Cento Ventures cho biết, các thương vụ có giá trị từ 100 triệu USD trở lên chiếm tỷ trọng lớn. Các thương vụ nhỏ có xu hướng được thực hiện thường xuyên hơn cũng là tín hiệu tích cực của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. Dung lượng đầu tư từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD mang về tổng quy mô đầu tư 1,1 tỷ USD năm 2020, tăng 26% so với năm 2019.
Khoảng 70% vốn đầu tư đổ vào Singapore - cái nôi của khởi nghiệp Đông Nam Á. Một nửa vốn đầu tư công nghệ được dành cho các siêu ứng dụng và các nhà bán lẻ trực tuyến. Những lĩnh vực mới cũng chứng kiến quy mô đầu tư tăng lên bao gồm thanh toán, logistics và dịch vụ địa phương.
Singapore và Indonesia vẫn là 2 cái tên dẫn đầu về khởi nghiệp. Việt Nam hiện vươn lên đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Trong đó, có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư, bao gồm 12 thương vụ công nghệ tài chính tổng cộng 61,2 triệu USD; 8 thương vụ thương mại điện tử, tổng cộng 143,85 triệu USD; 6 thương vụ quản trị nguồn nhân lực 36,88 triệu USD.
Dmitry Levit, đối tác của Cento Ventures, ghi nhận đầu tư để chuyển đổi số hóa trong ngành bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ tài chính và logistics ở Đông Nam Á tăng vọt. "Chúng tôi dự báo sẽ có thêm nhiều ngành đi theo xu hướng đầu tư cho chuyển đổi số hóa trong năm 2021 và 2022", ông này nói.
Covid-19 hầu như không làm giảm sức hút của các startup công nghệ trong khu vực. Tháng 1/2021, một công ty công nghệ tài chính của Grab đã huy động thành công hơn 300 triệu đôla từ một nhóm nhà đầu tư do Công ty quản lý tài sản Hanwha Asset Management (Hàn Quốc) dẫn đầu. Kỳ lân này đang lên kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết ở Mỹ trong năm nay.
Trong khi đó, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến cũng bùng nổ nhờ lệnh hạn chế di chuyển ở hầu hết các quốc gia. Hơn 4 tỷ USD trong khu vực chảy vào các siêu ứng dụng và nền tảng bán lẻ trực tuyến trong năm ngoái.
Thành Dương (theo TechInAsia)