Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ ba, 24/11/2015, 09:23 (GMT+7)

Thất bại khởi nghiệp của chàng trai muốn thoát nghèo

Khát vọng khởi nghiệp để thoát nghèo, nhưng Nghiệp Nguyễn nhiều lần nếm trải thất bại khi dấn thân vào con đường kinh doanh do chưa trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết.

Dưới đây là những chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian truân của anh Nghiệp Nguyễn gửi tới bạn đọc VnExpress.

Tôi năm nay 25 tuổi, đang sống ở TP HCM. Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em. Chị đầu đang làm tại một công ty lớn về sữa. Người anh kế là kỹ sư cơ khí, đã có gia đình.

Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, làm giàu về kinhdoanh@vnexpress.net

So với các anh chị, tôi là đứa thua kém nhất khi trình độ chỉ ở cao đẳng nên khiến mẹ không hài lòng. Gia đình tôi cũng không khá giả cho lắm, chỉ ở mức đủ sống. Bố mất từ khi tôi đang thi học kỳ cuối năm lớp 10, khiến tôi suy sụp rất nhiều vì nỗi đau mất mát này.

Mẹ đã một mình làm lụng vất vả để kiếm từng đồng cho ba chị em tôi đi học. Nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi thấy thương mẹ rất nhiều nên cố gắng làm việc với hy vọng thoát nghèo.

that-bai-khoi-nghiep-cua-chang-trai-muon-thoat-ngheo

Cần suy nghĩ, tính toán kỹ và trang bị đầy đủ kỹ năng trước khi quyết định khởi nghiệp.

Lúc tôi vào Sài Gòn học đã phải làm thêm rất nhiều việc, từ nhân viên bán hàng nhà sách, đến phục vụ, rồi bảo vệ... Tôi làm không ngừng nghỉ để có thể lo cho việc học của mình và một phần nhỏ gửi về đỡ đần cho mẹ. Tôi rất thích kinh doanh, sẵn đang học công nghệ thông tin, có hiểu biết về linh kiện và phụ kiện trong lĩnh vực này, nên đã định hướng sẽ kinh doanh mặt hàng trên khi có điều kiện.

Năm 2013, ra trường, tôi làm kỹ thuật cho một công ty tư nhân. Nhận thấy công nghệ điện thoại thông minh phát triển chóng mặt, tôi tranh thủ tìm hiểu và bắt đầu kinh doanh mảng pin dự phòng. Để triển khai, tôi mượn một số vốn từ người thân, bạn bè và tiến hành lấy nhiều hàng pin dự phòng về để lên mạng rao bán.

Sau một thời gian khởi đầu chật vật, tôi cũng bắt đầu có khách hàng tìm đến. Tôi nhận giao hàng tận nơi khi khách mua tại thành phố, trung bình 1-2 lần trong tuần khi đã đủ số lượng nhất định. Công việc có vẻ tiến triển tốt đẹp. Tuy nhiên, sau đó do quá tin tưởng khách hàng nên tôi mất cảnh giác.

Lúc đó, họ đặt số lượng rất nhiều, yêu cầu giao hàng trước rồi thanh toán sau. Tôi cố gom hàng đầy đủ theo số lượng giao trước như yêu cầu. Thế nhưng, chờ hơn một tuần, tôi vẫn không được khách trả tiền, nên tìm cách liên lạc nhưng không được và biết mình đã bị lừa bởi địa chỉ họ giao dịch chỉ là "địa chỉ ma". Sau đợt đó, tôi ôm nợ hàng chục triệu đồng và cảm thấy rất thất vọng.

Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn, tôi nhanh chóng lấy lại thăng bằng và tự nhủ phải làm việc siêng năng hơn nữa để kiếm tiền bù lại số nợ đã mang. Trong lòng tôi vẫn không có ý định từ bỏ giấc mơ kinh doanh dù mới trải qua thất bại cay đắng.

Tôi xin phép chỗ làm nghỉ 3 ngày và tự suy ngẫm lại tất cả mọi việc. Trong thời gian này, tôi đã nảy ra ý định vừa đi làm công cho công ty, vừa làm một kỹ thuật viên sửa chữa máy tính tại nhà (ngoài giờ hành chính).

Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào triển khai ngay bằng cách rao thông tin qua các trang mạng xã hội. Sau thời gian miệt mài tìm kiếm, tôi cũng đã có khách liên hệ. Nhiều khi, gặp phải những lỗi khó, tôi vẫn không ngại ngần, cố gắng sửa chữa tới tận 23-24h khuya mới về tới nhà.

Tôi kiên trì làm việc quần quật ngày này qua ngày khác, nhưng sau một thời gian nhìn lại thấy chẳng kiếm được bao nhiêu tiền trong khi công sức bỏ ra quá nhiều. Có lẽ do tôi quá thật tình, lại nhiệt tình nên cuối cùng bị thiệt thòi. Bởi đa phần khách hàng chỉ thích sửa với một mức giá cố định, nhưng lại đòi hỏi sửa thêm đủ thứ nào máy in, máy tính, rồi kiểm tra mạng, cài win... Thế là tôi tạm ngừng không làm dịch vụ sửa chữa máy tính tại nhà nữa.

Thời điểm đó, ngồi ngẫm lại tôi thấy rất chán nản vì sau bao năm lăn lộn mà sự nghiệp chẳng đâu vào đâu. Thêm vào đó, người yêu lại chê tôi quá gầy, quá nghèo không lo được cuộc sống nên đã chia tay. Cuộc sống quả là chông gai với một đứa như tôi, nhưng không vì thế mà chấp nhận buông tay. Tôi lại tự an ủi mình phải mạnh mẽ lên, phải đứng dậy và bước đi tiếp chứ không được quỵ ngã.

Tôi bắt đầu kế hoạch kinh doanh online với những phụ kiện điện thoại như tai nghe, ốp lưng có giá khá rẻ. Để công việc kinh doanh thuận tiện hơn, tôi tập tành làm website và nghĩ ra một tên miền phù hợp với mục tiêu kinh doanh "giá rẻ xem như giá sỉ". Do đó, tôi đã quyết định chọn cái tên là khosinhvien.com, nó vừa thể hiện mức giá bình dân lại hợp với các đối tượng là sinh viên, lao động nghèo, kể cả những người bán vé số, hay chạy xe ôm....

Nhưng việc kinh doanh quả là trắc trở và không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Khi đã chuẩn bị đâu vào đấy, tôi mới nhận ra một điều, trừ những bạn sinh viên khá giả, còn lại đa số đối tượng khách hàng thu nhập thấp mà tôi hướng tới đều không có thời gian và cũng không có điện thoại thông minh - smartphone lướt web thì sao mà truy cập và mua bán online.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi hướng sang đối tượng phục vụ là các nhân viên văn phòng bên cạnh nhóm khách hàng học sinh, sinh viên. Tôi bắt đầu in tờ rơi tên website, các mặt hàng như thẻ nhớ, tai nghe, gậy 'tự sướng'.... và phát tại các ngã tư, đi trong hẻm hay trường học, gần các tòa nhà văn phòng... để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng này.

Với chiến lược kinh doanh theo giá (ưu tiên giá rẻ), tôi xác định mỗi sản phẩm không cần lời nhiều mà chỉ tầm 10.000-20.000 đồng, hy vọng làm sao có thể bán với số lượng lớn để bù trừ. Và rồi, sau nhiều ngày trời dầm mưa, dãi nắng đi phát tờ rơi, những vị khách đặt hàng đầu tiên cũng xuất hiện. Nhận được đơn hàng 4 loa vi tính giá 120.000 đồng mà tôi mừng đến rơi nước mắt. Mặc dù, đơn hàng này phải giao khá xa và nếu tính hết tiền công, xăng để di chuyển thì coi như mất lãi. Tuy nhiên, do đây là những khách hàng đầu tiên để lấy động lực nên tôi vẫn thấy rất vui.

Những tháng sau đó, không chỉ khách trong thành phố, ngay cả những người ngoài tỉnh cũng bắt đầu liên hệ với tôi. Nhưng lúc này tôi lại gặp khó khăn về cách thức gửi hàng. Thứ nhất là tôi vướng việc đi làm trong giờ hành chính nên hầu như không thể ra bưu điện gửi hàng đúng hẹn. Mặt khác, thời gian vận chuyển đến tay khách đôi khi cũng bị chậm trễ và không được đúng như lời hứa. Do vậy, sau một thời gian khách cảm thấy không hài lòng nên đến giờ gần như đã ngưng đặt hàng của tôi.

Giờ ngồi viết những dòng này, tâm trạng của tôi thật sự rối bời và đầy chán nản. Bởi thời gian qua, tôi tốn công sức rất nhiều và cố gắng hết mình, nhưng cuối cùng vẫn hoàn trắng tay. Hiện tại, dù tôi đang làm kỹ thuật cho một công ty tư nhân nhưng thu nhập khá bấp bênh. Họ trả lương tháng nhưng thường xuyên bị trễ hạn. Có khi mấy tháng trời mới được nhận tiền.

Tôi đã nói với mẹ Tết này không về quê được với lý do công ty nhiều việc phải tăng ca, đồng thời không còn vé để mua nữa. Nhưng thực ra lý do chính là tôi cố bám lại đất Sài Gòn này với hy vọng kiếm việc làm thêm dịp Tết để trả cho những khoản nợ do mình kinh doanh trước đó.

Từ câu chuyện bản thân, tôi muốn gửi lời khuyên chân thành cho những bạn trẻ đam mê kinh doanh rằng, muốn thoát nghèo thì hãy suy nghĩ, tính toán cho thật kỹ và nên trang bị đầy đủ kỹ năng trước khi quyết định khởi nghiệp một lĩnh vực gì đấy. Đừng bước vào vết xe đổ của tôi, vừa tốn nhiều công sức, nhưng kết quả lại trắng tay, thậm chí là mang sự mệt mỏi, chán nản.

Nghiệp Nguyễn