Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ ba, 30/3/2021, 00:00 (GMT+7)

CEO Go2Joy: 'Áp lực càng lớn càng đẩy nhanh sự phát triển'

Ông Simon Byun cho biết các cam kết với nhà đầu tư sau việc nhận tổng cộng 5 triệu USD là cơ hội, đồng thời mang đến không ít thách thức giúp công ty trưởng thành hơn.

- Ứng dụng đặt phòng Go2Joy chịu tác động bởi Covid-19 ra sao trong bối cảnh ngành du lịch tại nhiều quốc gia tê liệt?

- Nhìn trên bức tranh tổng thể, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Dù vậy, Go2Joy vẫn trên duy trì kế hoạch dài hạn. Chúng tôi ít chịu ảnh hưởng hơn, một phần là do nhắm đến đối tượng khách hàng sử dụng khách sạn tại địa phương với mô hình đặt phòng ngắn hạn, theo giờ. Vốn dĩ, thị trường này đã tồn tại sẵn và do ít chịu tác động nên trong giai đoạn cao điểm Covid-19, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển và bao phủ thị trường.

Nói thật, trong giai đoạn đại dịch diễn ra, tôi cảm thấy may mắn khi khởi nghiệp tại Việt Nam vì du lịch nội địa nhìn chung không bị ảnh hưởng quá nhiều. Chính phủ đã kiểm soát dịch rất tốt, ổn định kinh tế và tạo môi trường hoạt động kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp.

Nói vậy cũng không thể xem Covid-19 là "thiên thời" đối với chúng tôi. Dịch bệnh cũng đem đến rất nhiều nguy cơ và thách thức cho Go2Joy khi ngành lưu trú nói chung đều chịu thiệt hại nặng nề.

- Từ đâu mà ông có ý tưởng về mô hình kinh doanh đặt phòng ngắn hạn?

- Năm 2016, tôi tìm hiểu và cân nhắc để chọn ra sản phẩm, dịch vụ kinh doanh tại Việt Nam. Tôi nhận thấy, mô hình kinh doanh có lợi nhuận tiềm năng nhất là tạo nền tảng có lưu lượng truy cập lớn. Tuy nhiên, mô hình này yêu cầu một nguồn lực khổng lồ để tạo lập và duy trì. Do đó, tôi đã chọn một hướng đi đã có mô hình rõ ràng và thành công, đó là O2O (online-to-offline).

Tôi nghiên cứu khá nhiều lựa chọn trong lĩnh vực O2O và cố gắng tìm kiếm những thị trường ngách. Lúc bấy giờ, tôi xác định bản thân sẽ nhắm đến nhu cầu đặt phòng khách sạn địa phương.

Trên thị trường, đa số OTA (đại lý du lịch trực tuyến) khác thường hợp tác với các khách sạn 3-4 sao trở lên và nhắm đến đối tượng khách du lịch. Điều này có nghĩa là hầu hết khách sạn 1-2 sao tại địa phương đều bị các OTA bỏ ngỏ. Và đó là cơ hội cho chúng tôi.

Trong giai đoạn đầu, các chủ khách sạn có phần không hài lòng và thắc mắc về việc phải trả phí hoa hồng 15%. Tuy nhiên, thực tế Go2Joy đã đem lại thêm doanh thu cho họ, có thể lên tới 85%. Vì thế, họ dần chấp nhận chúng tôi. Hiện nay, việc giải thích và thuyết phục các khách sạn trở thành đối tác đã suôn sẻ và cởi mở hơn.

CEO Simon Byun. Ảnh: Tất Đạt.

CEO Simon Byun. Ảnh: Tất Đạt.

- Lợi thế của Go2Joy trên thị trường là gì?

- Trước khi Go2Joy ra mắt, người đi khách sạn không có nhiều nguồn thông tin rõ ràng và đáng tin cậy về giá cả, hình ảnh, loại phòng... họ có thể phải chi trả số tiền không chính xác mà lễ tân thông báo hoặc trả thêm những khoản phụ phí không rõ ràng. Với Go2Joy, người dùng có thông tin, hình ảnh, thời gian đặt phòng rõ ràng để đưa ra lựa chọn. Đó chính là giá trị Go2Joy mang lại.

Tôi thừa nhận có các đối thủ như Grabhotel và Quickstay cũng tạo ra sự minh bạch tương tự. Nhưng tôi cho rằng, tính cạnh tranh chính là động lực để sản phẩm và dịch vụ nâng cao chất lượng. Chưa kể hiện nay, thị trường này vẫn còn rất rộng lớn, Go2Joy và các đối thủ mới chỉ khai thác được một phần nhỏ mà thôi. Theo tôi, đây vẫn là một "đại dương xanh" với tiềm năng rất lớn kể cả khi có thêm nhiều đối thủ tham gia vào cuộc đua.

- Đối với nhiều quốc gia châu Á, đặt phòng theo giờ đôi khi là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến văn hóa, thói quen. Ông đã làm gì để thay đổi tư duy của người dùng?

- Đúng là có những trở ngại nhất định về mặt truyền thông và văn hóa. Đơn cử như trên trang fanpage, người dùng cũng ngại tương tác với nội dung hay thảo luận với nhau về việc đặt phòng khách sạn.

Tuy nhiên, tôi có thể kể đến một mô hình tương tự tại Hàn Quốc - Yanolja. Ra mắt thị trường vào giữa những năm 2005-2006, startup này cũng đã phải đối mặt với rất nhiều định kiến từ xã hội. Người ta luôn hỏi: "Tại sao lại nói về những chủ đề này?", "Tại sao lại làm hư giới trẻ?"... Tuy nhiên điều này không đúng. Nhu cầu đi khách sạn theo giờ là nhu cầu chính đáng và vốn dĩ đã có sẵn của giới trẻ. Chỉ là họ chưa có một công cụ, một ứng dụng phục vụ cho nhu cầu này. Sự có mặt của Yanolja còn tạo ra sức ép để thúc đẩy các khách sạn tại địa phương cải thiện chất lượng phòng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vậy nên, nhìn từ bên ngoài, những dịch vụ như Yanolja và Go2Joy có thể gây ra ý kiến trái chiều. Nhưng ở góc độ sâu sát hơn, có thể thấy chúng tôi đang đem lại những giá trị thực và lợi ích cho cả người dùng và ngành khách sạn. Tôi luôn tin rằng, xã hội sẽ dần cởi mở và có niềm tin với Go2Joy.

Một người dùng đang tìm phòng khách sạn trên ứng dụng Go2Joy. Ảnh: Tất Đạt.

Một người dùng đang tìm phòng khách sạn trên ứng dụng Go2Joy. Ảnh: Tất Đạt.

- Bí quyết nào giúp Go2Joy gọi thành công 5 triệu USD sau một thời gian ngắn ra mắt thị trường?

- Thật ra, tôi không nghĩ tốc độ này là quá nhanh. Đối với startup, sẽ không có một cột mốc nào gọi là "đủ vốn". Nếu doanh nghiệp đang hoạt động ở Mỹ hay châu Âu, startup còn có thể gọi vốn lên đến hàng chục triệu USD trong một năm.

Điều quan trọng là sử dụng nguồn vốn này một cách thông minh và hiệu quả để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, qua đó tăng định giá công ty và bước đến những vòng gọi vốn tiếp theo. Chúng tôi có dự định tham gia vòng gọi vốn Series B vào năm sau.

Sắp tới, Go2Joy ra mắt giải pháp web booking, cho phép người dùng đặt phòng trực tiếp trên trang mạng mà không cần tải ứng dụng. Qua đó, chúng tôi có thể tối ưu chi phí tiếp thị, chi phí thu hút người dùng mới và hướng đến mục tiêu đạt một triệu người dùng đăng ký thành viên và hơn 100.000 lượt đặt phòng hàng tháng qua cả hai kênh vào cuối năm nay. Go2Joy sẽ cần sử dụng nguồn vốn hiện tại cho đến nửa đầu năm 2021, trước vòng gọi vốn Series B.

- Ông và đội ngũ phải đối mặt với áp lực gì từ các nhà đầu tư?

- Thông thường, chúng tôi phải cam kết các chỉ tiêu mang tính thách thức để thu hút nhiều đầu tư hơn. Và tất nhiên, các chỉ tiêu trở thành áp lực cho chúng tôi. Tôi tin rằng áp lực càng lớn sẽ càng đẩy nhanh tốc độ phát triển của Go2Joy. Các thành viên cũng vì thế mà trưởng thành nhanh chóng.

Ngoài ra, một áp lực khác là giữ vững sự ổn định của đội ngũ. Với một số startup, khi phát triển đến một bước nào đó sẽ vấp phải rào cản từ phía nhân lực. Chúng ta cần nhân lực để phát triển, nhưng khi nhân sự mới lại không làm việc tốt như kỳ vọng, các vấn đề nội bộ bắt đầu phát sinh. Thách thức của tôi lúc này là phải giữ được guồng quay ổn định cho bộ máy. Song song, công ty phải tăng tốc độ tuyển dụng người mới để họ có thể cống hiến sớm hơn cho sự phát triển của Go2Joy.

Ông Simon Byun đang làm việc cùng đội ngũ Go2Joy. Ảnh: Tất Đạt.

Ông Simon Byun đang làm việc cùng đội ngũ Go2Joy. Ảnh: Tất Đạt.

- Tiêu chí chọn nhà đầu tư của ông là gì?

- Có khi là chúng tôi chọn nhà đầu tư, cũng có khi họ chọn chúng tôi. Đây là một việc khó khăn và thường mất khoảng 6 tháng để hoàn tất một quyết định đầu tư. Đôi lúc chúng tôi gặp được nhà đầu tư thích hợp, nhưng sau đó, họ quyết định không tham gia tại thời điểm đó.

Việc lựa chọn đầu tư thực tế phụ thuộc rất nhiều lý do. Đôi khi chúng tôi gần như "tìm thấy" nhau nhưng chưa đi đến kết quả, không phải việc kinh doanh của Go2Joy không tốt mà có rất nhiều yếu tố ngoại vi ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng. Tôi vẫn hay tự nói đùa với bản thân mỗi khi nhà đầu tư không rót tiền, rằng: Họ sẽ hối tiếc vì quyết định này.

Thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Việt Nam, Singapore, Mỹ... nên chúng tôi phải chọn những người thích hợp với tầm nhìn doanh nghiệp. Có vài nhà đầu tư chỉ yêu cầu về mặt số liệu, nhưng điều này đôi lúc lại mâu thuẫn với đường hướng phát triển của công ty. Do đó, chúng tôi sẽ chọn các nhà đầu tư có cùng tầm nhìn và có thể thấu hiểu về văn hóa phát triển của chúng tôi. Chỉ có như thế, họ mới có thể đồng hành và hỗ trợ Go2Joy trong chặn đường dài. Không phải kén chọn, nhưng phải lựa chọn nhà đầu tư tốt.

- Kế hoạch mở rộng thị trường của Go2Joy tới đây ra sao?

- Có thể nói, OTA tại châu Á đang bỏ qua các khách hàng địa phương khi không chú trọng mô hình đặt phòng ngắn hạn. Nhưng nhu cầu này vốn đã tồn tại rất lâu và sẽ tồn tại mãi ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Go2Joy phát hiện rằng thị trường Thái Lan và Philippines vẫn còn bỏ ngỏ và đầy tiềm năng với dân số đông và văn hóa khá thoáng cho việc đặt phòng theo giờ. Sau đó, chúng tôi có thể sang Đài Loan và nếu có thể, chúng tôi đã có kế hoạch thâm nhập ngược lại quê hương của tôi - Hàn Quốc.

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thị trường Thái Lan. Khi hoàn thành chức năng đặt phòng trên website, chúng tôi sẽ triển khai tại thị trường này trong năm nay và sau khi thành công, Go2Joy sẽ điểm danh ở thị trường Philippines trong năm sau.

Tất Đạt

Go2Joy là ứng dụng chuyên đặt phòng khách sạn ngắn hạn, theo giờ, cung cấp thông tin về địa điểm, giá cả thành lập năm 2017 do CEO người Hàn Quốc Simon Byun sáng lập. Hiện ứng dụng có hơn một triệu người dùng, hơn 500.000 thành viên sử dụng và hơn 3.000 khách sạn đối tác. Từ đầu năm 2020 đến nay, Go2Joy nhận vốn từ nhiều nhà đầu tư, lần gần nhất là vào tháng 2/2021, giúp nâng tổng số tiền đầu tư mà công ty nhận trong một năm qua lên gần 5 triệu USD.