Hủy
StartUp 2020 Thứ tư, 7/10/2020, 14:59 (GMT+7)

Top 50 Startup Việt 2020 trình bày chiến lược kinh doanh

Startup Việt 2020 tổ chức vòng trình bày kế hoạch kinh doanh cho top 50 vào ngày 5-6/10 tại tòa soạn VnExpress ở Hà Nội và TP HCM.

Trong tổng số 50 startup tham gia chương trình có 33 đội tại TP HCM và 17 đội ở Hà Nội. Mỗi startup có 15 phút để trình bày bản kế hoạch gọi vốn (pitch-deck) trước ống kính máy quay. Các phần trình bày này được ghi hình và gửi đến hội đồng chuyên môn để chấm điểm chọn ra top 15 Startup Việt 2020.

Lần đầu tiên Startup Việt tổ chức thuyết trình chiến lược kinh doanh trước máy quay. Ảnh: Khánh Hoàng.

Lần đầu tiên Startup Việt tổ chức thuyết trình chiến lược kinh doanh trước máy quay. Ảnh: Khánh Hoàng.

Theo đánh giá chung của ban tổ chức chương trình, đa số các đội thi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài pitch - deck và nỗ lực tận dụng 15 phút trình bày để nhấn mạnh năng lực của startup về phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh, tiềm lực thị trường, mô hình sản phẩm - thị trường... Năm nay, top 50 tiếp tục ghi nhận cuộc đua của các startup sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu cốt lõi của người dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thích nghi với "bình thường mới"

Theo chủ đề "The New Normal - Thời đại bình thường mới", chuỗi hoạt động của Startup Việt năm nay bắt kịp xu hướng chuyển từ offline sang online và hoạt động thuyết trình trước máy quay thể hiện rõ nét xu hướng này. Theo ghi nhận của chương trình, các startup đều nỗ lực thích ứng với hình thức mới vì so với việc đứng trước một hội đồng chuyên môn, trình bày trước máy quay đòi hỏi sự chủ động và tự tin hơn.

Tại Hà Nội, là một trong những đại diện trẻ nhất trong số các startup, ông Phạm Đặng Hồng Sơn, CEO của Techainer cho biết, việc chuẩn bị và trình bày cho pitch - deck khá áp lực do bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm.

"Tuy nhiên vì là người trẻ, hiểu và đam mê với sản phẩm, phần nào 'điếc không sợ súng' nên may mắn phần thuyết trình cũng đã diễn ra suôn sẻ hơn so với kỳ vọng", Hồng Sơn chia sẻ.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, đại diện startup Devwork thuyết trình tại Hà Nội. Ảnh: Cao Tuấn.

Bà Trần Thị Thanh Thủy - COO Nền tảng tuyển dụng ngành IT Devwork. Ảnh: Cao Tuấn.

Tại TP HCM, dù đã tiến hành thuyết trình gọi vốn nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ông Trần Duy Phong, CEO của startup hỗ trợ nuôi trồng thủy sản Tép bạc, trình bày dự án trước máy quay.

"Hình thức này khó hơn so với đứng trước hội đồng chuyên môn vì đòi hỏi sự chủ động, tự điều tiết, chọn nội dung nhấn mạnh của người trình bày. Vượt qua được thử thách này, các startup sẽ tự tin hơn", ông Trần Duy Phong chia sẻ.

Bà Kim Oanh - CEO của ứng dụng về làm đẹp Lookme nhìn nhận khi đứng trước máy quay sẽ giúp tập trung hơn vào bài trình bày, giảm sự hồi hộp bởi phản ứng trực tiếp từ ban giám khảo.

Trước đó, để chuẩn bị cho hoạt động này, Startup Việt tổ chức huấn luyện trực tuyến cho top 50. Thông qua bốn nội dung video về chiến lược gọi vốn, các kiểm chứng thị trường - sản phẩm, hướng dẫn cách thiết kế bài pitching - deck, top 50 điều chỉnh bảng kế hoạch kinh doanh để thuyết trình trước máy quay. Đánh giá về giá trị của bốn nội dung huấn luyện, các startup đưa ra nhiều nhận định khách quan và nhiều góp ý cho chương trình.

Sau khi xem xong bốn nội dung huấn luyện, ông Trần Xuân Tú - đồng sáng lập startup mua bán vật liệu nội thất trực tuyến Thông Vàng và cộng sự đã thức đêm để chỉnh sửa và hoàn thiện bản thuyết trình gọi vốn.

"Các startup đa số đã nắm được những lý thuyết về việc gọi vốn nên cần những hướng dẫn 'thực chiến' như phần hướng dẫn về thị trường - sản phẩm của cô Catalina Catana từ ThinkZone. Nhờ bài hướng dẫn, chúng tôi tập trung nhấn mạnh tệp khách hàng và nhu cầu cốt lõi của họ trong phần trình bày của mình", ông Xuân Tú nói.

Cũng đánh giá về nội dung chương trình huấn luyện, ông Ngô Xuân Hòa, đại diện Oninfluencer cho biết, thông tin hướng dẫn của ban tổ chức khá chi tiết, giúp anh và đội ngũ có được một bản pitch - deck chuẩn, tối đa hóa hiệu quả các số liệu.

Một số startup cho rằng hình thức mới của phần đào tạo cung cấp thông tin hướng dẫn chi tiết song thiếu đi sự tương tác. Ông Lò Văn Minh - đại diện BBMC bày tỏ: "Tôi không thể hỏi trực tiếp huấn luyện viên xem một vấn đề cụ thể nên giải quyết như thế nào mà phải tự hiểu, tự xử lý, nên hiệu quả của vòng đào tạo cũng chưa được toàn diện", ông Văn Minh đánh giá.

Các startup nỗ lực thích nghi với cách thức tổ chức mới trong thời đại bình thường mới. Ảnh: Cao Tuấn.

Ông Lý Văn Kiêm - CEO Ứng dụng Số hoá Card Visit BeID. Ảnh: Cao Tuấn.

Trong khi đó, khi đang cùng lúc tham gia hai cuộc thi khởi nghiệp, ông Ryan Ho - CEO của startup I Shine, một dịch vụ vệ sinh giày dép cho rằng đến thời điểm này, ông đã quen dần với các hoạt động online và có phần đánh giá cao hình thức này hơn vì tiết kiệm thời gian di chuyển, đòi hỏi sự chủ động hơn cho người tham gia.

Kỳ vọng truyền thông thương hiệu tại Startup Việt 2020

Chia sẻ về việc quyết định tham gia cuộc thi khởi nghiệp giữa bối cảnh khó khăn Covid-19, nhiều nhà sáng lập cho rằng Startup Việt 2020 là một cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu, điểm nổi bật của mô hình kinh doanh đến người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Ông Lý Văn Kiêm, nhà sáng lập nền tảng BeID cho biết, một trong những lý do quan trọng thúc đẩy công ty quyết định tham gia là vì thi được tổ chức bởi VnExpress. Đây là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến các kênh truyền thông của báo, đồng thời cũng tạo điều kiện để tìm kiếm đối tác và các nhà đầu tư.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Phú, nhà sáng lập của CNV Loyalty cho rằng một cuộc thi do VnExpress tổ chức là "bảo chứng" của chất lượng và uy tín nên có giá trị truyền thông lớn đối với startup. Đồng thời, nhà sáng lập của CNV Loyalty cho rằng tham gia cuộc thi là một cơ hội lớn để gặp gỡ ban giám khảo chất lượng.

"Hội đồng chuyên môn năm nay có nhiều thành viên có kinh nghiệm trong việc phát triển những sản phẩm mới. Vì cũng là một mô hình mới nên CNV Loyalty mong muốn lắng nghe ý kiến của dàn giám khảo này để học hỏi, phát triển sản phẩm", ông Tuấn Phú nói.

Các startup tìm kiếm cơ hội truyền thông cho sản phẩm tại Startup Việt 2020. Ảnh: Cao Tuấn.

Ông Lò Văn Minh - CEO Nền tảng công nghệ booking nhân sự trong lĩnh vực sự kiện BBMC. Ảnh: Cao Tuấn.

Không đặt nặng vấn đề gọi đầu tư, Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập startup nông nghiệp sạch Miss Ede kỳ vọng được gặp gỡ các chuyên gia để nhận tư vấn điểm mạnh, điểm yếu cho startup, từ đó có hướng đi đúng đắn và mở rộng cơ hội cho startup trong tương lai.

"Gọi được đầu tư ngay trong cuộc thi thì rất tốt nhưng nếu không thì chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề này, quan trọng là được gặp gỡ các chuyên gia để lắng nghe kinh nghiệm và tư vấn của họ", Danh Hữu nói.

Sau phần ghi hình của top 50, Startup Việt 2020 sẽ tổ chức gửi các video thuyết trình mô hình kinh doanh đến hội đồng chuyên môn để thẩm định. Từ đánh giá của hội đồng chuyên môn, chương trình dự kiến công bố top 15 Startup Việt 2020 vào ngày 20/10.

Như Hà - Tuyết Anh - Phạm An - Thanh Thảo