Hủy
Góc chuyên gia Thứ sáu, 8/5/2020, 09:00 (GMT+7)

Startup trăn trở chuyện 'sa thải hay giảm lương' thời dịch

Các startup dự tọa đàm "Bài toán nhân sự" nhìn nhận cần tối ưu chi phí trước khi tính chuyện sa thải hay giảm lương để giảm tác động của Covid-19.

Tọa đàm trực tuyến "E-Conference - Bài toán nhân sự thời Covid" phát trực tuyến trên VnExpress lúc 10h ngày 6/5. Sự kiện có sự góp mặt của ông Nguyễn Hữu Bình - CEO TopDev, bà Phạm Lan Khanh - nhà sáng lập kiêm CEO FreelancerViet.vn cùng ông Nguyễn Hoàng Hải - đồng sáng lập Canavi.com. 

Theo khảo sát của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 80% doanh nghiệp cho rằng doanh thu 2020 sẽ sụt giảm so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chỉ có 50% công ty trụ được nửa năm. Đa số chủ doanh nghiệp đều nhận định năm nay doanh thu không có hoặc đạt mức tối thiểu, thậm chí lợi nhuận âm. Điều này đặt ra bài toán nhân sự lớn startup trong giữ chân người tài, chờ thời cơ và bứt phá trở lại.

Cắt giảm nhân sự hãy là bước cuối cùng

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm đều nhận định, cắt giảm nhân sự nên là giải pháp cuối cùng doanh nghiệp nên nghĩ đến vì đây chính xương sống cho hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào. Trước khi đến bước này, người lãnh đạo hãy nghĩ đến các phương án tối ưu hóa mọi nguồn chi phí không cần thiết như thuê mặt bằng, quảng cáo... 

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, thời điểm này doanh nghiệp nên chuyển sang giai đoạn "mài dao, mài kéo", tiết kiệm chi phí khoan tính đến chuyện giảm lương. Ông ví von đợt dịch là bước khảo nghiệm vàng dành cho các công ty công nghệ để thực hiện hai nhiệm vụ chính gồm soi lại sản phẩm, hoạt động của chính mình và tập trung cải tiến, tạo sản phẩm mới khi trước đây vẫn chưa có thời gian, điều kiện làm. 

Đồng ý với quan điểm của CEO TopDev, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng đây là giai đoạn doanh nghiệp nên tối ưu hóa tất cả các khoản chưa thực sự cần. Tuy nhiên biện pháp cấp bách hơn là tìm cách tạo ra doanh thu. Trong giai đoạn dịch bệnh, tiền có thể sẽ không về liền nhưng nếu startup làm tốt công tác thu thập dữ liệu khách hàng, chuẩn bị sẵn các bước thì chỉ cần dịch bệnh lắng xuống, công ty tận dụng liền để tạo đà bứt phá. 

Đại diện FreelancerViet.vn nhận định kịch bản tài chính là điều mà người lãnh đạo cần cân nhắc để chi trả các khoản phí, có thể án binh bất động chờ qua dịch hẵng nghĩ đến hướng bày binh bố trận. Nếu doanh thu thấp hơn chi phí khoảng dưới 50% thì phải đưa ra các hướng giải quyết như "móc hầu bao" để bù vào hoặc cắt giảm chi phí không cần, cuối cùng mới đến sa thải nhân sự, ngoại trừ những nhân viên quá tệ. 

Qua buổi tọa đàm, bà Phạm Lan Khanh nhìn nhận dưới góc độ nhà tuyển dụng, bài toán sa thải hay giảm lương phụ thuộc vào kinh tế của chủ doanh nghiệp nhưng đây không phải là phương án tối ưu. Người lao động không nên lo lắng vì nếu bản thân thể hiện tốt, dù dịch bệnh ảnh hưởng, công việc cũng sẽ đảm bảo.

Phương án nhân sự thời Covid-19

Theo bà Phạm Lan Khanh, nếu doanh nghiệp không có nguồn thu, các nhà sáng lập có thể nghĩ đến phương án chia sẻ quyền lợi cho nhân viên bằng cách bàn lại các điều khoản nhận lương hoặc giảm lương, nếu công ty phát triển trở lại sẽ có chính sách chia cổ phần cho họ. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cần tiếp lửa cho các nhân viên bằng các định hướng cụ thể, họp khích lệ tinh thần... Đây chính là một trong những giải pháp giúp giữ chân người giỏi, đồng lòng cùng công ty đi qua mùa dịch. Thay vì chăm chăm phương án sa thải hoặc cắt giảm lương, người đứng đầu có thể xoay chuyển tình thế bằng cách biến mỗi nhân viên thành một nhân viên kinh doanh. Mỗi người đều mang đến doanh thu thì doanh nghiệp có thể sống sót, tạo bàn đạp phát triển mạnh mẽ. 

Còn đồng sáng lập Canavi.com đưa hướng giải pháp khác liên quan đến KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Theo đó, ban lãnh đạo nên điều chỉnh chỉ số này phù hợp với điều kiện thực tế, không gây áp lực quá nhiều cho nhân viên trong thời điểm nhạy cảm. Đồng thời, người chủ cũng có thể chủ động tương tác với đội ngũ của mình nhiều hơn trước dịch để giải quyết những vấn đề khó khăn ngay lập tức. 

Xác định văn hóa doanh nghiệp với kỷ luật nghiêm chỉnh là phương án được ông Nguyễn Hữu Bình đưa ra trong buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề quản trị nhân sự thời Covid-19. Theo ông, doanh nghiệp càng bước vào thời chiến thì KPI, OKR (khuôn khổ quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt), kỷ luật lao động phải gấp đôi đến gấp ba so với bình thường. Trưởng nhóm, người lãnh đạo phải theo dõi từng công việc để tìm ra điểm yếu khắc phục nhanh chóng. Mỗi ngày các công ty có thể tổ chức buổi họp mặt đầu ngày và kiểm tra hiệu quả công việc cuối ngày. Điều này không chỉ tăng khả năng tự giác cho nhân viên mà còn rèn luyện khả năng ứng phó của họ trong bất cứ thời điểm khó khăn nào của doanh nghiệp. 

"Nếu công ty nào xây dựng được văn hóa này thì sau dịch, khả năng hoạt động của họ sẽ tăng cao hơn cả trước dịch", ông Bình nói.

Cuối buổi tọa đàm, bài học quản trị nhân sự dài hạn mà các chuyên gia đưa ra là doanh nghiệp cần phải tìm kiếm mô hình quản trị nhân sự tốt nhất cho mình. Mô hình nhân sự càng tinh gọn, làm việc hiệu quả thì dù có bất cứ "cơn sóng" nào ập đến, người lãnh đạo cũng sẽ có cách chèo lái hướng đi tốt.

Bà Lan Khanh đưa ra ba hướng giải pháp cho các doanh nghiệp liên quan đến nguồn nhân lực gồm tìm kiếm nhân sự có nhiều chuyên môn hơn thay vì chỉ một như trước đây. Với những công việc không thường xuyên hãy tận dụng đội ngũ lao động tự do, thay vì xây dựng và "nuôi" một bộ máy nhân sự trong công ty thì doanh nghiệp có thể hướng đến thuê ngoài. Đây là một trong những xu hướng chuyển dịch nhân sự không chỉ hiện tại mà trong tương lai.

Đồng kiến, CEO TopDev cho rằng qua đợt dịch sẽ nhận thấy một làn sóng hàng loạt doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự đa chuyên môn. Điều này đòi hỏi người lao động phải nâng cao kỹ năng của bản thân mình hơn nữa trong tương lai.

Hiền Trang