Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ ba, 23/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Mô hình nông nghiệp thông minh của kỹ sư 8x

Phạm Cao Kỳ cùng cộng sự sáng tạo nên hệ thống nông nghiệp công nghệ cao giúp người dân trồng nông sản có thể làm chủ nông trại.

Tốt nghiệp Đại học năm 2003 với tấm bằng kỹ sư Cơ điện tử, Phạm Cao Kỳ tự hứa với bản thân: “Nhất định phải tạo ra một sản phẩm có giá trị cho xã hội trước khi tuổi trẻ qua đi”, đồng sáng lập MrFarm - công ty chuyên cung cấp sản phẩm và giải pháp toàn diện về nông nghiệp thông minh nhớ lại.

3 năm ấp ủ cho một sản phẩm

Năm 2015, khi còn là vị trí trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cho một công ty công nghệ Việt Nam, trong chuyến đi nghiên cứu thị trường nông sản, Cao Kỳ cùng hai đồng nghiệp được tiếp cận với nhiều hộ dân nuôi trồng. Anh nhận thấy hầu hết hộ dân làm theo lối thủ công, tự phát là chính, chưa theo quy trình chuẩn. Điều này khiến hộ dân giảm năng suất, khi xảy ra sự cố về cây trồng không có giải pháp xử lý, ngoài ra còn tốn thêm chi phí khi thuê nhân công ngoài.

Với khát vọng tạo cho mình một con đường riêng cộng với niềm đam mê tự động hóa, anh cùng hai cộng sự thân thiết nghỉ việc để bắt tay phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh có thể giải quyết những vấn đề trên. MrFarm ra đời từ đó.

Trải qua 3 năm, anh cho ra đời hệ thống MrFarm i4. Đây là sản phẩm dành cho các hộ dân sản xuất nông sản vừa và nhỏ, diện tích 2-15 héc-ta và có thể triển khai được hệ thống tự động hóa ở khâu trồng trọt.

Theo chàng kỹ sư xứ Quảng, sản phẩm giúp cho nhiều hộ dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản (chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch), tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ, chống trộm qua điện thoại.

"Với 10 héc-ta trồng xà lách, hộ dân chỉ cần lắp đặt một bộ duy nhất, chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng một bộ. Thay vì phải thuê nhân công ngoài tốn khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng, hộ dân vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện năng suất lao động", Cao Kỳ chia sẻ.

Một sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ gặp nhiều con mắt e dè. Để tạo sự tin tưởng cho các hộ dân, anh cho chứng kiến tận mắt hệ thống của mình hoạt động như thế nào.

"Khách hàng nào cần thì tôi mang tới chạy tại chỗ cho xem. Họ thích thì mình lắp đặt, không ưng thì mình đem về. Chẳng sao cả", anh vui vẻ nói. Ưu điểm nổi bật nhất của hệ thống i4 chính là tưới tiêu thích nghi theo thời tiết. Đây cũng là tính năng mà khách hàng ưa thích khi lắp đặt i4. Theo đồng sáng lập MrFarm, nếu nhiệt độ bên ngoài 25-32 độ C, i4 có thể thiết lập thời lượng tưới nước 5-10 phút, trời mưa thì hệ thống sẽ không tưới.

Không chỉ cung cấp sản phẩm, MrFarm còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi hộ dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn, đảm bảo đầu ra chất lượng cho hộ dân.

Phạm Cao Kỳ - đồng sáng lập MrFarm, Ảnh: NVCC

Phạm Cao Kỳ - đồng sáng lập MrFarm, Ảnh: NVCC

'Lãnh đạo là phải đi được thăng bằng trên dây'

Ngoài hệ chuyên nông dành cho hộ dân nhỏ lẻ, anh và cộng sự sẽ phát triển thêm hệ chuyên gia MrFarm Agri phục vụ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn, hoặc cho các kỹ sư nông học chuyên nghiên cứu về nông sản đặc biệt.

“Hiện tôi vẫn ưu tiên tập trung cho sản phẩm i4 vì đó là điều thị trường Việt Nam đang cần, bước tiếp theo sẽ là phân phối nông sản”, anh nói.

Điều mà kỹ sư 8x kỳ vọng ở tương lai là người dân được ăn một dĩa rau chất lượng, không lo nhiễm thuốc, biết nguồn gốc của rau, theo dõi từ lúc ươm mầm cho đến khi thu hoạch. “Muốn làm điều đó, tôi và đội ngũ của mình phải xây dựng hạ tầng thật vững, đó chính là hệ chuyên nông i4”, anh chia sẻ thêm.

Mỗi sáng, trước khi bắt tay vào công việc, Cao Kỳ sẽ lướt nhanh qua các báo để nắm bắt thị trường nông nghiệp. Sau đó, anh làm việc với 3 đội khác nhau: đội viết chương trình nhúng, đội về phần cứng, đội về dữ liệu. Để thiết kế ra một sản phẩm hoàn thiện về tự động hóa và công nghệ không dễ dàng. Toàn bộ sản phẩm MrFarm tạo ra đều do đội ngũ của anh nghiên cứu và phát triển.

"Tôi không xem đó là công việc khó khăn, nó cũng như mọi vấn đề hàng ngày cần giải quyết mà thôi. Khó khăn nhất vẫn là làm sao cải thiện sản phẩm của mình ngày một tinh gọn. Sản phẩm có nhiều tính năng mà khách hàng không dùng đến rất tốn công cho đội phát triển", anh nói.

Có những tháng anh chỉ ngủ có hai tiếng chỉ để kịp giao hàng cho khách, nhiều lúc đồng nghiệp làm mệt quá thì anh cũng là người gánh việc. “Người lãnh đạo phải đi được thăng bằng trên dây, đứng vững để tạo động lực cho người phía sau đi theo”, người sáng lập MrFarm chia sẻ.

Đến tháng 10/2018, hệ thống chuyên nông MrFarm i4 chính thức tung ra thị trường. Hiện tại khách hàng chủ yếu của anh là khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây đến cuối năm, anh và đội ngũ cố gắng hoàn thành 6 mô hình mẫu tại 3 vùng trên.

Hệ thống chuyên nông MrFarm i4 và hệ chuyên gia chỉ mới là bước khởi đầu, thị trường vẫn đang hình thành, nhưng anh tin tưởng vào những điều anh và cộng sự đang làm. “Tạo ra sản phẩm ‘made in Vietnam’, một sản phẩm có giá trị được xã hội công nhận trước khi tuổi trẻ mình qua đi”, anh hào hứng chia sẻ tầm nhìn trong tương lai.

Nông nghiệp công nghệ cao MrFarm Agriculture là một trong 25 startup nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức.

Top 25 startup được phân bổ vào 5 đội. Mỗi đội có 2-3 chuyên gia đến từ các tổ chức đầu tư, đào tạo và huấn luyện startup phụ trách bồi dưỡng năng lực và phát triển dự án của các nhóm đăng ký thi. Dự kiến vòng đào tạo sẽ diễn ra trong vòng một tháng.

Độc giả tham gia bình chọn cho top 25 từ nay đến ngày 5/11 tại đây. Kết quả của độc giả được tính một phần vào kết quả chung cuộc.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trong danh sách tham gia bình chọn. Giải thưởng là một TV và một smartphone cho duy nhất một độc giả. Bạn đọc may mắn sẽ nhận giải tại lễ vinh danh Startup Việt 2018 diễn ra vào 15/11.

Chương trình bình chọn Startup Việt 2018 nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam; góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội...

Thiên Tường