Hủy
Nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam Thứ sáu, 24/4/2020, 08:00 (GMT+7)

Startup phải ưu tiên tiền mặt để sống sót qua dịch

Chuyên gia và đại diện quỹ đầu tư của Grab Ventures Ignite khuyên startup phải làm mọi cách để có đủ tiền mặt sống sót qua cơn bão Covid-19.

Mọi kế hoạch tăng trưởng hoạch định từ trước đền cần phải thay đổi khi dịch Covid-19 bao phủ toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện tại, không có gì quan trọng hơn kế hoạch sống còn. Đó là những nhận định của các chuyên gia tại buổi trao đổi trực tuyến do Grab Ventures Ignite tổ chức hôm 15/4. Sự kiện trực tuyến có sự tham dự của ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đối tác điều hành ESP và ông Kenneth Tan - Phó chủ tịch phụ trách đầu tư của Gobi Partners.

Thách thức kỷ lục với startup Việt

Các chuyên gia tham dự trao đổi trực tuyến có cùng nhận định, đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với startup toàn thế giới, kể cả Việt Nam.

"Covid-19 tạo ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế khi đa số các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động rất hạn chế, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, vận hành, kế hoạch kinh doanh, đời sống người lao động...", ông Nguyễn Hoa Cương phân tích.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong kịch bản lạc quan nhất, nền kinh tế có thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong 4 tuần tới. Tức từ giữa tháng 5 có thể triển khai các biện pháp phục hồi từng bước và đến cuối tháng 5 thì có thể vận hành toàn bộ nền kinh tế bình thường. Trong kịch bản thận trọng hơn, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng nếu dịch được khống chế hoàn toàn trong cuối quý III hoặc sang đến quý IV, thì kinh tế Việt Nam phải mất thêm một đến hai quý nữa để dần hồi phục.

Dù trong kịch bản nào, startup cũng cần phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng thời cần nhìn nhận cuộc khủng hoảng hiện tại ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Ở mặt tiêu cực, hầu hết startup gặp khó khăn về dòng tiền, nhất là lĩnh vực du lịch, bán lẻ... Song ở mặt tích cực, Covid-19 mở đường cho những thay đổi cơ bản. Đây là lúc mọi hoạt động đều dịch chuyển lên môi trường trực tuyến. Tốc độ chuyển đổi số nhanh chưa từng có sẽ đẩy nhanh mức độ phổ cập nền tảng công nghệ trực tuyến, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi giữa số lượng người dùng và hiệu quả thực tế mang về cho doanh nghiệp.     

"Nếu chúng ta tận dụng tốt xu hướng này, chẳng hạn trong giáo dục online, truyền thông, bán lẻ online... thì đây là thời cơ lớn với các doanh nghiệp", bà Lê Hoàng Uyên Vy khẳng định.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đối tác điều hành ESP.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đối tác điều hành ESP.

Đồng thời, ông Kenneth Tan nhìn nhận dịch Covid-19 còn tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành vi tiêu dùng, cách thức vận hành bộ máy doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần tăng cường giao tiếp, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để tận dụng nguồn lực cộng hưởng, vượt qua dịch bệnh.  

Bài toán sống còn

Giữ tâm thế thận trọng, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng bài toán lớn nhất startup cần tập trung tìm lời giải là có đủ tiền mặt để sống sót qua Covid-19. Các biến số trong bài toán này bao gồm dòng tiền và lượng tiền mặt hiện có để duy trì hoạt động doanh nghiệp. Startup cần tự đặt những câu hỏi như có cần giảm giá sản phẩm dịch vụ để giữ chân người tiêu dùng, có cần chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ dòng tiền lưu thông nhiều nhất có thể....   

Bên cạnh đó cần tối ưu chi phí với những câu hỏi cần giải đáp như khoản chi nào đang không cần thiết với sự sống còn của doanh nghiệp, khoản chi nào đang trực tiếp tác động đến nhu cầu của người dùng. Nếu startup vẫn đang có doanh thu thì việc đầu tư cho marketing để giữ chân người dùng là cần thiết, tuy nhiên nếu hoạt động đã đình trệ thì đây là chi phí cần cắt giảm.

Một trong những chi phí tốn kém nhất của doanh nghiệp thường là nhân sự. Tuy nhiên với chi phí này, cần phải rất cẩn trọng khi tính đến phương án cắt giảm.

"Chúng ta cần nghĩ cho đội ngũ, suy cho cùng những nỗ lực của startup ngay từ đầu một phần lớn là nhờ vào nhân viên, cộng sự của mình. Họ chính là những người đồng hành với chúng ta kể cả lúc khó khăn lẫn khi thành công. Thay vì cắt giảm nhân sự chúng ta có thể tính đến phương án trả lương theo phần trăm hoặc trả cổ phiếu...", đại diện ESP khuyên.

Ở góc độ nhà quan sát startup toàn khu vực, đại diện Gobi Partners nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung tối đa nguồn lực để giải quyết câu chuyện sống sót trước khi tính chuyện trở lại tăng trưởng, phải duy trì "sức đề kháng" cao với tác động của dịch và động lực của đội ngũ. Mọi cuộc khủng hoảng đều đi kèm sau đó là cơ hội để chuyển đổi và cải tiến. Do đó đây là lúc startup tìm kiếm những điểm sáng cơ hội để có thể nhanh chóng nắm bắt ngay khi dịch có dấu hiệu suy giảm.

"Trong ngắn hạn, cần xem xét toàn bộ số liệu, đặc biệt là dự phòng tài chính. Hãy tìm kiếm mọi sự hỗ trợ, đàm phán, thương lượng với khách hàng, người dùng, đối tác... Việc đồng hành cùng nhau sẽ giúp chúng ta chống chọi với khó khăn vững vàng hơn", ông Kenneth Tan nói.

Ông Kenneth Tan - Phó chủ tịch phụ trách Đầu tư của Gobi Partners (trái).

Ông Kenneth Tan - Phó chủ tịch phụ trách đầu tư của Gobi Partners (trái).

Điểm sáng cơ hội

Trong bối cảnh khó khăn chung, các chuyên gia tin rằng vẫn có điểm sáng cơ hội cho startup. Ông Kenneth Tan chia sẻ thực tế tại một số doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của Gobi Partners, tình hình khả quan hơn khi mô hình sản phẩm, kinh doanh của startup phù hợp xu thế chuyển đổi số trong dịch, ví dụ lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, giao hàng... Một số startup cung cấp nền tảng truy vết dịch bệnh, kiểm soát thông tin di chuyển... hỗ trợ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng đang hoạt động mạnh mẽ. 

Đồng thời, đây cũng thời cơ để một số startup tiềm năng tiếp cận nhà đầu tư mạo hiểm, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy. Dù tâm lý chung của giới đầu tư hiện nay là "chờ và xem", vẫn có những nhà đầu tư như ESP tích cực tìm kiếm cơ hội rót vốn ngay trong dịch, đặc biệt trong các lĩnh vực "lên ngôi" như giáo dục trực tuyến.

Trong khủng hoảng hiện tại, bà Uyên Vy tin không có thời cơ nào tốt hơn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trực tuyến hoặc muốn thúc đẩy chuyển đổi số. Người tiêu dùng đang dành thời gian online nhiều nhất từ trước đến nay. Nếu startup muốn có tỷ lệ chuyển đổi "offline-to-online" cao hơn thì đây là cơ hội.

Cũng trong buổi tọa đàm, startup thể hiện sự quan tâm đến câu hỏi có nên "ngủ đông" chờ thời cơ trở lại hoạt động kinh doanh, có nên chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh hoặc làm thế nào duy trì động lực cho đội ngũ.

Về băn khoăn "ngủ đông" hay cố gắng duy trì, ông Kenneth Tan cho rằng cần xem xét tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu vẫn còn đủ tiền mặt để tạo ra một sự thay đổi khả quan, cần triển khai nhanh để mang lại hiệu quả tức thời. Trong tình huống khó khăn, các nhà sáng lập cần quan tâm, trao đổi với đội ngũ, thấu hiểu khó khăn của họ và sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều cách. Đó là con đường để đội ngũ tiếp tục đồng hành với startup để vượt qua "cơn bão".

"Ai cũng gặp áp lực và ai cũng hiểu cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trong giai đoạn khó khăn. Do đó cần quan tâm đội ngũ, chia sẻ khó khăn và chia sẻ cả tầm nhìn, hướng đi sắp tới của doanh nghiệp để họ có thể tiếp tục đồng hành cùng nhau vượt qua thách thức", đại diện Gobi Partners nói.

Trong bối cảnh toàn hệ sinh thái khởi nghiệp đang chịu tác động từ đại dịch, việc tăng cường hỗ trợ và tương tác trong nội bộ hệ sinh thái, tận dụng nguồn lực từ các chương trình như Grab Ventures Ignite có thể giúp startup vượt qua "cơn bão" và tìm ra hướng đi đúng cho doanh nghiệp kể cả sau khi dịch đi qua.

Câu chuyện sống còn của startup trong Covid-19 là khởi đầu cho chuỗi trao đổi trực tuyến mà Grab Ventures Ignite đang triển khai để hỗ trợ các startup Việt Nam vượt qua dịch Covid-19. Trước đó, nhằm tạo cơ hội cho startup tham gia, Grab Ventures Ignite đã lùi thời hạn đăng ký đến hết tháng 6 và dự kiến chính thức khởi động vào tháng 8. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình lên đến hơn một triệu USD đầu tư cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ khác từ Grab và các đối tác.  

Khánh Anh

Grab Ventures Ignite (GVI) là chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu (early stage) tại Việt Nam. Chương trình là một phần trong lộ trình thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng tại Việt Nam với mục tiêu chung nhằm mang đến những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ.

Với chương trình tăng tốc khởi nghiệp này, Grab hướng đến việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các startup phát triển thành những công ty hàng đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phù hợp với Chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ.