Hủy
Góc chuyên gia Thứ ba, 9/1/2018, 03:00 (GMT+7)

Startup Việt gặp nhiều trở ngại tiến ra biển lớn

Tư duy "gia công", pháp lý hệ sinh thái không rõ ràng, thiếu startup tiên phong...là những nguyên nhân cản bước startup Việt mở rộng thị trường, theo CEO WisePass.

Sang năm 2018, startup WisePass của cựu nhân viên Google, CEO Lâm Trần có kế hoạch mở rộng kinh doanh, chinh phục thêm nhiều thị trường như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc).

Ý tưởng kết nối người tiêu dùng trên nền tảng ứng dụng với những nhà hàng, khách sạn tại nhiều điểm đến trên thế giới của startup này đã nhận được 400.000 USD tiền đầu tư từ quỹ Expara Ventures năm 2017. Tuy vậy, nhà sáng lập WisePass cho biết quá trình thâm nhập thị trường quốc tế đối với một startup Việt không đơn giản. 

Startup ẩm thực -  phong cách sống WisePass có kế hoạch mở rộng thị trường ra nhiều nước khu vực Đông Nam Á năm 2018

Startup ẩm thực -  phong cách sống WisePass có kế hoạch mở rộng thị trường ra nhiều nước khu vực Đông Nam Á năm 2018

Tư duy khởi nghiệp "gia công"

Tư duy khởi nghiệp, kinh doanh ở Việt Nam thường ít hướng đến những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá, cách mạng. Các startup Việt hiện nay chủ yếu mới dừng ở mức tìm kiếm những mô hình đã thành công, có thị trường ở nước ngoài xong "địa phương hóa", mang về nước thực hiện.

Một mô hình như vậy sẽ rất khó để chuyển hóa thành một startup tỷ đô vì quy mô thị trường ở Việt Nam không đủ lớn. Cách khả dĩ hơn đối với các startup kiểu này là nhanh chóng tính đến bài toán mở rộng ra thị trường khu vực.

Thường nhiều doanh nhân khởi nghiệp sẽ nghĩ đến khu vực Đông Nam Á trước tiên như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore...Một vài người khác sẽ nghĩ đến các thị trường khó nhằn hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp chưa rõ ràng

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng yêu cầu các startup tiềm năng hoặc ít nhất là các mô hình kinh doanh mà họ để mắt tới phải thành lập công ty ở Singapore hoặc Hong Kong (Trung Quốc). 

Sự thiếu hụt của những quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế thật sự trong cuộc chơi là vấn đề trọng tâm cho phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Việc Việt Nam vẫn chưa ban hành các quy định pháp lý rõ ràng dành riêng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm khiến việc thoái vốn đối mặt nhiều rủi ro, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.

Nhiều quỹ đầu tư trong nước vẫn mang tâm lý "mặc cả lời lỗ" mà chưa nhập cuộc với tư thế và tinh thần của một nhà đầu tư mạo hiểm hoặc chỉ rót vốn nhỏ giọt. Hiện tiền đầu tư quốc tế vẫn chủ yếu "quá cảnh" ở Singapore và các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam thường xuyên phải bay đi bay lại giữa hai quốc gia để kí các hợp đồng nhận vốn.

Hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hoàn thiện, hiện tượng chảy máu đội ngũ nhân lực kỹ thuật IT và sự thiếu hụt đào tạo là những cản trở lớn đối với sự phát triển nói chung của startup Việt 

Hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hoàn thiện, hiện tượng "chảy máu" đội ngũ nhân lực kỹ thuật IT và sự thiếu hụt đào tạo là những cản trở lớn đối với sự phát triển nói chung của startup Việt 

Các quan điểm cho rằng một trong những điều kiện khởi nghiệp lý tưởng ở Việt Nam vì mức lương cho đội ngũ nhân lực trong ngành kỹ thuật, IT ở đây thấp hơn so với San Francisco hay một vài thành phố trong khu vực không hoàn toàn chính xác.

Đội ngũ nhân lực rẻ nhiều khả năng không đảm bảo sẽ xây dựng được những mô hình kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la Mỹ. Điểm cộng nhân lực rẻ không đủ "cân" các yếu tố như năng suất, hiệu quả làm việc, số năm kinh nghiệm và khả năng ngoại ngữ của nhân lực Việt.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang không tạo đủ động lực, thử thách, truyền cảm hứng sáng tạo đến cho những nhà phát triển phần mềm, xây dựng chương trình qua các công việc ở địa phương. Những người giỏi nhất trong số đó thì làm việc cho các quốc gia như Singapore và Mỹ.

Hiện vẫn chưa có nhiều các công ty khởi nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam để đào tạo, nuôi dưỡng và giữ chân đội ngũ kỹ thuật. Nhiều người trong số đó có khả năng sẽ rời Việt Nam trong tương lai để tìm đến các môi trường làm việc có nhiều điều kiện phát triển chuyên môn cũng như mức lương tốt hơn.

Thiếu startup tiên phong trên chặng đường quốc tế hóa

Mở rộng sang các nước khác đồng nghĩa với việc đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách từ giao tiếp, văn hóa, nghiên cứu thị trường, khoảng cách địa lý, không gian và thời gian…mà một startup không có sự chuẩn bị kỹ càng không thể thực hiện nổi.

Điều này vượt quá khả năng của một startup dù sự chuẩn bị tốt đến đâu bởi nó đã không còn ở giới hạn chỉ phụ thuộc vào năng lực mà đã trở thành cuộc chơi tập thể, vấn đề của mạng lưới quan hệ, hiểu biết thị trường, và sự thông hiểu các luật lệ khởi nghiệp mang tính khu vực và quốc tế…

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn cần thêm sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế cùng sự hỗ trợ vốn, kinh nghiệm và chỉ đường từ các doanh nghiệp thành công trong khu vực kinh tế tư nhân để tự tin tiến ra biển lớn. 

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn cần thêm sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế cùng sự hỗ trợ vốn, kinh nghiệm và chỉ đường từ các doanh nghiệp thành công trong khu vực kinh tế tư nhân để tự tin tiến ra biển lớn. 

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thiếu sự liên kết cả ngang lẫn dọc, cả chiều rộng lẫn chiều dài. Các đứt gãy này khiến nhiều startup thường xuyên trong cảnh phải loay hoay một mình, chiến đấu đơn lẻ, không có sự kế thừa, chỉ bước dẫn đường, dìu dắt từ các startup thành công đi trước.

Hiện cũng chưa có bất kì một tấm gương startup nào đã mở rộng và chinh phục thành công hơn 15 thị trường, quốc gia khác nhau. Cũng như thiếu hụt đội ngũ cố vấn khởi nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp đã trưởng thành ở mặt trận quốc tế để đào tạo lại cho các thế hệ startup tương lai.

Phương Nguyên