Hủy
StartUp 2020 Thứ năm, 12/11/2020, 17:12 (GMT+7)

Top 15 Startup Việt 2020 thuyết trình trước hội đồng giám khảo

Ban giám khảo đánh giá sản phẩm của top 15 Startup Việt 2020 có hàm lượng công nghệ cao, giải quyết vấn đề thực tiễn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cộng đồng.

Buổi thuyết trình top 15 chương trình Startup Việt 2020 diễn ra ngày 11/11 tại Báo VnExpress. Mỗi startup có 10 phút trình bày và thuyết phục hội đồng chuyên môn về mô hình kinh doanh, chiến lược... để có cơ hội lọt tiếp vào top 5 và tham gia Gala chung kết Startup Việt 2020.

Ứng dụng công nghệ chiếm đa số

Các đội thuyết trình top 15 gồm Novaon, MiSmart, Nextify, Jobbox, CNV Loyalty, Petkix - 360 Dog Camera, Biostrarch, Nara, Drone Pro, Tép Bạc, Miss Ede, Widdy, Cohota, Lookme và NhiemVu. Trong đó hơn 12 startup ứng dụng phần mềm công nghệ để phát triển nền tảng kết nối tuyển dụng, giáo dục, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, xây dựng..., hai startup sản xuất hàng tiêu dùng (bao bì) và thực phẩm (cà phê và chocolate), một startup sản xuất phần cứng.

Hội đồng giám khảo gồm ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT, bà Lê Diệp Kiều Trang - nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, ông Richard Triều Phạm - Phó tổng giám đốc tài chính Tiki và ông Lương Văn Thường - Trưởng phòng Phòng Khởi nghiệp sáng tạo, Cục Phát triển thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mở đầu là phần trình bày của công ty NovaonX thuộc lĩnh vực thương mại điện tử. Startup này thành lập năm 2018, do tập đoàn Novaon đầu tư, mang đến các giải pháp giúp người dùng tự động hóa quy trình tiếp thị bán hàng và gia tăng chuyển đổi trên các mạng xã hội. Trong phần hỏi đáp, hội đồng chuyên môn quan tâm về tính khác biệt trong mô hình kinh doanh, hàm lượng công nghệ sử dụng trong các sản phẩm của doanh nghiệp.

Tiếp theo đó là phần thuyết phục ban giám khảo của đại diện Nextify. Đây là nền tảng marketing tự động, dựa trên Wi-Fi để thu thập dữ liệu của khách hàng, giúp chủ doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, đo lường và tối ưu quảng cáo. Startup này hướng đến chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh offline. Với Nextify, hội đồng quan tâm đến nguồn thu nhập, tính thực tiễn và con đường đi dài hạn của startup khi xu hướng kinh doanh online đang ngày càng nở rộ.

Hội đồng chuyên môn đánh giá phần thuyết trình của các startup. Ảnh: Hữu Khoa.

Hội đồng chuyên môn đánh giá phần thuyết trình của các startup. Ảnh: Hữu Khoa.

Cũng đi theo mô hình ứng dụng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, startup CNV Loyalty mang đến bài thuyết trình những con số ấn tượng về doanh thu, số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ cũng như nguồn vốn tài trợ lớn đã nhận từ Shark Nguyễn Hòa Bình. Chia sẻ về mục tiêu, đại diện CNV Loyalty cho biết startup sẽ dẫn đầu về nền tảng này tại Việt Nam trong năm 2021 và mở rộng thị trường ra Philippine năm 2022.

Nhận xét về phần thuyết trình của CNV Loyalty, hội đồng cho rằng starup nên cân nhắc tính lâu dài và khả năng kéo người dùng khi cạnh tranh với các siêu ứng dụng (super-app). Theo hội đồng chuyên môn, xu hướng siêu ứng dụng sỡ dĩ được đón nhận không chỉ nhờ tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, mà đó còn là xu hướng chung của thế giới. Do đó, việc đi ngược lại với xu thê chung, tạo ra một ứng dụng riêng lẻ trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng của CNV Loyalty có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai.

Đại diện CNV Loyalty thuyết trình về mô hình, chiến lược kinh doanh của công ty. Ảnh: Hữu Khoa.

Đại diện CNV Loyalty thuyết trình về mô hình, chiến lược kinh doanh của công ty. Ảnh: Hữu Khoa.

Tương tự, các phần trình bày của đại diện đến từ nền tảng kết nối tuyển dụng Jobbox, ứng dụng đọc sách Nara, Widdy - nền tảng phân phối xe ôtô hay của NhiemVu - nền tảng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng... cũng thu hút sự quan tâm của hội đồng chuyên môn. Theo đó, hội đồng chất vấn đại diện các đơn vị những vấn đề xoay quanh tầm nhìn, chiến lược dài hạn thay vì chỉ dừng lại ở việc tạo ra một ứng dụng. Hội đồng cũng nhìn nhận các đội thi năm nay có hàm lượng công nghệ cao, phát minh ra những sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

"Một vài startup hôm nay đang mong muốn mình trở thành ứng dụng siêu sao nhưng lại chưa vạch được con đường phát triển lâu dài cũng như chiến lược thu hút người dùng sau khi tạo ra ứng dụng", bà Lê Diệp Kiều Trang - nhà sáng lập của quỹ đầu tư Alabaster đánh giá.

Startup hướng đến phát triển bền vững được đánh giá cao

Trong 15 bài thuyết trình, hội đồng có sự quan tâm và đánh giá cao các startup có sản phẩm mang tính thực tiễn cao, đem lại giá trị bền vững cho cộng đồng. Trong đó, nổi bật là sản phẩm bao bì sinh học làm từ bột củ sắn của Biostrarch. Theo đại diện startup này, hạt nhựa sinh học của doanh nghiệp có thành phần chính là tinh bột củ sắn và nhựa nguyên sinh nguồn gốc dầu mỏ dùng trong sản xuất bao bì thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm giúp giảm lượng nhựa gốc dầu mỏ trong sản xuất, thời gian phân hủy ngắn dưới tác động của vi khuẩn và quá trình khoáng hóa, giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Bà Lê Diệp Kiều Trang  - nhà sáng lập của quỹ đầu tư Alabaster trao đổi về sản phẩm bao bì nhựa sinh học với đại diện startup Biostrarch. Ảnh: Hữu Khoa.

Bà Lê Diệp Kiều Trang - nhà sáng lập của quỹ đầu tư Alabaster trao đổi về sản phẩm bao bì nhựa sinh học với đại diện startup Biostrarch. Ảnh: Hữu Khoa.

Phát triển sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, MiSmart cũng nhận đánh giá tích cực từ hội đồng chuyên môn. Startup này mang đến giải pháp công nghệ sử dụng máy bay không người lái (drone) bay trên các cánh đồng hoa màu, chụp ảnh các khu vực bị sâu hại và chuyển dữ liệu về máy chủ phân tích hình ảnh. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh và chính chiếc máy bay không người lái này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Khi thu hoạch thì phần ruộng đã bị phun thuốc được đánh dấu và bỏ ra. Theo đại diện MiSmart, giải pháp giúp người nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp đồng thời giảm được lượng thuốc trừ sâu phun lên cây trồng, từ đó đem đến sản phẩm nông sản sạch hơn cho người tiêu dùng.

Trong buổi thuyết trình, hội đồng chuyên môn còn thưởng thức trực tiếp sản phẩm cà phê và chocolate sạch đến từ startup Miss Ede. Đại diện startup này cho biết đội ngũ mong muốn tạo ra sản phẩm cà phê và chocolate "made in Việt Nam" chất lượng sạch, cao cấp và đạt chuẩn ra thị trường quốc tế. Theo đó, bên cạnh chất lượng, nguồn nguyên liệu sạch, thiết kế bao bì in hình cô gái Ê đê mặc trang phục truyền thống cũng là sự khác biệt của sản phẩm về mặt hình ảnh, nhằm lan tỏa văn hóa và vẻ đẹp của nông sản cũng như con người Tây Nguyên đến bạn bè quốc tế.

Đại diện startup cũng chia sẻ doanh nghiệp chịu tổn thất nặng do ảnh hưởng của Covid-19 trong cả hai đợt. Ngay từ khi ra mắt, sản phẩm hướng đến khách hàng là du khách nước ngoài thông qua việc bán hàng tại hệ thống cửa hàng, siêu thị tiện lợi tại các địa phương phát triển du lịch. Dịch bệnh khiến lượng du khách sụt giảm đồng nghĩa doanh thu của startup cũng giảm theo. Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cả hội đồng đều cho rằng Miss Ede nên mạnh dạn chuyển đổi mô hình, bắt đầu kinh doanh sản phẩm trên nền tảng online, điều này vẫn đảm bảo được doanh thu cho startup đồng thời hướng đến đúng tệp khách hàng quốc tế như mục tiêu và kỳ vọng của đội ngũ sáng lập.

Sau thuyết trình top 15, hội đồng chuyên môn và ban tổ chức sẽ chọn ra top 5 để đi tiếp vào vòng chung kết Startup Việt 2020. Gala chung kết dự kiến diễn ra vào tháng 12 với nhiều phiên thảo luận, đối thoại 1-1 giữa hàng loạt chuyên gia, nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư về thách thức, cơ hội của cộng đồng khởi nghiệp Việt trong thời đại "bình thường mới". Các nhà điều hành cấp cao của Winsan, Gojek và Tiki cũng đồng hành cùng Startup Việt 2020 để chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào startup tiềm năng.

Với chủ đề "The New Normal", Startup Việt 2020 quy tụ các tên tuổi lớn trong cộng đồng khởi nghiệp tham gia hội đồng chuyên môn. Với nhiều đổi mới trong hình thức tổ chức để thích nghi với "bình thường mới", chương trình Startup Việt 2020 kỳ vọng gắn kết cộng đồng startup trong một thời kỳ nhiều biến động để không ngừng phát triển các giải pháp, dịch vụ, sản phẩm giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Hà Thanh

Top 15 Startup Việt 2020 thuyết trình trước hội đồng giám khảo - 6