Hủy
StartUp 2019 Thứ bảy, 28/9/2019, 19:00 (GMT+7)

Startup Việt trao đổi kinh nghiệm mở rộng thị trường

 40 đội thi Startup Việt 2019 gặp nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp thành đạt để thảo luận kinh nghiệm "xuất ngoại", trong sự kiện 28/9 tại TP HCM.

Trong ngày đầu của hoạt động đào tạo bootcamp thuộc khuôn khổ Startup Việt 2019, các startup đã có hai buổi thảo luận sôi nổi về cách thức xây dựng lộ trình vươn ra thị trường nước ngoài. Trong cuộc thảo luận với bà Ngô Quỳnh Anh - Giám đốc chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Swiss EP Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Grab Financial Việt Nam cho rằng "go global" là con đường các startup phải đi chứ không phải là một sự lựa chọn.

"Giống như các bạn nếu đi làm công ăn lương cũng muốn lương thưởng ngày càng tăng, phạm vi công việc ngày càng mở rộng, năng lực phát triển; thì startup của các bạn cũng cần phải lớn mạnh chứ không thể khoanh vùng thị trường rồi đến khi chạm đến đường biên giới hạn là dừng lại", ông Nguyễn Tuấn Anh ví dụ.

Khi đã xác định sẽ vươn ra thị trường ngoại, đại diện Grab khuyên startup trả lời các câu hỏi thị trường nào sẽ khai thác đầu tiên, thị trường nào bản thân người sáng lập hiểu rõ và dễ thành công nhất. Bên cạnh đó một trong những thách thức lớn nhất là tìm đối tác đồng hành. Grab chia sẻ đã có những bài học đau thương trên thị trường về việc startup không tìm được người điều hành tại các thị trường mới, dẫn đến biến động và bất ổn về nhân sự.

"Có người tốt sẽ làm được việc. Khi giải quyết được chuyện con người thì mọi chuyện khác giải quyết được hết", đại diện Grab khẳng định.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Grab Financial Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Grab Financial Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chủ đề chinh phục thị trường quốc tế cũng là câu chuyện chính trong phiên thảo luận giữa "bà đỡ" Đoàn Kiều My - Sáng lập tổ chức kết nối nhà đầu tư ngoại - startup Việt YellowBlocks với các doanh nhân khởi nghiệp thành công. Bà Đoàn Kiều My đặt vấn đề các startup nên chinh phục thị trường địa phương hay nên thiết lập tầm nhìn toàn cầu trước tiên.

Ông Kevin Tùng Nguyễn - Sáng lập kiêm CEO Jobhop cho rằng nên bắt đầu từ thị trường mà mình hiểu rõ nhất và từng bước thận trọng chinh phục thị trường ngoại. Việc "xuất ngoại" quá nhanh, quá sớm là con dao hai lưỡi có thể khiến doanh nghiệp điêu đứng nếu không làm chủ được tình hình.

Bà Đoàn Kiều My và ông David Yang từ YellowBlocks, ông Ronald Le từ Hawking Instamo và ông Kevin Tùng Nguyễn đại diện Jobhop (từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường, chinh phục nhà đầu tư. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bà Đoàn Kiều My và ông David Yang từ YellowBlocks, ông Ronald Le từ Hawking Instamo và ông Kevin Tùng Nguyễn đại diện Jobhop (từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường, chinh phục nhà đầu tư. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong khi đó ông Ronald Lê - Đồng sáng lập kiêm CEO Hawking Instamo nói việc tiến ra thị trường ngoài vào lúc nào là phù hợp còn tùy mô hình kinh doanh. Còn ông David Yang - Cố vấn cấp cao tại YellowBlocks đồng thời là nhà đầu tư thiên thần cung cấp những lời khuyên cho startup khi tiếp xúc với nhà đầu tư. Ông cho rằng sản phẩm chỉ là thứ yếu, nhà đầu tư sẽ chủ yếu quan tâm đến tầm nhìn và năng lực của nhà sáng lập. 

"Ngoài ra trong quá trình phát triển sẽ có rất nhiều trở ngại, trong 100 người thì có khi chỉ có duy nhất một người tin tưởng mình. Không sao, chúng ta cần tạo niềm tin ở chính người duy nhất đó thôi", ông David động viên.

Bên cạnh đó startup cũng cần chú ý xây dựng tính năng sản phẩm dễ sử dụng, thân thiện với người dùng, đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết nhất mà người dùng đang gặp phải. Khi đã có sản phẩm tốt cần có đội ngũ vận hành trơn tru, ổn định, hỗ trợ tốt cho công tác tiếp thị, quảng bá, điều phối hoạt động nội bộ, theo ông David Lang.

Câu chuyện tìm kiếm và lựa chọn đồng sáng lập cũng được đề cập trong buổi thảo luận. Ông Kevin Tùng Nguyễn nhấn mạnh startup nên phân định rõ ai là nhà sáng lập, ai là người làm thuê. Đây là câu chuyện tế nhị nhưng cần làm rõ trên tinh thần "mất lòng trước, đặng lòng sau".

"Đừng nghe ai nói rằng 'thôi, tôi không có tiền nhưng có kinh nghiệm, tôi sẽ làm chung với anh'. Trong tình huống đó, nhân vật này có thể phụ trách một bộ phận và nhận lương của startup, tuyệt đối không phải là co-founder", ông Kevin lưu ý.

Các startup chia thành nhóm thảo luận mô hình kinh doanh, cách thức phát triển thị trường và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ảnh: Thành Nguyễn.

Các startup chia thành nhóm thảo luận mô hình kinh doanh, cách thức phát triển thị trường và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhờ nội dung cấp thiết với startup và không khí trò chuyện sôi nổi, buổi thảo luận thu hút nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện và nêu ý kiến, thắc mắc. Đại diện startup nền tảng thương mại điện tử cho hoa tươi Xinh Tươi Online hỏi về cách đặt tên cho doanh nghiệp, nên đặt tên dễ đọc, dễ nhớ với người Việt trước hay hướng đến người dùng toàn cầu ngay từ đầu.

Câu hỏi tưởng chừng là vấn đề nhỏ nhặt nhưng thu hút những ý kiến khác nhau. Ông Kevin Tùng Nguyễn quan niệm "tiền kiếm được ở đâu thì tập trung quảng bá thương hiệu cho thị trường đó". Còn ông David Lang cho rằng nếu nghĩ được tên tốt, ý nghĩa và dễ nhớ ngay từ đầu thì tốt nhưng nếu không thì hoàn toàn có thể thay đổi về sau. Điển hình là câu chuyện đổi tên của Google thành Alphabet.

11h30, không khí hào hứng và tập trung vẫn tiếp diễn khi các diễn giả và startup trực tiếp "mổ xẻ" hai phiên thuyết trình gọi vốn thử nghiệm của IURA và Thinsulin. Diễn giả đã có góp ý thẳng thắn về cách trình bày, cấu trúc nội dung bài thuyết trình và những điều nên, không nên làm khi startup gặp gỡ nhà đầu tư thực tế về sau. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Sun* Startup cũng cung cấp những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm, dịch vụ giữ chân khách hàng. 

Chương trình tiếp nối vào lúc 13h30 với phiên chia sẻ khiến hội trường rộ tiếng cười do bà Nguyễn Thị Hoa - Sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ IMAP Việt Nam điều phối. Nữ doanh nhân 8x cung cấp những kỹ năng điều chỉnh giọng nói và ngôn ngữ hình thể, tạo phong thái đáng tin cậy khi các doanh nhân khởi nghiệp đứng trước nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ IMAP Việt Nam chia sẻ kỹ thuật kiểm soát giọng nói, ngôn ngữ hình thể để thuyết trình chạm đến cảm xúc của người nghe. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ IMAP Việt Nam chia sẻ kỹ thuật kiểm soát giọng nói, ngôn ngữ hình thể để thuyết trình "chạm" đến cảm xúc của người nghe. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thời gian còn lại của buổi chiều dành cho các cố vấn khởi nghiệp trực tiếp tham gia làm việc nhóm với các startup, phân tích từng trường hợp để hướng dẫn startup phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và trước hết là chuẩn bị bài thuyết trình hiệu quả trước nhà đầu tư.

Bà Mandy Nguyễn - Giám đốc phát triển hệ sinh thái của SVF - đối tác đào tạo, đồng thời là đơn vị xây dựng nội dung chương trình bootcamp của Startup Việt 2019, tổ chức đồng hành khởi nghiệp quen thuộc tại Việt Nam cho biết, thông qua những chia sẻ và trao đổi của nhà đầu tư cũng như những doanh nhân nhiều kinh nghiệm hơn, chương trình kỳ vọng cung cấp thông tin, kinh nghiệm và những tư vấn cụ thể giúp startup hoạch định lộ trình phát triển phù hợp.

Hoạt động sẽ tiếp tục vào ngày 29/9 tại không gian làm việc chung CirCO, quận 4, TP HCM. Hai buổi chia sẻ sẽ mang đến góc nhìn của nhà đầu tư và diễn đàn để các startup trực tiếp thuyết trình và đúc kết kinh nghiệm. Đây cũng là cơ sở đánh giá để hội đồng chuyên môn của Startup Việt 2019 gạn lọc Top 25 đi tiếp ở vòng trong.

Minh Anh

Startup Việt trao đổi kinh nghiệm mở rộng thị trường - 4