Hủy
StartUp 2019 Thứ tư, 30/10/2019, 10:00 (GMT+7)

Startup chọn cách bắt tay ông lớn để phát triển

Khi công nghệ tạo ra nhiều thay đổi đột phá trong hầu khắp lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chọn cách hợp tác cùng những thương hiệu đầu ngành để tận dụng nguồn lực tăng trưởng.

Theo thống kê của Innosight, vòng đời trung bình của các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số chứng khoán S&P 500 (Mỹ) đã giảm từ 33 năm vào 1964 xuống 24 năm vào 2016 và dự báo chỉ còn 12 năm vào năm 2027. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những thay đổi mang tính đột phá do công nghệ và những mô hình kinh doanh mới. Trong những năm qua, những chuyển đổi rõ nét đã xuất hiện trong hầu khắp các lĩnh vực như tài chính, y tế, năng lượng, bán lẻ, du lịch, bất động sản...

Cùng với đó, xu hướng khởi nghiệp tinh gọn phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới, nhất là tại các quốc gia châu Á buộc các doanh nghiệp lớn đứng trước tâm thế lựa chọn cạnh tranh hoặc hợp tác để cùng đổi mới sáng tạo. Từ góc độ startup, với nguồn lực hạn chế và nhiều thách thức trong giai đoạn đầu tăng trưởng, chiến lược bắt tay với các doanh nghiệp lớn hơn giúp startup tận dụng nguồn lực sẵn có của những "gã khổng lồ".

Trong năm nay, Vietjet đã công bố hợp tác với Swift247 và Grab phát triển các giải pháp kết nối di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không toàn khu vực Đông Nam Á. Tiki cũng mua lại nền tảng phân phối vé sự kiện trực tuyến Ticketbox. Còn Grab đang xây dựng quỹ đầu tư Grab Ventures để tìm kiếm hợp tác với các startup tham gia hệ sinh thái mở.

Vietjet, Grab và Swift247 công bố hợp tác vào tháng 8/2019.

Vietjet, Grab và Swift247 công bố hợp tác vào tháng 8/2019.

Thế giới cũng đã chứng kiến cái bắt tay của những "David và Goliath". Trong đó, tập đoàn Intel có thể coi là "gã khổng lồ" nhận ra xu hướng này sớm nhất khi thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp Intel Capital hoạt động độc lập, tập trung vào những startup có vai trò chiến lược với Intel trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh, điện toán đám mây, xe tự hành, kết nối 5G, thực tế ảo, thực tế tăng cường, IoT... Đến nay, Intel Capital đã đầu tư 12,3 tỷ USD vào hơn 1.530 công ty phần chữ kí trong email gửi ra bên ngoài.

Các startup trong danh mục đầu tư độc lập về quyết định và đáp ứng cả mục tiêu tài chính lẫn mục tiêu chiến lược của Intel. Có những startup phát triển sản phẩm bổ sung như video, âm thanh, phần cứng đồ họa, phần mềm vốn cần chip xử lý mạnh - với mục đích tăng nhu cầu thị trường đối với chip Intel.

Bên cạnh đó còn có Google Ventures thành lập năm 2009 - một nhánh đầu tư mạo hiểm của tập đoàn Alphabet. Quỹ đầu tư trực thuộc doanh nghiệp này đã rót vốn vào hơn 300 công ty trong các lĩnh vực khoa học, y tế, trí tuệ nhân tạo, robotics, bảo mật, nông nghiệp. Một quỹ đầu tư lớn khác là Qualcomm Ventures thành lập năm 2000 nhắm đến các startup giai đoạn đầu trong lĩnh vực di động và không dây, tự động hóa, IoT, y tế số... Standard Chartered Bank ra mắt SC Ventures nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hợp tác và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về fintech và tái thiết mô hình kinh doanh.

Tại Trung Quốc, ba tập đoàn công nghệ lớn nhất hiện tại là Baidu, Alibaba và Tencent là ba nhà đầu tư lớn trong cộng đồng khởi nghiệp. Trong khi đó tại Nhật Bản, hai tên tuổi quen thuộc là Softbank với Vision Fund có tổng quy mô quỹ đầu tư lên đến 100 tỷ USD. Những startup "kỳ lân" như Grab, Slack... tại Đông Nam Á cũng đã lập quỹ đầu tư để xây dựng hệ sinh thái xung quanh lĩnh vực cốt lõi. 

Xu hướng khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, xây dựng nền tảng kết nối, hướng đến hệ sinh thái mở đang chiếm ưu thế. Bằng công nghệ, các startup đã tạo ra những giải pháp thúc đẩy bán hàng và kết nối người bán - người mua, hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển. Nhất là khi những "siêu ứng dụng" như Grab hay những hệ sinh thái mở như Tiki sẵn sàng bắt tay hợp tác để gia tăng quy mô hệ sinh thái dịch vụ của mình.

Những bài toán về lợi ích, chiến lược, tăng trưởng... xoay quanh cơ hội hợp tác giữa startup và các "siêu ứng dụng" sẽ là nội dung chính trong hội thảo "Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng triệu đô" do Báo VnExpress tổ chức sáng ngày 31/10 tại Dreamplex Co-working Space, Bình Thạnh, TP HCM.

Độc giả đăng ký tại đây.

Các nhà đầu tư và chuyên gia từ Grab, EY, Swiss EP, VinID, NBN Media, Datamart, Swift247, Powersell... cũng sẽ cung cấp góc nhìn đa chiều về mối quan hệ giữa startup và các siêu ứng dụng.

Các diễn giả tham gia workshop Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng triệu đô.

Các diễn giả tham gia workshop "Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng triệu đô".

Workshop được kỳ vọng cung cấp các xu hướng phát triển siêu ứng dụng tại Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó startup có thể nhận diện cơ hội và thách thức khi tham gia vào các lĩnh vực đang hấp dẫn trong các hệ sinh thái siêu ứng dụng. Từ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data), marketing, logistics... Cùng với đó là những cơ hội và chiến lược hợp tác với "người khổng lồ" siêu ứng dụng tại Đông Nam Á. Ngoài ra, các nhà đầu tư và chuyên gia từ ESP Capital, EY... cũng sẽ cung cấp góc nhìn đa chiều về mối quan hệ giữa startup và các siêu ứng dụng.

Cũng tại sự kiện, Startup Việt 2019 sẽ công bố Top 25 bước tiếp vào vòng thuyết trình dự án trước hội đồng chuyên môn.

Với chủ đề "Hành trình tìm kiếm kỳ lân", Startup Việt 2019 chú trọng khả năng vươn ra thị trường quốc tế của các đội thi. Nhằm tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chương trình thay đổi và bổ sung nhiều hoạt động tập trung vào mục tiêu giúp các startup đủ tự tin và năng lực hướng đến sân chơi nước ngoài. Trong đó có các hoạt động như hội thảo chuyên đề, buổi gặp mặt trực tiếp với các nhà đầu tư, chương trình huấn luyện đào tạo chuyên sâu dành cho startup.

Startup Việt 2019 mời các tên tuổi lớn trong cộng đồng khởi nghiệp tham gia hội đồng chuyên môn. Trong đó có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki. 

Chương trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như Tiki, Grab, IMAP, Sun* Startup, LG, AIM, Zone Startups Việt Nam...

Khánh Anh

Startup chọn cách bắt tay ông lớn   - 2