Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, vốn đầu tư đổ vào startup Việt trong năm 2021 đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Ước tính có hơn 200 quỹ đã đầu tư vào các startup ở Việt Nam, hoạt động trong đa lĩnh vực. Các công nghệ mới như AI, Big Data, blockchain ... được nhiều startup ứng dụng, khai thác.
Trợ lực cho startup blockchain
Từ năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp, làn sóng startup đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là của các bạn trẻ, đã đạt được thành công, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Khi sự quan tâm đổ dồn về phía công nghệ tiên phong thì blockchain như một "thỏi nam châm" thu hút các startup trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng và dư địa phát triển của blockchain tại Việt Nam, Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, đồng sáng lập VSV Capital cho rằng, các startup trong lĩnh vực này đang ngày càng "trưởng thành" tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ Chính phủ, nguồn nhân lực từ nước ngoài cùng yếu tố kinh tế tăng trưởng ổn định...
Vị này cũng nhận định, các startup blockchain hưởng lợi lớn từ sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Tính đến năm 2021, tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam là 73%. Con số này lớn hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.
"Ngoài ra, một điều đặc biệt và bất ngờ đó là Việt Nam là nước có chỉ số chấp nhận tiền điện tử, blockchain cao nhất thế giới, gần gấp 5 lần người dùng ở Mỹ", ông nói.
Theo sáng lập VSV Capital, startup công nghệ của Việt Nam còn có thêm nhiều trợ lực đến từ nguồn nhân lực trẻ, tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hay chi phí khởi nghiệp và vận hành thấp, rẻ hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Nhật Bản tới 40-60%.
Cái nôi cho startup Việt
Nhìn lại những năm đầu thành lập VSV, Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh cho biết thời điểm năm 2014, Việt Nam ít có một tổ chức, hay quỹ chuyên rót vốn vào các startup. Điểm đặc biệt của VSV là đầu tư rất sớm, khi các công ty này chỉ mới ở mức lên ý tưởng và xây dựng hệ thống, cụ thể là giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed) và hạt giống (seed).
"Các startup ở Việt Nam có rất nhiều ý tưởng và năng lực đủ để cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các giai đoạn pre-seed và seed là quá rủi ro và nó không phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư Việt Nam", ông nhận định.
Sau hơn 8 năm thành lập, VSV đã rót vốn cho hơn 80 startup với tổng định giá danh mục đầu tư gần 300 triệu USD. Gần 70% startups trong số đó thành công trong việc vượt qua được "thung lũng chết", một số đã tăng trưởng gấp 1.000 lần so với định giá ban đầu, tiêu biểu như Loship, Base.vn, Modmo, Vulcan, Nerman, Loop POS, Ship60, Hachi...
Gần đây, VSV đã chuyển hướng từ tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp truyền thống sang các startup trong lĩnh vực blockchain. Trong đó, Hectagon, một dự án do ông Hàn Ngọc Tuấn Linh sáng lập, là sự kết hợp mô hình tài chính phi tập trung với đầu tư mạo hiểm để rót vốn vào các startup Web3.
"Trong lĩnh vực blockchain, các nhà đầu tư như Hectagon sẽ có nhiều công cụ, nhiều phương thức hơn để hỗ trợ, tư vấn và tương tác với các dự án. Và một lần nữa, chúng tôi lại tiếp tục giảm thiểu được rủi ro và tăng khả năng thành công của dự án. Startup blockchain chính là một 'miền đất mới' rất đáng để quan tâm và đầu tư", đồng sáng lập VSV chia sẻ. Hectagon đặt mục tiêu mở rộng hỗ trợ các startup công nghệ truyền thống chuyển sang xây dựng trên blockchain.
Báo cáo mới đây của Yahoo Finance, thị trường tiền điện tử đang có mức vốn hoá 1,5 nghìn tỷ USD và được dự báo đạt hơn 32 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới. Khi đó, hơn 50% thị phần sẽ thuộc về những dự án mới, chưa xuất hiện.
Phong Vân