Hủy
Hành trình khởi nghiệp Chủ nhật, 11/11/2018, 00:00 (GMT+7)

Startup nông nghiệp công nghệ cao kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng

Mr Farm muốn chia sẻ 5% cổ phần với nhà đầu tư nào sẵn sàng góp 2 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Startup Việt 2018.

Mr Farm Agriculture là một trong những dự án nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức. Tại vòng thuyết trình trước hội đồng chuyên môn dành cho top 15 startup nổi bật vừa diễn ra ở TP HCM và Hà Nội, nhà sáng lập Phạm Cao Kỳ chủ động kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần công ty. Trước đó, các giám khảo Startup Việt 2018 từng chia sẻ sẵn sàng rót vốn và hỗ trợ nếu tìm thấy những dự án tiềm năng.

Là một trong những giám khảo của Startup Việt 2018, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình đặt ngay vấn đề về doanh số. Kỳ cho biết sản phẩm ra mắt thị trường vào ngày 15/10 nên mới chỉ bán được một bộ Mr Farm i4 - sản phẩm dành cho các hộ dân sản xuất nông sản vừa và nhỏ, diện tích 2-15 ha, qua đó hỗ trợ triển khai hệ thống tự động hóa ở khâu trồng trọt.

Theo chàng kỹ sư xứ Quảng, sản phẩm giúp cho nhiều hộ dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản (chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch), tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ, chống trộm qua điện thoại. Với 10 ha trồng xà lách, hộ dân chỉ cần lắp đặt một bộ duy nhất, chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng một bộ. Thay vì phải thuê nhân công ngoài tốn khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng, hộ dân vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện năng suất lao động

Ông Bình cũng thắc mắc nếu đã lắp máy tưới nhỏ giọt, cắm thiết bị của Mr Farm vào thì trong trường hợp máy chưa có phần tự động hóa thì làm sao nối được các máy khác nhau. Kỳ giải thích hệ thống tưới qua bơm, dây vị trí của sản phẩm được đánh dấu sẵn, từ đó có đơn vị lắp hệ thống tưới gắn vào cầu dao của tủ điện rồi cắm chạy. Các chương trình có thể tải bất kỳ từ điện thoại hoặc máy chủ.

Phạm Cao Kỳ dành nhiều tâm huyết với ngành nông nghiệp giúp bà con nông dân cải thiện quy trình và năng suất sản phẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Phạm Cao Kỳ dành nhiều tâm huyết với ngành nông nghiệp giúp bà con nông dân cải thiện quy trình và năng suất sản phẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chủ tịch FPT cũng đưa ra lời khuyên, sản phẩm nên kiểm nghiệm ở chỗ nào đó trồng rau quả, so sánh kết quả để thuyết phục khách hàng. Ông cho rằng phương pháp luận của sản phẩm hơi đơn giản như mở sách giáo khoa, tải một quy trình. "Với những sản phẩm như thế này, người ta dùng kiến thức sinh học, tương tác IoT tùy theo tình hình thời tiết nên tôi sợ bạn hơi đơn giản quá, tuy nhiên nếu đơn giản mà nó vẫn chạy thì tuyệt vời", ông Bình nhận định.

Kỳ giải thích tính năng đặc biệt của sản phẩm là tưới thích nghi theo thời tiết với tất cả cảm biến nhiệt độ và độ ẩm. Nếu khách hàng không có chỗ, anh sẽ có cảm biến kéo dài ra bên ngoài để đo lường nhiệt độ, độ ẩm, nhiệt độ môi trường của cây và tưới thích nghi theo thời tiết. "Khi nắng gắt thì tưới nhiều, mưa thì không tưới. Về chăm phân thì theo lịch bởi mỗi giai đoạn sẽ có lịch chăm phân phù hợp. Hệ thống chạy tự động từ khi cấy xuống đến thu hoạch, các giai đoạn chia nhỏ và quy trình đó do đội kỹ thuật nông học quyết định", anh mô tả.

Hiện đội ngũ của Mr Farm gồm 7 người có nhiều năm kinh nghiệm về tự động hóa, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao. Từ những sự việc kêu gọi giải cứu hàng nghìn tấn dưa hấu ở Quảng Nam và cây hồ tiêu chết tại Gia Lai, Kỳ cho rằng nguyên dân do người dân không am hiểu về giống, quy trình trồng, phân bón và chăm sóc. Anh và đồng sự muốn áp dụng giải pháp của mình giúp nông dân cắt gọt làm sao đơn giản nhất từ cảm biến, điều khiển, công suất... trong một bộ và chỉ cần cắm dây vào dùng, tự động từ khâu nuôi trồng đến thu hoạch, chuẩn hóa quy trình chăm sóc và liên kết người nông dân với nhau.

Giám khảo Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu, cho rằng vấn đề của người nông dân không chỉ về công nghệ mà còn là thị trường. "Sự sống còn và phát triển bền vững hay không của dự án nông nghiệp dựa vào thị trường. Vậy trên cơ sở nào bạn nghĩ như thế hay chỉ là phó mặc chuyện thị trường cho người khác, bạn có quan tâm vấn đề này không?", ông đặt câu hỏi.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng thắc mắc về mô hình kinh doanh của sản phẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng thắc mắc về mô hình kinh doanh của sản phẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Kỳ phản biện dự án phải có sự tham gia của nhà nước là hợp tác xã. Nhiều đơn vị tiếp cận sẵn sàng chuyển giao mô hình và phân phối sản phẩm. "Khi sử dụng sản phẩm thì họ kiểm soát được chất lượng hợp tác xã viên của mình. Ba yếu tố để sản phẩm chạy được là sự kết nối giữa Mr Farm, những đơn vị nhà nước và nghiên cứu sinh hỗ trợ ra quy trình", nhà sáng lập nói.

Mỗi loại cây trồng đều có một quy trình chuẩn nên CEO 8x và đồng sự phối hợp với đối tác như đại học Nông lâm, Viện nông nghiệp kỹ thuật miền Nam và công ty Nhật để triển khai quy trình. Anh đánh giá nếu lắp một hệ thống mới hoàn toàn là việc rất dễ, trong khi đó công ty cố gắng thực hiện với những sản phẩm sẵn có của người nông dân để tiết kiệm chi phí mà vẫn có thể nâng cao năng suất và hiệu quả.

Sản phẩm nhắm đến phân khúc dân dụng từ 2-10 ha với tổng vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng. Kỳ ước tính tỷ suất sinh lợi của Mr Farm 19-27% tùy theo dự án và kỳ vọng chiếm 1,2% thị trường mục tiêu trong vòng 2 năm. Tháng 4 vừa qua công ty đã bán 1/4 cổ phần cho một đối tác cá nhân và một công ty phân bón đồng thời cũng là đối tác phân phối sản phẩm.

Kết quả Top 5 Startup Việt 2018 sẽ công bố tại Gala chung kết diễn ra vào ngày 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM. Độc giả VnExpress có thể đăng ký tham dự Gala tại đây.

Hội đồng giám khảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), ông Phạm Văn Tam - sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo và ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt Nam.

Trương Sanh