"Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình của chúng tôi nhằm mở ra khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người để hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số", Anthony Tan, Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập Grab chia sẻ vài ngày trước. Nếu thành công, thương vụ IPO này sẽ đẩy định giá của Grab lên khoảng 40 tỷ USD theo giới chuyên môn.
Nhìn ở phạm vi rộng hơn, thương vụ Grab IPO sẽ khởi đầu chương mới cho nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp theo Nikkei. Các nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ rộng cửa thâm nhập vào một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này còn giúp các kỳ lân khu vực khác tiếp bước Grab, thách thức lại sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
Grab cho biết sẽ không có lãi cho đến năm 2023. Công ty đang phải chứng minh rằng họ có thể xứng đáng cho mức định giá 40 tỷ USD - gần gấp đôi giá trị của Google tại thời điểm chào bán công khai lần đầu, khi đó gã khổng lồ của Mỹ đã có lãi.
Một giám đốc điều hành tại một tổ chức tài chính đầu tư vào Grab tiết lộ rằng "có sự đánh cược đối với các thương vụ SPAC đang xảy ra ở Đông Nam Á và Trung Quốc". Giới chuyên môn "lo ngại" về việc thị trường này quá nóng.
Còn Anthony Tan lại thể hiện mình tự tin khi có thể đưa công ty "phát triển nhanh chóng và bền vững". Những gì mà Grab đang làm là "cách tốt nhất để niêm yết cổ phiếu". Ưu tiên hàng đầu của Tan là chứng minh khả năng của công ty. Lần này không chỉ với những nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm rủi ro dài hạn mà anh đã quen biết từ khi thành lập công ty, mà là với một loạt cổ đông không thể kiên nhẫn chờ đợi.
4 thách thức cho Grab sau IPO
Đầu tiên là quyền lực khống chế của CEO Anthony Tan - Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập của Grab. Hiện bộ ba, gồm CEO Tan, đồng sáng lập Tan Hooi Ling và Chủ tịch Ming Ma chỉ chiếm 3,3% cổ phần của giá trị của Altimeter Growth Corp tức công ty SPAC mới thành lập. Nhưng việc nắm giữ cổ phần loại B của bộ ba sẽ giúp họ có quyền bổ phiếu đến 60,4%.
Công ty SPAC - Altimeter Growth Corp nói rằng cổ phần của nhà đồng sáng lập Tan và Chủ tịch Ma "sẽ thuộc sở hữu có ích cho CEO Tan tùy thuộc vào sự đồng ý của hai cổ đông trong thỏa thuận kinh doanh. Có nghĩa là CEO trở thành người ủy nhiệm và có quyền sử dụng quyền biểu quyết của cổ đông sở hữu cổ phiếu loại B". Vô hình chung, CEO Tan có quyền lực khống chế toàn bộ Grab. Cấu trúc sở hữu này cho phép công ty tăng tốc trong việc ra quyết định, trong khi vẫn duy trì sở hữu cổ phần của bộ ba dưới 2/3 quyền biểu quyết.
Thứ hai, trách nhiệm của CEO Tan trở nên nặng nề hơn, buộc Grab phải đem lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong thời gian tới. Grab đã lỗ ròng hơn 2 tỷ USD trong ít nhất ba năm liên tiếp vừa qua, khiến số lỗ từ khi startup thành lập lên đến 10 tỷ USD.
Grab đang cố gắng cắt lỗ trong khi tăng lợi nhuận các mảng có thể kiếm lợi nhuận sớm hơn. Giám đốc tài chính Peter Oey nói trong buổi họp trực tuyến với các nhà đầu tư rằng tối ưu hóa doanh số và chi phí tiếp thế, giảm chi phí cố định và giảm chi phí nhân sự và các khoản chi phí công nghệ khác sẽ giúp startup này kiếm được lợi nhuận trong tương lai dài hạn. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu có lợi nhuận vào năm 2023 và đạt khoảng 500 triệu USD, so với khoản lỗ 800 triệu trong năm 2020.
Thứ ba, mảng giao nhận sẽ trở thành mảng cốt lõi trong ba năm tới và buộc phải có lời trong năm 2021. Grab sẽ xây dựng một mạng lưới có chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả nhất bằng cách đầu tư vào công nghệ bản đồ và các công nghệ khác. Grab cũng thừa nhận rằng độ phủ của dịch vụ giao nhận đồ ăn ở Đông Nam Á vẫn thấp.
Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư, Grab đã đưa ra 50 mối nguy chính của startup này. Một trong số đó là Grab có thể bị ảnh hưởng bởi các luật lệ, quy định cấm vận thương mại và kinh tế của các nước đối với Myanmar.
Thứ tư, nếu thành công, thương vụ SPAC cũng đặt ra chuẩn mực mới cho các startup công nghệ ở Đông Nam Á khi gọi vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hai startup của Indonesia là Gojek và Tokopedia đang chuẩn bị sáp nhập và chuẩn bị thương vụ niêm yết theo kiểu SPAC với giá trị tương tự hay lớn hơn của Grab trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhiều startup công nghệ khác của Đông Nam Á cũng sẽ có thể đi theo mô hình SPAC mà Grab chuẩn bị thực hiện. Đầu tiên là các kỳ lân công nghệ của Indonesia như Traveloka và Bukalapak. Kế đến là cả các hãng công nghệ mới và truyền thống.
'Grab vẫn tập trung vào Đông Nam Á'
Sau IPO, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn mới huy động được để "phát triển mạng lưới giao hàng chi phí thấp nhất và hoạt động hiệu qủa nhất" bằng cách đầu tư vào công nghệ bản đồ và các công nghệ khác. Bên cạnh đó, Grab muốn "cách mạng hoá mảng thanh toán di động, dịch vụ tài chính và ngân hàng số".
Thông qua hình thức SPAC, Grab sẽ sáp nhập với một công ty đã niêm yết trên sàn Nasdaq là Altimeter Growth Corp trong một vài tháng tới.
Năm ngoái, cùng Singtel, Grab nhận giấy phép ngân hàng số ở Singapore và kỳ vọng có thể bắt đầu khởi động dịch vụ sớm nhất vào năm 2022. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng số theo mô hình có thể gia tăng về quy mô", CEO Grab nói.
Sea Group đang là đối thủ lớn của Grab. Công ty này bắt đầu mở rộng ra các thị trường Mỹ Latinh như Brazil. Điều này đặt ra câu hỏi liệu chăng Grab cũng đang có những kế hoạch tương tự. Dù vậy, Tan tin rằng Đông Nam Á có dân số nhiều gấp đôi Mỹ, ở mức 670 triệu người với tỷ lệ người sử dụng các dịch vụ trực tuyến vẫn khá thấp. Tiềm năng tăng trưởng vấn là rất lớn. Grab sẽ tập trung vào sân nhà thay vì những thoả thuận hợp tác đã có với các công ty, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
Về thời gian IPO, Tan nói Grab đang ở "thời điểm chín muồi" sau khi giá trị giao dịch hàng hoá (GMV) trong năm 2020 đã vượt mốc thời điểm trước đại dịch. "Chúng tôi vẫn vượt qua năm 2020 một cách đầy mạnh mẽ. Điều này cho thấy sự đúng đắn trong mô hình kinh doanh của Grab", CEO Grab chia sẻ.
Năm 2020, Grab ghi nhận lỗ ròng 2,7 tỷ USD, vì thế, định giá gần 40 tỷ USD khiến không ít người hoài nghi. Ngược lại, Tan khẳng định mức định giá trên là hợp lý bởi Grab được giới đầu tư mô tả như sự kết hợp giữa Uber, DoorDash và Ant.
Thành Dương (theo Nikkei)