Hủy
Blockchain 2018 Thứ năm, 24/1/2019, 11:01 (GMT+7)

Ứng dụng Blockchain hỗ trợ 3.000 lao động nữ giúp việc gia đình

Nền tảng Blockchain mục tiêu bảo vệ quyền lợi của 3.000 lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Ngày 23/1, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và ra mắt dự án "Ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Dự án xây dựng và thử nghiệm nền tảng Blockchain, tích hợp giải pháp quản lý thông tin định danh kỹ thuật số (digital identity information management) và công nghệ hợp đồng thông minh (smart contract) trong 14 - 16 tháng đầu, sau đó mở rộng ứng dụng Blockchain cho toàn hệ thống của JupViec.vn từ quý II năm 2020, hướng tới giảm thiểu vi phạm quyền lao động với lao động giúp việc nhà. 

Đại diện JupViec.vn, Quỹ châu Á và IBL ký kết thỏa thuận dự án Ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động. Ảnh: JupViec.

Từ trái qua, đại diện JupViec.vn, Quỹ châu Á và IBL ký kết thỏa thuận dự án "Ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động". Ảnh: JupViec.

Dự án do Văn phòng Quyền lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Quỹ châu Á (The Asia Foundation), Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC (JupViec.vn) và Công ty TNHH Infinity Blockchain Labs (IBL) phối hợp thực hiện. 

Ở Việt Nam, đời sống các gia đình, nhất là tại các đô thị ngày càng được cải thiện. Nhu cầu lao động giúp việc gia đình ngày càng gia tăng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đa số là phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị, có trình độ học vấn khá thấp. Nhiều người chưa được đào tạo kỹ năng, thiếu tính chuyên nghiệp, quyền và lợi ích chưa được đảm bảo.

"Khi tình trạng việc làm bấp bênh và tạm thời ngày càng gia tăng, chúng ta có xu hướng tìm hiểu cách mà công nghệ hỗ trợ người lao động, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức có được công việc an toàn và đảm bảo hơn", ông Michael DiGregorio - Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ châu Á tại Việt Nam cho hay.

Một trong những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề này là công nghệ Blockchain, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự tuân thủ quy định pháp luật, tăng cường tính minh bạch, chứng thực hồ sơ lý lịch của người lao động, giảm nguy cơ bị hoãn trả lương hoặc trả lương không đúng như hợp đồng...

Theo ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược vùng IBL, công nghệ Blockchain được xem là ứng cử viên xây dựng nền tảng thông tin minh bạch, an toàn và bảo mật trên mạng máy tính. Blockchain tạo môi trường trao đổi thông tin tin cậy, tiết kiệm thời gian xử lý trung gian, dữ liệu khi được cập nhật vào hệ thống cần sự đồng thuận của các thành viên tham gia, không dễ bị chỉnh sửa hoặc giả mạo.

Nhờ những đặc điểm trên, công nghệ Blockchain cho phép ghi lại thời gian làm việc của người lao động một cách minh bạch, giúp họ nhận được tiền công tương xứng, công bằng. Dựa trên lịch sử làm việc của lao động phổ thông, giúp việc nhà, hệ thống giúp người lao động chứng minh khả năng thu nhập để tiếp cận những khoản vay tiêu dùng, dịch vụ tài chính cá nhân khi cần. Điều này cũng mở ra tiềm năng kết nối hạ tầng Blockchain và lịch sử làm việc của người lao động với các dịch vụ liên quan.

Giải pháp digital tdentity trên nền tảng Blockchain cho phép các lao động nữ của JupViec.vn đánh giá chủ sử dụng lao động, báo cáo các trường hợp vi phạm hợp đồng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chức năng này cũng cho phép lao động giúp việc sở hữu, quản lý và sử dụng hồ sơ thông tin và dữ liệu cá nhân của họ một cách tự động, liên tục trên nền tảng Blockchain.

Theo đó, người giúp việc có thể sử dụng các thông tin trong hồ sơ cá nhân (như kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ và các lớp đào tạo đã tham gia, mức lương...) nhằm thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về hợp đồng để có điều khoản về lương và điều kiện lao động tương xứng. 

Ngoài ra, công nghệ Blockchain mang tới giải pháp hợp đồng thông minh (smart contract) tăng cường bảo vệ quyền của người lao động. Ví dụ, tiền lương tự động chuyển cho người lao động khi hoàn thành công việc theo hợp đồng thống nhất giữa hai bên. Giải pháp này giúp tránh tình trạng chậm trễ hoặc giảm trừ lương mà không có sự đồng thuận của người lao động.

Công nghệ Blockchain giúp bảo vệ quyền lợi của các lao động giúp việc. Ảnh: JupViec.

Công nghệ Blockchain giúp bảo vệ quyền lợi của các lao động giúp việc. Ảnh: JupViec.

"Nền tảng Blockchain cho phép JupViec.vn tăng hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu của lao động giúp việc và khách hàng, gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ trên cơ sở uy tín doanh nghiệp với thông tin minh bạch, cải thiện chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn. Công nghệ Blockchain cho phép chúng tôi mở rộng các sản phẩm, dịch vụ mới về sau", ông Phan Hồng Minh, Giám đốc điều hành JupViec.vn cho biết. 

Bên cạnh đó, dự án cũng thiết kế và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ, giám sát viên, lao động giúp việc của công ty JupViec.vn về quyền lợi của họ; tổ chức các diễn đàn, hội thảo nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và người dân về ứng dụng Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề xã hội...

Hà Trương

JupViec.vn là công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình bao gồm: giúp việc theo giờ, giúp việc sáng đến tối về, vệ sinh công nghiệp sau xây dựng và các dịch vụ tiện ích khác như: JupSpa, JupSofa...

Hoạt động từ năm 2012, JupViec.vn là công ty đầu tiên trong lĩnh vực lao động phổ thông nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư Nhật Bản - CyberAgent Ventures năm 2016 và Quỹ đầu tư Hoa Kỳ - Patamar Capital năm 2018.

JupViec.vn hiện phục vụ ở 8 tỉnh thành phố, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, tạo ra hơn 2 triệu giờ làm mỗi năm. Thông tin chi tiết truy cập website: www.jupviec.vn.