Hủy
Video Thứ năm, 15/6/2017, 15:52 (GMT+7)

Uber - bài học cảnh tỉnh cho các hãng khởi nghiệp

Uber cũng như rất nhiều startup khác đã bỏ qua những quy định họ cho là lỗi thời và chỉ muốn chơi theo luật của mình

Uber hôm qua đã công bố hàng loạt thay đổi mạnh tay sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về văn hóa doanh nghiệp. Cùng lúc đó, CEO Travis Kalanick cũng tuyên bố nghỉ phép vô thời hạn sau tai nạn nghiêm trọng của cha mẹ tháng trước, và sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện bộ máy lãnh đạo ở Uber.

Những thông báo này đã chấm dứt gần 6 tháng Uber chìm trong scandal và khủng hoảng truyền thông. Chúng đã biến hãng này từ con cưng của giới khởi nghiệp công nghệ thành bài học để đời cho các startup cố tăng trưởng bằng mọi giá.

Một số sai lầm của Uber khá phổ biến tại Thung lũng Silicon, như nhà sáng lập có quá nhiều quyền lực, nhân viên không đủ đa dạng và phân biệt giới tính. Tuy nhiên, các vấn đề khác của họ lại là những rủi ro đặc trưng với thế hệ khởi nghiệp mới.

*Hành trình gây dựng Uber của Travis Kalanick

Sự nghiệp của CEO Uber - Travis Kalanick
 
 

Những năm gần đây, ngày càng nhiều hãng công nghệ huy động được số vốn tư nhân khổng lồ và được định giá rất lớn. Rất nhiều hãng trong số đó, không chỉ Uber, đã dùng số tiền này để trì hoãn việc niêm yết càng lâu càng tốt.

Dù việc này có thể giúp họ tránh khỏi sự săm soi của Wall Street, nó vẫn có mặt tiêu cực. Vì IPO sẽ buộc các công ty áp dụng nhiều quy định hơn và giúp họ "trưởng thành hơn", Lise Buyer - chuyên gia IPO tại Class V Group cho biết.

"Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng trong đa số trường hợp, nó sẽ giúp cải thiện việc kinh doanh và văn hóa của các công ty, khi họ tìm cách thoát khỏi mác khởi nghiệp để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh", Buyer giải thích.

uber-bai-hoc-canh-tinh-cho-cac-hang-khoi-nghiep

Uber đã tạo ra văn hóa doanh nghiệp chỉ chơi theo luật của mình. Ảnh: Vanity Fair

Vì không có mục tiêu IPO, Uber có thể trì hoãn hoạt động tuyển dụng các vị trí lãnh đạo cơ bản, cũng như các quy định về nhân sự hay tài chính như các công ty niêm yết có quy mô tương tự. Đến tận năm 2014, họ mới có giám đốc nhân sự, ngay trước thời điểm được định giá 18 tỷ USD.

Năm ngoái, Uber lỗ 2,8 tỷ USD và vẫn chưa có giám đốc tài chính. Trên thực tế, khi cuộc khủng hoảng còn chưa chấm dứt, Uber giờ đang hoạt động mà không có giám đốc tác nghiệp, giám đốc marketing, người phụ trách kinh doanh và tạm thời là không cả CEO.

Họ đang tìm cách lấp vài chỗ trống, cũng như bổ sung thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, những việc này lẽ ra đã được làm từ lâu, nếu Uber nghĩ về việc IPO sớm hơn. "Vấn đề là công ty càng lớn và càng hoạt động tự do trong thời gian dài, việc thay đổi thói quen và văn hóa càng khó", Buyer nhận xét.

Tại Uber, văn hóa luôn luôn vội vã, chiến thắng bằng mọi giá và dẫm lên chân người khác đã ăn quá sâu. Dĩ nhiên, chúng không hình thành một cách tình cờ. Uber, cũng như rất nhiều startup khác, đã chọn cách bỏ qua những quy định họ cho là lỗi thời, và muốn chơi theo luật của mình.

Hãng gần đây bị cáo buộc tạo ra công cụ giúp các lái xe né giới chức và lách luật tại những nơi bị cấm. Một cựu lãnh đạo của Uber bị tố ăn cắp công nghệ xe tự lái từ Waymo của Google. Bản thân Kalanick còn từng thừa nhận ngầm phá hoại hoạt động gây vốn của đối thủ.

"Uber là một lời cảnh báo, rằng quá coi thường các quy định sẽ chẳng bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp", Ethan Kurzweil tại công ty đầu tư Bessemer Venture Partners kết luận, "Chẳng công ty nào được quyền vứt bỏ giới hạn về hành vi đạo đức đâu".

Hà Thu (theo CNN)