Hủy
Xu hướng Chủ nhật, 4/4/2021, 00:00 (GMT+7)

7 startup Việt Nam gọi vốn triệu USD quý một

Momo, ELSA, Got It, Go2Joy, Genetica, Citics.vn và GoStream gọi vốn thành công để mở rộng trong bối cảnh khởi nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ.

Momo - 99 triệu USD

Momo hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư từ quỹ đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và các cổ đông hiện hữu với giá trị 99 triệu USD. Nguồn vốn mới huy động sẽ được dùng xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái và ra mắt Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo MoMo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm được thị trường.

Momo là ví điện tử dẫn đầu tại Việt Nam hiện nay.

Momo có 23 triệu khách hàng Việt Nam.

Đại diện ví điện tử cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với Momo là đầu tư tài chính, không tham gia vào hoạt động điều hành. Các đối tác cũng là các quỹ đầu tư lớn và xác định đồng hành với ví điện tử này trong dài hạn. Trước đó, sau đợt gọi vốn đầu năm 2020, vốn điều lệ của Momo tăng lên hơn 130 tỷ đồng với sở hữu nước ngoài hơn 66%.

Hết năm 2020, Momo có hơn 23 triệu khách hàng, tổng quy mô giao dịch đạt 14 tỷ USD. Hai năm tới, ví điện tử này muốn có 50 triệu khách hàng. Công ty hiện cũng có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán, 30.000 đối tác kinh doanh và kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế.

ELSA - 15 triệu USD

Ứng dụng học tiếng Anh đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Các nhà đầu tư trước đó bao gồm Gradient Ventures (quỹ chuyên dành cho AI của Google), SOSV và Monk’s Hill Ventures cũng tham gia vào vòng này.

Người dùng học tiếng Anh qua ứng dụng ELSA. Ảnh: ELSA.

Người dùng học tiếng Anh qua ứng dụng ELSA. Ảnh: ELSA.

ELSA - English Language Speech Assistant ra mắt năm 2015 bởi cô gái Việt Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ) và Tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói. Cùng với với Anguera, Văn Vũ đã triển khai dịch vụ tại Việt Nam trước khi mở rộng sang Ấn Độ và Nhật Bản. Ứng dụng học tiếng Anh này đang có 13 triệu người dùng và doanh thu của công ty tăng gần 300% vào năm 2020. Với nguồn vốn mới, ELSA có kế hoạch thâm nhập các nước Mỹ Latin và tăng tốc mở rộng khắp châu Á trong năm nay.

Got It - 6 triệu USD

VNG là cái tên rót 6 triệu USD (khoảng 138 tỷ đồng) vào startup cung cấp nền tảng quà tặng điện tử Got It. VNG cho biết, khoản đầu tư này mang lại cho doanh nghiệp cơ hội mở rộng sang lĩnh vực tặng quà, phát triển kênh bán hàng B2B (Business to business) và mạng lưới nhà cung cấp, đặc biệt là tăng thêm tiện ích cho người dung Zalo và ZaloPay.

Got It cung cấp giải pháp toàn diện cho các chương trình của doanh nghiệp.

Got It cung cấp giải pháp toàn diện cho các chương trình của doanh nghiệp.

Got It được thành lập từ năm 2015, cung cấp nền tảng quà tặng điện tử. Startup này đã phát hành hơn 20 triệu thẻ quà tặng, được sử dụng tại hơn 160 thương hiệu với 12.000 địa điểm.

Go2Joy - 2,3 triệu USD

HB Investment cùng với Platform Partners Asset Management đã trở thành những nhà đầu tư mới ở Go2Joy. Trước đó, Go2Joy cũng đã thuyết phục được STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác, bao gồm KB Investment đầu tư, với giá trị lên đến 2,5 triệu USD tại vòng Series A. Sau khoảng 1 năm, Go2Joy đã nhận được vốn mới, từ những nhà đầu tư mới, nâng tổng số vốn huy động trong năm qua lên tới xấp xỉ 5 triệu USD.

Go2Joy nhận vốn báo hiệu sự phục hồi của các startup du lịch.

Go2Joy nhận vốn báo hiệu sự phục hồi của các startup du lịch.

Mục đích của các nhà đầu tư này khi tham gia góp vốn, ngoài đầu tư tài chính còn là giúp các startup nâng cao chất lượng dịch vụ, vươn đến vị trí dẫn đầu và mở rộng hoạt động ra khắp vùng Đông Nam Á.

Năm qua, dù đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng Go2Joy, dưới sự tư vấn giúp sức của các nhà đầu tư đã có nhiều sự thay đổi trong chiến lược, hoạch định lại các chỉ số kinh doanh nhằm đạt sự tồn tại và phát triển dài lâu. Ngoài ra, Go2Joy cũng tập trung nguồn lực vào việc tối ưu hiệu quả các kênh online.

Genetica - 2,5 triệu USD

Công ty công nghệ về giải mã gen huy động 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A từ các nhà đầu tư tại Silicon Valley. Vòng gọi vốn này được hoàn tất trong 30 ngày với những cái tên Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik. Genetica cũng vừa cho ra mắt dịch vụ giải mã gen tìm hiểu nguy cơ di truyền nhiễm virus để tìm một hướng đi lâu dài hơn trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.

Sáng lập Genetica Cao Anh Tuấn. Ảnh: Genetica.

Sáng lập Genetica Cao Anh Tuấn (thứ 2 từ phải qua) cùng đội ngũ chuyên gia. Ảnh: Genetica.

Genetica là công ty công nghệ, chuyên về giải mã gen có trụ sở đặt tại San Francisco (Mỹ), sáng lập và dẫn dắt bởi ông Cao Anh Tuấn. Một trong những lý do chính giúp công ty nhanh chóng thuyết phục được các nhà đầu tư, là nắm trong tay công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gen dành riêng cho người châu Á. Phòng thí nghiệm của Genetica đang sở hữu chứng chỉ CLIA, CAP, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bậc nhất tại Mỹ cho các phòng thí nghiệm về xét nghiệm gen. Kết quả báo cáo được thẩm định bởi đội ngũ khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu như Harvard, Stanford, California San Francisco, Cornell.

Startup này đang triển khai dự án kết hợp với bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam. Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ công bố rộng rãi góp phần vào ngân hàng dữ liệu gen lớn của thế giới.

Citics - 1 triệu USD

Số tiền Citics huy động được từ một nhóm các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, gồm Vulpes Investment Management (quỹ đã từng đầu tư vào startup kỳ lân Property Guru từ vòng hạt giống), Nextrans và TheVentures. Trước đó, Citics đã huy động 700.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần, nhiều người trong số họ cũng tiếp tục tham gia vòng gọi vốn này.

Ông Trần Minh Long, Nguyễn Hải Ninh, Phạm Anh Đức là các gương mặt Forbes 30 under 30 qua các năm

Citics có sự tham gia của Trần Minh Long, Nguyễn Hải Ninh, Phạm Anh Đức là các gương mặt Forbes 30 under 30 qua các năm.

Ứng dụng định giá Citics Valuations dành cho các ngân hàng nhằm xác thực giá trị của một bất động sản làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Theo doanh nghiệp này, chỉ bằng vài cú nhấp chuột, nhân viên ngân hàng có thể kiểm tra được thông tin chi tiết, giá trị bộ hồ sơ của một bất động sản. Báo cáo định giá chính thức được hoàn thành trong 3 giờ, bằng một phần tư thời gian thực hiện các định giá khác.

Citics cho phép ngân hàng kiểm soát các rủi ro vay thế chấp liên quan về giá, vị trí tài sản bằng công nghệ bản đồ số và bản đồ giá. Startup này đang có dữ liệu của hơn 9 triệu căn nhà đất, căn hộ và ước tính giá trị của gần 4 triệu căn. Citics hiện cung cấp dịch vụ này cho 10 ngân hàng trong nước.

GoStream - 1 triệu USD

Đầu năm nay, VinaCapital Ventures thông báo đầu tư một triệu USD vào GoStream, quán quân Techfest 2020 với sản phẩm GoStudio. Trước đó, vào năm 2019, startup này từng nhận 200.000 USD vốn đầu tư của VinaCapital Ventures và Zone Startups Việt Nam ở vòng hạt giống.

oStream là quán quân Techfest 2020. Ảnh: Techfest

GoStream từng đạt quán quân Techfest 2020. Ảnh: Techfest.

GoStream cung cấp công cụ livestream đa nền tảng dành cho người bán hàng, tiếp thị và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Công ty khởi nghiệp này thành lập năm 2017, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và có khoảng 100.000 lượt phát livestream trực tiếp mỗi ngày.

GoStream sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu Startup World Cup 2021.

Thành Dương (tổng hợp)