Dưới đây là những kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm khởi nghiệp do anh Lâm Ngọc, chủ cơ sở áo thun chia sẻ với bạn đọc VnExpress.
Tôi là nhân vật trong bài viết “ Tái khởi nghiệp với 17 triệu đồng” từng chia sẻ với bạn đọc VnExpress mới đây. Cơ sở áo thun hiện tại của tôi được gầy dựng từ số vốn vỏn vẹn 17 triệu đồng, sau khi bị một lần thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên khiến 200 triệu đồng mất sạch.
Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net. |
Lần khởi nghiệp thứ hai này, tôi cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng mình sẽ bỏ cuộc. Nhưng bằng sự cố gắng không mệt mỏi và sự quyết tâm cao, sóng gió rồi cũng dần qua đi. Giờ đây doanh thu của cơ sở tôi ổn định ở mức 150-200 triệu đồng mỗi tháng. Tôi cũng rất tự hào với chiếc áo thun đồng phục mà mình cung cấp ra thị trường. Nhìn khách hàng cầm áo lên, mặc vào và khen ngợi, lòng tôi thấy rất nhẹ nhõm.
Tuy những thành công trên chưa phải là điều gì lớn lao, nhưng tôi cũng thấy được an ủi là đã có thể nuôi sống bản thân, gia đình và giúp được một số lao động trong xã hội. Điều tôi trăn trở là có quá nhiều người trẻ, khó khăn lắm mới dành dụm được một số tiền, cũng cầu tiến, cũng tham vọng, cũng ước mơ…, nhưng mô hình kinh doanh vừa ra đời, sau đó không tồn tại được lâu.
Tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều bạn sinh viên mới ra trường để cùng trao đổi về vấn đề khởi nghiệp. Và sau đó, tôi nhận thấy những thắc mắc của các bạn thường có những điểm chung như: Nên làm gì với số vốn ít ỏi? Đam mê kinh doanh vậy có nên bỏ việc để khởi nghiệp? Nên kinh doanh sản phẩm gì cho phù hợp…? Do đó, tôi muốn chia sẻ vài lời khuyên dành cho những ai muốn khởi nghiệp được đúc kết bằng những kinh nghiệm từ chính bản thân tôi.
Trước hết là tích luỹ kiến thức. Kiến thức được tích luỹ trong học đường là rất quan trọng, nhưng điều tôi muốn đề cập ở đây là kiến thức ngành nghề. Chẳng hạn bạn muốn gia nhập vào lĩnh vực thời trang thì bắt buộc phải am hiểu về nó. Chí ít bạn cũng phải biết được tình hình thực tại của lĩnh vực mình dự định tham gia, hướng phát triển có sáng sủa không, cũng như những mối quan hệ trong ngành.
Để có những kiến thức này, chỉ thông tin thu thập và cập nhật trên báo chí, internet là chưa đủ, mà bạn phải tìm hiểu thêm từ thực tế như ở người tiêu dùng, các chợ, shop, nhà thương mại và nhà sản xuất... Các mối quan hệ này giúp bạn am hiểu hơn tình hình thực tế, tạo nên cái nhìn toàn diện và sàng lọc rõ ràng hơn từ thông tin đại chúng của báo đài, internet…
Thứ hai là trau dồi kinh nghiệm. Muốn có kiến thức thì bạn phải học, quan sát, trao đổi và lắng nghe, nhưng để có kinh nghiệm thì đòi hỏi phải làm mới có được. Tôi không khuyến khích các bạn hãy khởi nghiệp tức thì để có những kinh nghiệm, mà hãy đi làm ở lĩnh vực đó.
Chẳng hạn, nếu muốn khởi nghiệp trong ngành ăn uống, bạn có thể xin đi làm công và tham gia vào nhiều vị trí khác nhau để có thể trải nghiệm một cách toàn diện về ngành nghề mình theo đuổi. Chỉ có trải nghiệm thực tế mới có thể giúp bạn một lần nữa khẳng định mình có phù hợp hay không trước khi ra khởi nghiệp. Và điều đó mới giúp bạn tồn tại được lâu.
Thứ ba là sự say mê. Bạn phải thật sự say mê và yêu thích thì mới dành trọn tâm huyết với dự án mà mình dự định khởi nghiệp. Sự say mê này thể hiện qua cảm giác lo lắng, chăm chút từng li từng tí, luôn suy nghĩ và trăn trở từng ngày, từng giờ về sản phẩm mà bạn đang hướng tới và nó luôn thôi thúc bạn phải hành động.
Còn nếu cái cảm giác ấy chỉ tồn tại trong ngắn hạn và rồi bạn lại phát hiện một điều gì đó hay hơn, hấp dẫn hơn thì nghĩa là bạn chưa thật sự say mê nó. Sai lầm của nhiều người là chỉ cần ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe một câu chuyện hay đọc một bài báo là các bạn cho rằng mình đã yêu thích lĩnh vực nào đấy. Nhưng thực ra đó chỉ là sự ngộ nhận, không phải là sự say mê và yêu thích thật sự.
Thứ tư là định hướng kế hoạch. Bạn phải lập cho mình một bản kế hoạch càng chi tiết càng tốt, trong đó hãy xác định mục tiêu rõ ràng và cách thức hoạt động để có thể đạt được mục tiêu. Trong bảng kế hoạch này, bạn cũng cần phải chỉ ra được những cơ hội và thách thức. Nếu trong lúc hoạch định, bạn thấy rằng cơ hội không đủ hấp dẫn thì nên xem xét lại.
Ngoài ra, bạn hãy tìm những người từng trải để họ chia sẻ khó khăn thách thức, giúp bức tranh khởi nghiệp của bạn được hoàn hảo hơn. Đừng quá lo lắng khi nhận thấy có quá nhiều rủi ro, thay vào đó bạn hãy tự tìm cho mình hướng giải quyết. Nên nhớ, tất cả những khó khăn đều có giải pháp, vấn đề là giải pháp của bạn tốt đến đâu. Nếu cảm thấy bất an với khả năng hiện tại, bạn hãy lập một kế hoạch nhỏ để giải quyết trước khi tiếp tục một kế hoạch lớn.
Thứ năm là chấp nhận dấn thân. Khi kiến thức đã được tích luỹ, kinh nghiệm đã có cộng với một tình yêu mãnh liệt và một bản kế hoạch chi tiết thì nó cho thấy bạn đã đáp ứng được những điều kiện cần và đủ cho việc khởi nghiệp. Giờ là lúc bạn phải tự ra quyết định nên "dấn thân" hay không.
Nếu đã quyết tâm dấn thân, tôi mong rằng bạn hãy thật kiên định. Mặc dù bạn đã chuẩn bị hành trang rất tốt cho chuyến phiêu lưu khởi nghiệp, nhưng cũng sẽ không thể nào lường hết mọi việc. Khó khăn sẽ ập đến và có thể nhấn chìm bạn bất cứ lúc nào nếu không đủ sức vượt qua. Và thành công chỉ đến khi bạn đủ bản lĩnh.
Lâm Ngọc