Đại diện các quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã chia sẻ thẳng thắn về phần thuyết trình gọi vốn thử của startup tại bootcamp Startup Việt 2019 hôm 28/9 ở TP HCM. Dù quy định thời lượng 5 phút, các đội thi đều trình bày lố thời gian. Đa số các đội dành nhiều phút cho phần đặt vấn đề, giao lưu tương tác với người nghe để dẫn dắt giới thiệu về ý tưởng sản phẩm. Một số đội đầu tư video giới thiệu nhưng đây là điểm yếu khiến startup lãng phí thời gian.
Sau khi nghe sáng lập IURA và Thinsulin thuyết trình, bà Đoàn Kiều My - Sáng lập YellowBlocks góp ý hai startup xây dựng lại cấu trúc nội dung trong bài thuyết trình. Những thông tin quan trọng cần đưa lên đầu tiên, gây ấn tượng ngay ở những trang thuyết trình đầu tiên. Ví dụ với ứng dụng tư vấn luật trực tuyến IURA, thông tin 7.000 đồng một phút phí tư vấn luật online là quan trọng, có khả năng thu hút nhà đầu tư vì mức phí này rất rẻ so với phí tư vấn luật thông thường tại các hãng luật lớn.
Ông David Lang, nhà đầu tư thiên thần Việt kiều Mỹ cũng nhấn mạnh đối với nhà đầu tư, thông tin về mô hình kinh doanh là quan trọng nhất. Startup cần trả lời ngay câu hỏi làm thế nào thu tiền từ sản phẩm, dịch vụ. Đây là góp ý dành cho Thinsulin, giải pháp dinh dưỡng toàn diện dành cho người béo phì, tiểu đường.
"Khi các bạn khởi nghiệp thì mặc định là các bạn đã am hiểu về yếu tố chuyên môn của sản phẩm, ví dụ nền tảng công nghệ, tính năng... Vì vậy nhà đầu tư không muốn mất nhiều thời gian nghe các bạn trình bày về ý tưởng hay sản phẩm. Điều họ muốn nghe nhất là họ thu lợi nhuận như thế nào, trong bao lâu", ông David Lang nói.
Tham gia thuyết trình ở ngày thứ hai bootcamp hôm 29/9, Xinh Tươi Online và Sphacy vẫn gặp vấn đề dông dài. Ông Nguyễn Minh Phúc - Giám đốc Chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại VIISA nhấn mạnh hai startup cần tuân thủ quy định thời gian và tập trung vào những nội dung quan trọng nhất với nhà đầu tư.
"Việc giao lưu tương tác với người nghe có thể gây tác dụng ngược nếu diễn biến hỏi đáp không theo đúng ý đồ ban đầu của mình. Thay vì trực tiếp hỏi nhà đầu tư, startup có thể dành thời gian trước khi thuyết trình để khảo sát nhanh 20 người để có số liệu thống kê sơ bộ để dẫn dắt cho ý tưởng của mình", ông Phúc góp ý cho Sphacy, startup phát triển ứng dụng mua thuốc trực tuyến.
Ông Phúc cũng lưu ý các startup một chi tiết nhỏ dễ bị bỏ qua - việc sử dụng điện thoại khi đang thuyết trình. Trong khi người trình bày cho rằng việc cầm điện thoại giúp họ tránh quay lưng lại với người nghe để đọc Powerpoint, ông Phúc nhận định việc nhìn vào điện thoại cũng mang lại hiệu ứng tiêu cực tương tự, khiến người nghe và người nói mất kết nối.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Giám đốc chương trình của SwissEP Việt Nam khuyên startup cân nhắc kỹ việc sử dụng video để thuyết trình. Video có thể là "con dao hai lưỡi" khi giúp người nghe tìm hiểu trực quan về sản phẩm, nhưng đồng thời có thể gây mất thời gian, nhất là thời gian cho khâu kỹ thuật - chuẩn bị video.
Bà Liên Phạm - Chuyên viên tư vấn đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm Reapra Việt Nam nhận xét đa số bài thuyết trình tốt về ý tưởng, mô hình sản phẩm nhưng chưa tạo đủ sức hấp dẫn về mặt mô hình kinh doanh với nhà đầu tư. Ví dụ với nền tảng đặt hoa trực tuyến Xinh Tươi Online, quy mô thị trường 400 triệu USD còn nhỏ, startup có thể bổ sung danh mục sản phẩm như thiệp mừng, bánh sinh nhật... để tạo giá trị gia tăng, nâng mức quy mô thị trường.
"Tham gia đầu tư vào một thị trường tỷ USD vẫn hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, nhất là khi các bạn đang huy động số vốn trăm nghìn, triệu USD", bà Liên Phạm nói.
Các chuyên gia nhận định đa số startup có ý tưởng tốt nhưng còn non kinh nghiệm thuyết trình. Các đội cần rèn luyện kỹ để thuần thục nội dung và kỹ năng trình bày, bởi chỉ có 5 phút để gây ấn tượng với nhà đầu tư.
"Để thuyết trình thuần thục không khó nhưng đòi hỏi các bạn phải dành thời gian luyện tập. Có thể nhờ người khác nghe và góp ý, xây dựng nội dung thật chắc, chia nhỏ thành từng giây, dành nhiều thời gian nhất cho mô hình kinh doanh, trả lời câu hỏi làm sao kiếm được tiền. Mất khoảng 6 tiếng đồng hồ là có thể trình bày nhuần nhuyễn", ông Nguyễn Minh Phúc từ VIISA gợi ý.
Chương trình bootcamp gồm 4 buổi diễn ra trong hai ngày. Đây sẽ là 4 buổi chia sẻ thông tin dành cho startup, nhất là những doanh nghiệp ấp ủ kế hoạch chinh phục thị trường nước ngoài. Tham gia bootcamp là các startup đã thành danh, các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp từ các vườn ươm nổi tiếng. Trong đó có Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam (SVF) - đối tác đào tạo chính thức của Startup Việt 2019, đồng thời là đơn vị xây dựng chương trình đào tạo bootcamp. Bên cạnh đó là Grab, Sun* Startups, IMAP, Yellow Blocks, Reapra, Swiss EP, Think Zone... Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam, bà Nguyễn Lan Anh - Giám đốc quỹ khởi nghiệp Endavour và bà Bùi Kim Thùy - đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cũng sẽ tham gia chia sẻ và gặp gỡ trực tiếp các đội thi.
Bootcamp Startup Việt 2019 sẽ tiếp tục diễn ra dành cho các đội thi ở miền Bắc, vào 8-9/10 tại Hà Nội.
Khánh Anh