Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ sáu, 24/11/2017, 10:14 (GMT+7)

Tỷ phú tự thân từng bị McDonald's từ chối cho dọn phòng vệ sinh

Pejman Ghadimi từng rửa xe cho hàng xóm và làm tiếp thị qua điện thoại khi mới 14 tuổi trước khi trở thành tỷ phú.

Pejman hiện là nhà sáng lập Secret Entourage - chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong kinh doanh và một số dự án khác, cũng được biết đến là tác giả của một số đầu sách.

Anh sinh ra bởi người mẹ đơn thân trong điều kiện thiếu thốn, vào giữa cuộc cách mạng tại Iran nên trải qua hầu hết tuổi thơ tại Pháp và chỉ chuyển đến Mỹ vào 1997.

Khi đến xứ cờ hoa, anh vẫn là một đứa trẻ. Gia đình không có thẻ xanh và số an sinh xã hội. Năm 14 tuổi, Pejman không thể đi làm hay thực hiện bất cứ việc gì. Mẹ anh cố gắng đủ cách để cả gia đình tồn tại ở một miền đất mới. Thất bại nối tiếp thất bại, họ bỏ cuộc. Bà làm thu ngân tại nhà hàng, dù hiện giờ đây được xem là một vị trí quan trọng và giá trị, nhưng ở thời điểm đó thì không. Pejman lớn lên trong một căn hầm chật chội và không có nhiều điều kiện.

Lúc ấy, anh nghĩ mình cần phải làm gì đó nhưng tìm việc lại chẳng dễ dàng chút nào. Không một mảnh giấy tùy thân, rất khó để anh có thể tìm công việc đàng hoàng, nói gì đến thu nhập cao. Công việc đầu tiên trong đời anh là rửa xe cho hàng xóm.

Pejman được nhận vào làm vị trí tiếp thị qua điện thoại ở tuổi 14. Anh làm nghiêm túc vì nghĩ rằng đó là việc duy nhất có thể làm. Với một người không thể kiếm được việc, phải cầu xin để làm chùi rửa nhà vệ sinh cho McDonald's và bị từ chối nhiều lần, bất cứ công việc nào đều là một sự mang ơn. “Tôi phải làm tốt và tôi đã làm tốt”, anh kể.

Pejman dành bốn năm làm công việc này và dần dần tiến đến những vị trí cao hơn. Ở tuổi 18, anh trở thành giám đốc của công ty đó. Không chỉ thành công trong kinh doanh và quản lý, anh cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm về mảng dịch vụ và nhiều thứ khác trong vai trò nhà quản lý.

Lúc này, người đàn ông gốc Iran quyết định bước khỏi vùng an toàn. “Tôi không nghĩ mình là một doanh nhân. Tôi chỉ là một đứa trẻ bình thường với mơ ước giản dị là kiếm nhiều tiền để giúp đỡ gia đình”, anh nói.

Với Pejman, khởi đầu kinh doanh không có màu hồng và mọi thứ đều luôn khó khăn. Khi ý nghĩ thoát nghèo xuất hiện trong đầu, anh không biết mình thật sự muốn làm gì. Nhưng anh nhận thức rất rõ một điều chính là nếu thời gian ngồi ở nhà không kiếm được đồng nào bất kể bao nhiêu giờ đồng hồ, thì hãy dành mỗi giờ trong cuộc đời làm việc gì đó có ích hơn. “Tôi ngừng lo lắng việc cố gắng kiếm một số tiền khổng lồ và cố gắng làm việc thật hiệu quả nhất có thể”, anh nói.

ty-phu-tu-than-tung-bi-mcdonalds-tu-choi-cho-don-phong-ve-sinh

Tý phú tự thân Pejman Ghadimi. 

Khi vào làm việc tại ngân hàng, người đàn ông này vẫn giữ sự nghiêm túc như với công việc đầu tiên trong đời. “Nhưng tôi không cảm thấy như một sự biến đổi khi bắt đầu kinh doanh. Tôi tìm thấy mục đích và đam mê trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn dắt, quản trị và giảng dạy các chương trình huấn luyện”, anh chia sẻ.

Khi bị ngân hàng sa thải, anh không cảm thấy đó là bất lợi. Với mức lương 250.000 USD cộng hơn một triệu USD phí bồi thường và nhiều khoản tiết kiệm, anh đã không còn là một đứa trẻ nghèo nữa. Tuy nhiên, điều khó khăn với Pejman là mất đi công việc theo đuổi trong nhiều năm. Anh phải thiết lập lại mục tiêu cuộc đời bởi sáu năm trước đó anh nghĩ có lẽ cả đời sẽ gắn với nghiệp ngân hàng.

Khi xây dựng mô hình kinh doanh, anh sử dụng quy trình gọi là tam giác ý tưởng, tập trung vào những gì mình yêu thích nhất. Một trong những khả năng nổi trội của Pejman là thiết kế. Anh cũng có mắt nhìn thị hiếu của thị trường và rất đam mê xe cộ. Vì vậy, anh tìm một công việc nào đó có thể kết nối được những sở trường của mình.

Công ty đầu tiên mang tên Secret Consulting không thành công khi nhắm đến việc đào tạo những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Anh nhận ra không ai muốn trả tiền cho dịch vụ của mình. Một năm trôi qua khó khăn, anh dừng lại và quyết định xây dựng VIP Motoring ­- hỗ trợ mọi người biến các tiêu sản trở thành tài sản đầu tư, như xe ngoại hay đồng hồ.

Tuy nhiên, hoài bão trong việc truyền thụ kinh nghiệm và giúp đỡ người trẻ vẫn luôn thôi thúc. Tất cả khiến Pejman một lần nữa bắt tay lại cùng Secret Consulting, với các chương trình huấn luyện về quản trị, dịch vụ khách hàng và kinh doanh.

Anh bắt đầu đầu tư vào công nghệ và tiếp thị trong vận hành doanh nghiệp. Có lúc thành công và cũng có lúc thất bại. Nhưng những bài học của quá khứ giúp dự án ngày càng vững vàng và chuyên sâu hơn. Lúc này, anh lại nghĩ tại sao không thiết lập một hệ thống cho phép bản thân làm những gì mình muốn nhưng vẫn có thể giúp đỡ mọi người trong kinh doanh và nhiều thứ khác. Secret Entourage là kết quả từ ý tưởng đó.

Dự án bắt đầu như một blog với các câu chuyện kể về những doanh nhân thành công tự thân. Pejman cảm nhận một nhu cầu thật sự lớn của thị trường. Anh tạo một mạng lưới trên 300 triệu phú và tỷ phú tại Mỹ. Nếu những nhân vật này dành một giờ hướng dẫn ai đó họ chưa từng gặp thông qua video, đối phương có thể có một cơ hội quý báu được học hỏi kinh nghiệm từ những người mà họ khó có khả năng gặp trong cuộc sống hằng ngày. Điều này có thể thay đổi cả cuộc đời họ. Mất bảy năm Pejman mới tạo dựng được thành công cho thương hiệu của riêng mình và trở thành tỷ phú. 

Lời khuyên của anh dành cho những người khởi nghiệp là đừng quá lo lắng làm thế nào để thành công. “Hãy nghĩ bạn có thể tận tâm và sẵn sàng cho đi bao nhiêu với công việc của mình. Nếu sẵn sàng trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình 10 năm tới, tôi nghĩ bạn chắc chắn sẽ cực kỳ thành công”, ông chia sẻ.

Trương Sanh (theo Tech in Asia)