Một lần tình cờ thấy chiếc cốc nguyệt san, Thanh tò mò không biết công dụng để làm gì. Xoay qua xoay lại, vặn tới vặn lui, anh đặt nó vào tai, cho vào miệng, thử đủ tính năng. Cô bạn Linh mới giải thích cho anh chàng đây là chiếc cốc mà phái nữ dùng trong những ngày “đèn đỏ”, thay thế cho băng vệ sinh hoặc tampon. Khi cho cốc vào âm đạo, chị em có thể thoải mái diện đồ bơi hoặc sinh hoạt như bình thường và thời gian thay cốc có thể lên đến 12 tiếng. Cốc sau khi sử dụng có thể được vệ sinh và dùng đi dùng lại nhiều lần.
Thanh tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm. “Ở Việt Nam đã có người làm chưa?”, anh hỏi Linh. “Đa phần đều là hàng xách tay”, Linh trả lời. “Vậy chúng ta hãy cùng làm đi”, Thanh đưa ra quyết định.
Đó là những ngày cuối năm 2015, thời điểm hai bạn trẻ 9x đã có nhiều năm sống ở nước ngoài về Việt Nam vì những lý do riêng. Linh lớn lên tại Australia, học đại học chuyên ngành kiến trúc tại Mỹ và quyết định về quê hương lập nghiệp. Cô vào làm tại Bộ xây dựng với công việc quy hoạch đô thị. Sau nửa năm, cô cảm thấy công việc không phù hợp, quyết định đi tìm định hướng mới cho cuộc đời mình.
Thanh sinh ra tại Việt Nam nhưng theo bố mẹ sang Thái Lan từ lúc mới một tuổi rưỡi. Anh không rành tiếng Việt vì chủ yếu học bằng tiếng Anh. Khi sang Mỹ du học, tiếng mẹ đẻ mới khá lên chút ít vì có dịp tiếp xúc với nhiều du học sinh. Ra trường, anh làm tư vấn công nghệ thông tin cho một công ty của Mỹ được một năm rồi chuyển công tác sang Ấn Độ một năm. Trong thời gian về Việt Nam chuẩn bị giấy tờ quay về Mỹ, anh tình cờ quen biết Linh. Cũng cái duyên này đã đưa họ đến một quyết định liều lĩnh và nhanh chóng: ở lại Việt Nam khởi nghiệp.
“Từ lúc nhìn thấy sản phẩm đến đưa ra quyết định chỉ diễn ra trong vài phút”, Linh nhớ lại. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng, họ mất hơn nửa năm. Cả hai đều tự nhận mình là “tờ giấy trắng” ở thị trường Việt Nam. Đây không phải nơi họ lớn lên, họ không hiểu quá nhiều về con người, môi trường sống, văn hóa. Tất cả đều phải bắt đầu học từ những thứ sơ đẳng nhất. Thanh còn không thể viết nổi tiếng Việt có dấu.
Đều là tay ngang, Thanh và Linh cùng bắt tay với “Google” cho những bước đi đầu tiên. Họ tìm kiếm mọi thông tin cần thiết, rồi đi hỏi thăm người quen. Nhưng tìm một nhà sản xuất silicone y tế - nguyên liệu làm nên cốc nguyệt san - đạt chuẩn không dễ dàng. Từ Hà Nội, họ bay tới Sài Gòn, dò la khắp nơi nhưng không tìm được chỗ nào đạt được mong muốn. Con đường khả dĩ lúc này là quay trở lại Mỹ, nơi họ có nhiều năm trải nghiệm. Ở đây, đôi bạn tìm được nhà sản xuất và thiết kế như ý, đảm bảo tiêu chuẩn y tế.
Ngay khi ký hợp đồng, hai bên lập tức nghiên cứu hơn 30 hãng cốc nguyệt san trên thế giới. Các chuyên gia cắt từng chiếc cốc để phân tích hình thức và chất liệu, tìm ra ưu nhược để cải tiến, tối ưu và phù hợp với người châu Á.
“Cốc cứng quá dễ gây cộm, mềm quá thì khó bung mở, to quá lại khó đưa vào và nếu nhỏ quá thì không đựng được nhiều”, Linh giải thích.
Sau quá trình làm việc với các bác sĩ phụ khoa và chuyên gia thiết kế, họ tiến hành ba vòng thử mẫu với 100 phụ nữ Việt và chọn được sản phẩm ưng ý. “Chiếc cốc có dung tích 34ml, hình giọt nước độc quyền giúp dễ kéo ra và vành cốc thiết kế giúp bật mở dễ dàng, được thực hiện bởi nhà sản xuất đạt chứng chỉ ISO. Silicon từ nhà cung cấp Dow Corning cho độ bền, mịn, mềm. Sản phẩm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận vệ sinh an toàn”, Linh mô tả về thành quả đặt nhiều tâm huyết.
Tháng 6/2016, chiếc cốc nguyệt san mang tên Lincup của công ty Lintimate ra mắt thị trường với 2.000 sản phẩm. Lin là viết tắt của Live Innovative Now, đại diện cho lựa chọn một lối sống mới sáng tạo. Intimate có nghĩa là gần gũi. Đặt tên Lintimate, họ muốn đặt ra sứ mệnh làm những sản phẩm mới mẻ phục vụ những nhu cầu mật thiết của phụ nữ.
Vì thương hiệu còn mới, mục tiêu đặt ra ban đầu là bán hết lô hàng trong một năm. Tuy nhiên, sản phẩm sớm được thị trường đón nhận và chỉ trong nửa năm là hết sạch. Từ đó đến nay, đơn vị đã cung ứng cho người tiêu dùng trên 100.000 chiếc Lincup. Ban đầu, họ bán lẻ chủ yếu qua Facebook, website và một số nhà thuốc, sau đó mở rộng ra đại lý. Hiện đây nguồn phân phối chính của công ty với hơn 100 đại lý chính ở khắp Việt Nam.
Cả hai đều tự nhận con đường khởi nghiệp khá suôn sẻ, dùng vốn tự thân để chủ động trong mọi thứ. Việc sản phẩm có độ lan tỏa bởi một số người nổi tiếng khi dùng yêu thích đã chủ động chia sẻ thông tin. Linh kể nhiều khách hàng còn tự liên hệ để trở thành đại lý vì yêu thích và thấy tiềm năng của sản phẩm. Tuy nhiên, đôi lúc họ cũng gặp khó khi bị đại lý phá giá và phải sớm can thiệp để giải quyết khủng hoảng.
Thanh cho biết một chiếc Lincup có giá 750.000 đồng nhưng có thể dùng đi dùng lại trong nhiều năm với điều kiện bảo quản tốt.
Là nam giới nhưng Thanh rất thoải mái khi thảo luận về sản phẩm cùng Linh và nhân viên trong công ty. Anh rất nhiệt tình trong những buổi trao đổi về cách sử dụng sản phẩm. “Tôi rất yêu phụ nữ và muốn phụ nữ Việt Nam sẽ giảm tải gánh nặng khi sử dụng băng vệ sinh với cúp nguyệt san”, Thanh nói có phần dí dỏm.
Tính tình hài hước nhưng Thanh làm là làm thật. Từ quyết định nghỉ việc về Việt Nam khởi nghiệp đến ra mắt sản phẩm đều đi đúng con đường mà Thanh và Linh vạch ra. Sắp tới họ dự định sẽ ra mắt thêm những dòng sản phẩm hỗ trợ cho Lincup cũng như nghiên cứu thêm những sản phẩm mới phục vụ cho phái nữ Việt Nam.
Giờ đây Thanh đã có thể đánh chữ tiếng Việt có dấu, dù đôi khi có vài từ không hiểu. Linh không thể chạy xe máy nhưng yêu thích không khí ở Việt Nam. Họ không đắn đo nhiều về tiền bạc với suy nghĩ nếu làm tốt thì tiền sẽ tự đến nên chỉ tập trung vào sản phẩm. “Khi làm dự án có mục đích và có gì đó hướng đến cộng đồng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bản thân. Tất cả mọi việc chúng tôi làm trong và ngoài công việc suy cho cùng là để bản thân hạnh phúc”, họ cùng thống nhất quan điểm.
Từ bỏ những triển vọng ở nước ngoài, đôi bạn cùng sinh năm 1991 hào hứng nói “tự tin với quyết định bởi đang làm việc mình đam mê”.
Trương Sanh