Hủy
Góc chuyên gia Thứ sáu, 20/10/2017, 17:02 (GMT+7)

'Thủ tục rườm rà cản bước startup vay vốn'

Phó tổng giám đốc ABBank cho biết thủ tục nhiêu khê từ một số ngân hàng gây trở ngại cho các startup cần vay vốn.

Dù cần vốn nhưng nhiều startup thường quan tâm làm sao để gọi được đầu tư từ các quỹ mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần hoặc huy động từ bạn bè người thân mà chưa mặn mà với vay ngân hàng.

Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc ABBank chỉ ra nhiều bất cập trong việc vay vốn ngân hàng đã biến kênh này kém hấp dẫn trong mắt giới khởi nghiệp. 

- Theo ông, vì sao vay vốn từ ngân hàng chưa phải là giải pháp được nhiều công ty khởi nghiệp lựa chọn? 

- Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến việc các công ty khởi nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói chung chưa mặn mà với việc vay vốn ngân hàng vì thiếu tài sản đảm bảo; thiếu hồ sơ tài sản; thiếu năng lực quản lý; thiếu phương án kinh doanh rõ ràng; thiếu thông tin tài chính...

Áp lực trả nợ lãi vay hàng tháng trong giai đoạn đầu cũng là một trong những rào cản làm chùn chân các startup. Những thủ tục rườm rà, thiếu chuyên nghiệp của một số ngân hàng làm các startup gặp nhiều trở ngại trong việc vay vốn.

Tuy vậy, vay vốn ngân hàng là một trong những giải pháp bảo toàn quyền sở hữu của chính các chủ startup. Đây là lựa chọn tốt đối với ai muốn độc lập kinh doanh hay linh hoạt trong việc vay vốn đầu tư. Một điều mà các doanh nghiệp khởi nghiệp chắc chắn không mong muốn đó là bị chi phối trong quá trình hoạt động bởi nhà đầu tư.

thu-tuc-ruom-ra-can-buoc-startup-vay-von

Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình cho rằng khối ngân hàng cần cắt bỏ nhiều thủ tục rườm rà để hỗ trợ tốt hơn cho các startup trong hệ sinh thái khởi nghiệp vay vốn.

Các ngân hàng cần làm gì để hỗ trợ hết mình cho startup?

- Về lãi suất vay thì khó để đánh giá bao nhiêu là ưu đãi nhưng việc cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất áp dụng cho khách hàng thông thường cũng đã là ưu đãi. Trong giai đoạn hiện nay, mức 6,5-7% hợp lý để startup tiếp cận vốn vay.

Điều quan trọng mà tôi muốn đề cập ở đây chính là chi phí cơ hội. Nếu cơ hội kinh doanh là quan trọng thì vấn đề lãi suất không còn là yếu tố trọng yếu nữa.

Tuy nhiên, cùng với sự chủ động từ các startup, không thể chỉ giảm lãi suất thôi là đủ mà các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, giúp doanh nghiệp thấy được “tương lai tươi sáng” để sẵn sàng, mạnh dạn vay vốn đầu tư.

Trước đây, các ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến khách hàng là doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các SME vì độ rủi ro cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã nhìn nhận được tiềm năng, cơ hội từ phân khúc khách hàng này.

Những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tiếp cận vốn cũng là cơ hội cho chính các ngân hàng trong việc nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới, phù hợp và tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh.

Muốn như vậy thì theo tôi, ngân hàng cần nới lỏng hơn các điều kiện về tín dụng trên cơ sở am hiểu khách hàng, phân khúc khách hàng; điều chỉnh quy trình thẩm định, điều kiện thẩm định như: tăng trọng số đánh giá về các yếu tố phi tài chính và giảm trọng số đánh giá hay phụ thuộc vào các yếu tố tài chính.

- Startup cần những gì để thuyết phục ngân hàng cho vay vốn?

- Về hồ sơ vay vốn, mỗi ngân hàng đều có quy định riêng, các startup có thể tìm hiểu trực tiếp để được tư vấn hoặc tham khảo qua websites. 

Tuy nhiên, có 4 nhóm hồ sơ cơ bản: nhóm hồ sơ về pháp lý (Giấy đăng ký kinh doanh, các quyết định bổ nhiệm, điều lệ, biên bản họp...); nhóm hồ sơ tài chính (Báo cáo hoạt động kinh doanh, báo cáo cân đối kế toán); nhóm hồ sơ phương án kinh doanh (Phương án vay vốn, kế hoạch kinh kinh doanh,...); nhóm hồ sơ Tài sản đảm bảo (Hồ sơ bất động sản, hồ sơ  động sản...)

Tựu chung, các công ty cần thể hiện được các yếu tố: hoạt động kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng và tuân thủ luật pháp quy định; phương án kinh doanh khả thi, các startup phải chứng minh một phần vốn tự có tham gia; hoạt động hiệu quả mà thông thường đó là lợi nhuận, doanh số tăng trưởng, kê khai thuế theo đúng quy định; tài sản đảm bảo cho các khoản vay là bất động sản...

- Quan tâm đến phân khúc khách hàng là doanh nghiệp khởi nghiệp, cụ thể hiện nay An Bình đang làm gì để hỗ trợ cho startup?

- Ngân hàng An Bình đã ban hành bộ 7 sản phẩm thẩm định theo phương thức thẩm định đục lỗ. Điểm khác biệt của các sản phẩm này đó chính là việc “đo ni đóng giày” cho phân khúc khách hàng SME.

Chúng tôi chú trọng nhiều vào các yếu tố phi tài chính, uy tín khách hàng, hiệu quả phương án kinh doanh thay vì quá tập trung vào yếu tố tài chính, tài sản đảm bảo...

Song song với việc ban hành bộ sản phẩm mới này thì ABBank cũng đã triển khai các chương trình ưu đãi vay vốn như: SME - Tăng tốc; SME - Gắn kết dài lâu... nhằm hỗ trợ và thu hút khách hàng tham gia sử dụng, trải nghiệm sản phẩm tài chính.

Trong thời gian tới, ABBank sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm một số sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu kỹ đặc tính riêng của từng phân khúc, ngành... nhằm góp phần cùng Chính phủ lành mạnh hóa thị trường tín dụng, tối ưu hóa các chính sách hổ trợ từ Chính phủ trong chiến lược phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đến năm 2020.

Phương Nguyên

Mỗi công ty khởi nghiệp trong top 5 startup nổi bật nhất của chương trình Bình chọn Startup Việt 2017 sẽ nhận được một gói "Điểm tựa tài chính -  Khởi nghiệp thành công" từ ngân hàng TMCP An Bình. 

Lễ Vinh danh Startup Việt 2017- Kiến tạo tương lai với phần thuyết trình của top 5 startup cùng chương trình Startup Speed Dating - Kết nối trực tiếp các chuyên gia, nhà đầu tư với doanh nhân khởi nghiệp sẽ được tổ chức vào ngày 24/10/2017 tại rạp hát Star Galaxy, 87 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.