Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 4/10/2018, 11:45 (GMT+7)

Top 5 startup thay đổi như thế nào từ Startup Việt 2017

Tăng trưởng vượt bậc, nhận hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế… là hai trong số thành tựu mà 5 startup đạt được sau một năm kể từ cuộc thi.

Nấm Tươi Cười

Quán quân cuộc thi Startup Việt 2017 là dự án Nấm Tươi Cười - chuyên sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền và nước uống "nhanh, tự nhiên, không hóa chất" từ các loại nấm.

Ra đời từ năm 2013, dự án Nấm Tươi Cười đã mang đến thị trường nhiều sản phẩm như chà bông nấm, giò nấm và nước uống thảo dược từ nấm dược liệu và nấm ăn...

CEO Phạm Hồng Vân của dự án Nấm Tươi Cười  quán quân cuộc thi Startup Việt 2017

CEO Phạm Hồng Vân của dự án Nấm Tươi Cười – quán quân cuộc thi Startup Việt 2017

Thống kê của nhà sáng lập cho thấy, gần một triệu sản phẩm được chế biến từ nấm đã bán ra thị trường tại 230 điểm bán lẻ với 7 nhà phân phối, 800 người tiêu dùng thường xuyên sử dụng sản phẩm, tạo thu nhập cho 20 người khuyết tật, 10 phụ nữ khó khăn. Dự án nhận được sự hỗ trợ và đầu tư từ ba quỹ của Mỹ, ba tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và nhận ba giải thưởng khởi nghiệp.

Theo CEO Phạm Hồng Vân, danh hiệu quán quân trong cuộc thi Startup Việt 2017 góp phần tăng thêm uy tín cho dự án. Thương hiệu được nhiều người biết đến, nhiều đối tác nhận phân phối và bán hàng sau cuộc thi.

Hiện nay, nhà xưởng sản xuất Nấm Tươi Cười đang trong giai đoạn sửa chữa và nâng cấp để phù hợp với các chứng chỉ xuất khẩu quốc tế tại những thị trường mục tiêu. "Chúng tôi dự kiến lấy thêm các chứng chỉ USDA (chứng chỉ của Bộ Nông nghiệp Mỹ), HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn- về an toàn vệ sinh thực phẩm), Halal (tiêu chuẩn dành cho thực phẩm theo ISO)... Nấm Tươi Cười cũng đã và đang xúc tiến mang sản phẩm mẫu chào xuất khẩu tại các nước như Thái Lan, Australia, Thụy Sĩ, Malta, Đức...", CEO Phạm Vân cho biết. 

Mục tiêu lớn nhất của Nấm Tươi Cười thời gian tới là xuất khẩu đơn hàng ra khu vực châu Á, phát triển các dòng sản phẩm mới ở lĩnh vực snacks tốt cho sức khỏe, thực phẩm và nước uống chức năng, hóa mỹ phẩm... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Trợ lý thông minh Hana

Dự án startup với sản phẩm chatbot có tên Hana do CEO Trương Công Hải cùng nhóm bạn trẻ đến từ Công ty cổ phần công nghệ Mideas phát triển là nền tảng platform giúp doanh nghiệp và cộng đồng tạo ra những trợ lý ảo thông minh.

CEO Trương Công Hải (hàng dưới, ngoài cùng) và các cộng sự của dự án Trợ lý ảo Hana. Theo vị CEO 8x, giải thưởng trong cuộc thi Startup Việt mang tới những giá trị về thương hiệu và thị trường cho startup. Startup được nhiều khách hàng biết tới và hỗ trợ nhiều trong việc phát triển kinh doanh.

CEO Trương Công Hải (hàng dưới, ngoài cùng) và các cộng sự của dự án "Trợ lý ảo Hana". Theo vị CEO 8x, giải thưởng trong cuộc thi Startup Việt mang tới những giá trị về thương hiệu và thị trường cho startup. Startup được nhiều khách hàng biết tới và hỗ trợ nhiều trong việc phát triển kinh doanh.

Hana được áp dụng công nghệ tiên tiến về trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NTP), có khả năng hiểu tiếng Việt, có khả năng lắng nghe nhiều kênh khác nhau, từ Facebook messenger, Fanpage comment, inbox, hỗ trợ không giới hạn về thời gian.

CEO Trương Công Hải cho biết, sau một năm lọt Top 5 Startup Việt 2017, Trợ lý thông minh Hana đã có hơn 5.000 khách hàng (cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể) đang kinh doanh trực tuyến. Nhiều khách hàng lớn trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng tại Việt Nam đang triển khai dịch vụ Hana. "Ngoài những bước phát triển về khách hàng và sản phẩm, Hana cũng nhận được sự quan tâm đầu tư và đồng hành của một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam với doanh thu hơn 1.000 tỷ mỗi năm, hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin và thuộc Top 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam", vị CEO 8X nói.

Dự kiến, tháng 10/2018, Hana sẽ cho ra mắt phiên bản Hana 2.0 hoàn toàn mới với nhiều tính năng bổ sung và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Mục tiêu năm 2019, công ty sẽ phát triển đạt 30% thị phần mục tiêu cho sản phẩm chatbot Hana và nhiều khả năng nghiên cứu cho ra mắt phiên bản Hana thông minh có khả năng học và giao tiếp bằng giọng nói bên cạnh hình thức chat như hiện nay.

Ship60

Ship60 ra đời với mục tiêu cung cấp nền tảng công nghệ về logictics giúp người buôn bán quản lý shipper, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành. Với mô hình của Ship60, toàn bộ quá trình chuyển phát được thực hiện trên ứng dụng di động. Người dùng đặt lệnh giao hàng, hệ thống kết nối với shipper đang nhàn rỗi hoặc tiện đường nhất trong vòng chưa đầy 60 giây, bỏ qua hệ thống quản lý nhân viên và bưu cục cồng kềnh của các dịch vụ chuyển phát truyền thống. Trong vòng 60 phút, hàng sẽ được chuyển đến bất cứ địa điểm nào trong nội thành Hà Nội và TP HCM.

Ship60 nằm trong Top 5 đơn vị nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2017 do VnExpress tổ chức. CEO Phùng Khắc Huy nói: "Ship60 tăng trưởng vượt bậc 60% sau khi tham gia giải thưởng nhờ hiệu ứng truyền thông giúp nhiều khách hàng biết đến, không chỉ khách hàng trong nước mà cả quốc tế. Hiện tại, SAP - công ty hàng đầu của Đức về giải pháp phần mềm doanh nghiệp cũng đang muốn hợp tác, mang giải pháp của Ship60 cung cấp cho khách hàng quốc tế".

Phùng Khắc Huy - CEO Ship60 ký kết biên bản hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong chương trình xúc tiến thương mại theo lời mời của chính quyền Busan, Hàn Quốc.

Phùng Khắc Huy - CEO Ship60 ký kết biên bản hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong chương trình xúc tiến thương mại theo lời mời của chính quyền Busan, Hàn Quốc.

Theo CEO Ship60, giải thưởng Startup Việt 2017 có thể coi là "chứng nhận sản phẩm của startup với cộng đồng, giúp việc tiếp cận người dùng dễ dàng hơn. Đây là điều mà những startup non trẻ rất khó hoặc cần nhiều chi phí thực hiện".

Chia sẻ về dự định trong tương lai, CEO Phùng Khắc Huy tiết lộ, Ship60 đang mở rộng dịch vụ cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng hàng đầu với ưu điểm giao hàng chỉ trong 60 phút. Đồng thời, Ship60 cũng cung cấp nền tảng cho các công ty giúp quản lý quy trình chuyển phát như Tổng công ty bưu điện Việt Nam, hợp tác với SAP để từ đó cung cấp giải pháp cho khách hàng quốc tế.

Homedy

Kể từ khi thành lập từ 2015 tới nay, Homedy đã có những chuyển mình đáng kể, dần khẳng định vị thế của một cổng thông tin uy tín trong lĩnh vực bất động sản. Hiện tại, lượt truy cập của website Homedy.com đạt trên 1,5 triệu lượt truy cập hàng tháng, thuộc top đầu các website bất động sản có tốc độ tăng trưởng nhanh với lượt truy cập nhiều nhất Việt Nam.

Homedy đang có gần 200 nhân sự tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Homedy cũng đã gọi vốn thành công ba lần từ 5 nhà đầu tư nước ngoài là ESP Ventures, Genesia Ventures, PixVC, Mynavi Corporation và Access Ventures.

CEO Nguyễn Bá Đức của startup Homedy: Giải thưởng trong cuộc thi Startup Việt là động lực giúp Homedy không ngừng nỗ lực thay đổi để đem lại những giá trị tốt hơn cho cộng đồng và khách hàng.

CEO Nguyễn Bá Đức của startup Homedy: “Giải thưởng trong cuộc thi Startup Việt là động lực giúp Homedy không ngừng nỗ lực thay đổi để đem lại những giá trị tốt hơn cho cộng đồng và khách hàng”.

"Sau khi lọt vào Top 5 cuộc thi Startup Việt, Homedy đã thay đổi khá nhiều trên tất cả các phương diện. Ví dụ, lượt truy cập website tăng gấp ba lần, số khách hàng tăng gấp 5 lần, lên gần 100.000 khách hàng đăng tin bất động sản, doanh thu cũng theo đó tăng trưởng. Nhân sự từ quy mô chỉ 60 người nay đã tăng lên 200 người. Đặc biệt, Homedy vừa gọi vốn thành công lần ba từ ba nhà đầu tư nước ngoài là Genesia Ventures, Mynavi và Access", CEO Nguyễn Bá Đức bổ sung.

Trong tương lai, Homedy tập trung vào ba mục tiêu. Thứ nhất, phát triển Homedy.com trở thành cổng thông tin toàn diện về bất động sản hàng đầu Việt Nam. Thứ hai, phát triển nền tảng My Homedy trở thành nền tảng uy tín giúp mọi người khám phá ý tưởng, tìm kiếm chuyên gia về thiết kế, xây dựng nhà và cuối cùng là vươn tới thị trường Đông Nam Á.

BeeHub

Ra đời từ 5/2016, mục tiêu ban đầu của BeeHub (Kitchen hub for Bees) là mô hình hỗ trợ các startup ẩm thực, thực phẩm trên cơ sở tối ưu chi phí vận hành: chia sẻ chi phí mặt bằng, bếp, nguồn thực phẩm, marketing, shipper... Các bạn trẻ mang ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực sẽ được sự hỗ trợ của BeeHub để tiếp cận thị trường dễ dàng hơn mà không chịu chi phí quá lớn.

Định hướng mới của BeeHub là cung cấp thực phẩm sạch, gắn liền với slogan Vị ngon từ sự tươi mới.

Định hướng mới của BeeHub là cung cấp thực phẩm sạch, gắn liền với slogan "Vị ngon từ sự tươi mới".

Tuy nhiên, do thực tế thị trường, những định hướng của BeeHub đã có thay đổi nhất định. "Sau một thời gian vận hành, với tình hình thực thế startup ẩm thực ở Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng, số lượng những bạn trẻ hay những doanh nghiệp startup non trẻ về ẩm thực không nhiều, số lượng những startup tìm đến với BeeHub không đạt được số lượng như chúng tôi mong đợi. Chính vì vậy, những mục tiêu ban đầu mà BeeHub theo đuổi ban đầu đã thay đổi", anh Phan Huy Đức - CEO BeeHub cho hay.

Đội ngũ những sáng lập viên BeeHub đã định hướng mục tiêu mới là cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, các món ăn được chế biến trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với những nguyên liệu tươi sạch, rõ nguồn gốc. BeeHub chuyển hướng các kênh offline về online, không chú trọng vào các hub ở "mặt tiền" hoành tráng mà tiến hành kiếm các Hub để phục vụ việc vận chuyển làm kho bãi với chi phí hợp lý hơn mà vẫn rút ngắn thời gian giao hàng.

"Đồng hành cùng chúng tôi vẫn là một số startup khác như Bánh bao tươi Tâm An, BeeKery, Beebox... Giờ đây, các sản phẩm của chúng tôi đưa đến người tiêu dùng đều đảm bảo tuân thủ theo đúng những mục tiêu mà chúng tôi hướng đến, đó là luôn tươi mới và sạch", CEO BeeHub nhấn mạnh.

Hà Trương