành động này được thực hiện sau khi ông bán hai công ty Internet của mình với giá hàng triệu USD.

"Số tiền tôi kiếm được từ PayPal là 180 triệu USD. Tôi dùng 100 triệu USD đầu tư vào SpaceX, 70 triệu USD vào Tesla và 10 triệu USD vào Solar City", Musk nói.

Trong suốt bảy năm sau, dù không một công ty nào mang về lợi nhuận nhưng Musk vẫn là một nhân vật khởi nghiệp đặc biệt và truyền cảm hứng bởi dám chấp nhận rủi ro, khám phá những ý tưởng điên rồ có tác động lớn đến sự thay đổi của thế giới. Ông cũng trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình về sự tồn tại giữa phá sản.

Elon Musk là một trong những hình mẫu điển hình truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Ảnh: Mike Blake/Redux.

Elon Musk là một trong những hình mẫu điển hình truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Ảnh: Mike Blake/Redux.

Tìm giải pháp tốt nhất

Với mỗi nhân viên ở các công ty do Musk điều hành, họ chỉ cần đứng trước mặt ông và giải thích lý do không thể đạt được mục tiêu cũng đồng nghĩa với việc bị sa thải. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Musk thúc đẩy đội ngũ của mình làm việc hướng tới những mục tiêu rõ ràng.

Năm 2004, Musk yêu cầu giám đốc các dự án nâng cấp của SapceX tìm ra thiết bị truyền động giúp tên lửa Falcon 1 có thể tự điều khiển trong giai đoạn thứ hai. Vị giám đốc đã đi tìm những nhà cung cấp có thể thực hiện một thiết bị truyền động bằng điện và nhận được báo giá là 120.000 USD. Musk đã cười và nói rằng: "Thiết bị này còn không phức tạp bằng một chiếc cửa mở nhà để xe. Ngân sách cho anh là 5.000 USD để vận hành nó". Kết quả sau đó đã trở thành trường hợp kinh điển cho câu nói "Không gì là không thể". Người giám đốc đã dành 9 tháng để thiết kế và xây dựng thiết bị theo yêu cầu của Musk với số tiền thậm chí còn tiết kiệm hơn là 3.900 USD.

Tối ưu hóa

Khi một khách hàng của Tesla gặp sự cố nào đó với chiếc xe, chỉ với một quy trình phản hồi đơn giản và giấc ngủ ngon, khi thức dậy họ sẽ thấy chiếc xe đã đổi mới. Đa phần xe Tesla hiếm khi cần bảo dưỡng vì chất lượng của các bộ phận được sản xuất (do không có động cơ) và chức năng tự động của các bộ phận khác nhau. Giống như bất kỳ ứng dụng nào trên điện thoại, xe Tesla có phần mềm được nâng cấp thường xuyên. Với Musk, mỗi một lần nâng cấp thì chiếc xe phải trở nên tốt hơn chứ không thể giậm chân tại chỗ. Ông luôn muốn tối ưu hóa thiết bị ở mức độ cao hơn.

"Rõ ràng Tesla giúp giải quyết việc tiêu thụ năng lượng một cách bền vững nhưng chúng ta cũng cần sản xuất năng lượng một cách bền vững", ông mô tả. Vì thế, Musk đã tạo ra công ty năng lượng Solar City - chuyên thiết kế và lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cũng như các trạm sạc xe điện.

Mơ lớn và làm việc chăm chỉ

Đã có lúc chi phí cho một lần phóng tên lửa vào vũ trụ lên đến khoảng 380 triệu USD. Sau đó, SpaceX dần giảm bớt được chi phí theo thời gian. Đứng sau tất cả những thành tựu ấy là một Elon Musk làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ nhân viên nào của mình. Quỹ thời gian của ông phải chia đều cho nhiều công ty và gia đình nhưng Musk đã quản lý rất tốt.

Với việc làm việc điên cuồng 80 giờ mỗi tuần, nhiều người gọi Musk là sự khác biệt giữa một huyền thoại và kẻ điên. Nhưng trong gần hai thập kỷ, người đàn ông này không chỉ tạo ra những công ty huyền thoại như Tesla, SpaceX mà còn là hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop, nhà máy pin khổng lồ Gigafactory 1 nằm giữa sa mạc Nevada ở Mỹ hay thành lập tổ chức chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và đảm bảo công nghệ không phá hủy nhân loại. Musk đã chứng minh cho thế giới thấy giấc mơ của mình lớn đến mức nào và nó đã trở thành hiện thực ra sao.

Trương Sanh (theo Entrepreneur)

Bài toán và giải pháp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ được nêu ra tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Ventures Summit 2019). Tổ chức trong 2 ngày 10/6 và 12/6, diễn đàn là nơi gặp gỡ, đối thoại và kết nối giữa Chính phủ Việt Nam và các quỹ, đơn vị khởi nghiệp.

Sự kiện thu hút 100 Quỹ đầu tư khởi nghiệp quốc tế là các tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund; Sequoia; SK; Temasek; Insignia; Golden Gate Venture, Hanwha...

Tại đây, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới sẽ có mặt, cùng tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đại diện các tổ chức lớn cũng sẽ chia sẻ những bài học và quan điểm phát triển, hỗ trợ cũng như vai trò của Chính phủ.

Diễn đàn cũng mở ra cơ hội lắng nghe nhu cầu từ cộng đồng khởi nghiệp, các quỹ đầu tư cũng như đối thoại về chính sách hỗ trợ trong các nhóm ngành đang được quan tâm như fintech, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử...

Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sự kiện diễn ra trong hai ngày: 10/6 tại khách sạn Sheraton Hà Nội và 12/6 tại GEM Center (Quận 1, TP HCM).