Workshop cuối cùng trong chuỗi hoạt động đào tạo, huấn luyện của Startup Việt 2018 vừa diễn ra vào ngày 3/11. Với chủ đề ''Digital Transformation – Chuyển đổi số'', 5 đội còn lại trong Top 25 startup xuất sắc nhất cuộc thi đã có buổi chia sẻ, tọa đàm sôi nổi xoay quanh từ khóa trong giới khởi nghiệp gần đây.
Ông Trịnh Minh Giang - đại diện Tập đoàn quản lý và đầu tư VMCG đồng hành cùng 5 startup với vai trò huấn luyện viên. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Đại diện VMCG là chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam và chủ tịch Nhóm khởi nghiệp thuộc Diễn đàn khu vực tư nhân Việt Nam, đồng thời là thành viên nòng cốt của Ban điều hành sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (VMI).
Tại workshop, nhiều chia sẻ thực tiễn và những case study nổi bật về số hóa nền tảng đã được các startup cùng chuyên gia khởi nghiệp thảo luận sôi nổi.
Không chỉ là chuyển đổi số, đó là sự dịch chuyển của mô hình kinh doanh
''Câu chuyện của 4.0 đã đem đến nhiều thay đổi lớn'', ông Trịnh Minh Giang mở đầu về quá trình chuyển đổi số trải qua từng giai đoạn. Bắt đầu từ số hóa văn bản – hình thức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản đến dạng tín hiệu số được máy hiểu và lưu trữ, đến số hóa quy trình làm việc trong doanh nghiệp. Câu chuyện 4.0 ở đây, theo ông, liên quan đến cá thể hóa đám đông, giải quyết những nhu cầu tức thì của khách hàng. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải số hóa thay vì dùng sức lao động thủ công, hay nói cách khác là nền tảng hóa mô hình kinh doanh.
Vị chuyên gia minh họa khái niệm nền tảng hóa mô hình kinh doanh từ ví dụ của Nike. Từ một hãng bán lẻ quần áo thể thao, năm 2012, Nike ra mắt sản phẩm đồng hồ thể thao. Điều đặc biệt là thiết bị đeo tay này có thể định vị người dùng khi chạy bộ cũng như thu thập, lưu trữ thông tin trên hệ thống. Qua đó, khách hàng có thể truy cập tài khoản của mình và tương tác với người dùng khác trên nền tảng mới này.
''Từ số hóa sản phẩm, Nike đã số hóa thị trường, và sâu rộng hơn là số hóa mô hình kinh doanh. Không đơn giản là chuyển đổi số, đây có sự dịch chuyển toàn bộ mô hình kinh doanh'', vị huấn luyện viên kết luận.
Lợi thế đến từ tài sản số
Theo chuyên gia VMCG, chuyển đổi số đem lại sự thay đổi to lớn cho doanh nghiệp. Thay vì cách thức kinh doanh truyền thống, khi chuyển đổi lên mô hình nền tảng, nhà sản xuất có thể tiếp cận ngay lập tức với khách hàng. Các kênh trung gian được cắt giảm, từ đó tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu chi phí. Sự cải thiện như về doanh thu, lượng khách hàng... có thể thấy rõ, thậm chí ở mức đột phá theo quý, theo tháng chứ không tính bằng năm như cách thức truyền thống.
''Đột phá trở thành tiêu chuẩn cho doanh nghiệp. Nếu đứng ngoài lề sự vận động này sẽ trở thành người chậm chân, bị dẫn dắt bởi công nghệ'', vị chuyên gia nhận định.
Lấy ví dụ với Grab, xuất phát điểm từ dịch đặt xe, với mạng lưới khách hàng trên nền tảng, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng sang các mảng khác như vận chuyển, giao đồ ăn...Dữ liệu khai thác từ nền tảng người dùng sẽ đem đến nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp để cải thiện sản phẩm hay mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Nói về sức mạnh của chuyển đổi số, vị chuyên gia nhận định, tài sản số giúp doanh nghiệp tiếp cận số lượng đông đảo khách hàng, tạo ra thị trường riêng, thậm chí là độc quyền. Tương tác chéo giữa doanh nghiệp với khách hàng và giữa khách hàng với nhau sẽ đồng thời được đẩy mạnh. Đơn cử như các chương trình thành viên trong chiến lược marketing là một cách giữ chân người mua, tác động họ ''lôi kéo'' thêm nhiều người dùng mới.
Tài sản số từ đó được coi là lợi thế của doanh nghiệp. Dẫn chứng từ các platform dẫn đầu thế giới như Amazon, Facebook, Google - những ông lớn sở hữu tài sản số khổng lồ, vị huấn luyện viên khẳng định: ''Câu chuyện của chuyển đổi số tựu chung lại là chiến lược về dữ liệu''.
Phạm Vân