Hủy
Xu hướng Thứ bảy, 12/12/2020, 11:36 (GMT+7)

Các nền tảng học trực tuyến ASEAN mở rộng nhờ Covid-19

Các công ty khởi nghiệp lĩnh vực Edtech Đông Nam Á mở rộng quy mô vì tỷ lệ người học tăng nhanh.

Theo Nikkei Asia, lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục) đang ngày càng phát triển, vì sự an toàn, người dân có xu hướng chuyển sang học trực tuyến trong Covid-19. Một báo cáo công bố vào tháng 11 bởi Google, Temasek và công ty tư vấn Bain and Company cho biết, đại dịch đẩy mạnh sự phát triển của giáo dục trực tuyến. Minh chứng là số lượt cài đặt các ứng dụng dạy học trong khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp ba lần, từ 6 triệu lên 20 triệu (từ tháng 8/2019 đến cuối tháng 11/2020).

Người học sử dụng dụng ứng dụng của OpenDurianmong Thái Lan. Ảnh: Nikkei.

Người học sử dụng dụng ứng dụng của OpenDurianmong Thái Lan. Ảnh: Nikkei.

Tại Thái Lan, Công ty khởi nghiệp OpenDurian cũng chạy theo xu hướng Edtech bùng nổ với mong muốn tạo ra việc học có ý nghĩa. Nhờ nỗ lực này, OpenDurian được công ty tư vấn Frost và Sullivan dự báo doanh thu hơn 40,9 tỷ USD vào năm 2022. OpenDurian cung cấp các bài học tiếng Anh, với hình ảnh động, màu sắc tươi sáng trong video nhằm thu hút người học.

Chula Pittayapinan, đồng sáng lập OpenDurian chia sẻ: "Edtech hay bất kỳ loại hình công nghệ nào, sẽ không bao giờ có thể thay thế giáo viên đứng lớp. Nó chỉ giúp các thầy cô không phải lặp đi lặp lại một số công việc hằng ngày".

Ngoài tiếng Anh, nền tảng này cũng có các môn học khác như Toán và Sinh học. Tài liệu học tập cung cấp miễn phí, nhưng người dùng cũng sẽ cần phải trả một phần phí nếu muốn sử dụng đầy đủ các tài nguyên giáo dục trực tuyến khác.

Thành lập vào năm 2013, công ty đã thu hút hơn 5 triệu người dùng nói tiếng Thái vào năm ngoái, tạo ra doanh thu hơn 2,2 triệu đôla. Khách hàng chủ yếu của nền tảng này là sinh viên đại học và những người đang bắt đầu đi tìm việc làm.

Amitabh Jhingan, đối tác tại công ty tư vấn chiến lược giáo dục EY-Parthenon cho biết những người làm Edtech có thể tạo ra sân chơi bình đẳng với các lớp học truyền thống. "Edtech cho phép việc học diễn ra theo cách thuận tiện hơn nhiều, tức là mọi người có thể thực sự học ở nhà", Amitabh nói.

Chi phí thấp cũng là điểm mạnh của hình thức học trực tuyến vì không cần lớp học hay giáo viên. Internet đưa kiến thức đến gần hơn với học sinh, dễ dàng và không bị gò bó bởi không gian.

"Rất nhiều người lựa chọn việc học trực tuyến bởi họ là những sinh viên không có khả năng đến các trung tâm hoặc lớp học thêm tại trường. Thực tế này đang diễn ra tại Đông Nam Á sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ", Amitabh nhấn mạnh.

Biểu đồ thống kê tỷ lệ người học trực tuyến qua 2 năm.

Biểu đồ thống kê các app học trực tuyến tăng cao trong năm 2020. Ảnh: Nikkei.

Stormbreaker và một công ty làm trong lĩnh vực Edtech khác là EduSpaze của Singapore, đang hợp tác để giúp các công ty khởi nghiệp mở rộng quy mô hơn nữa trong khu vực. Với sự hỗ trợ từ Enterprise Singapore (Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp Singapore) EduSpaze ra mắt vào năm ngoái và đang kêu gọi các công ty khởi nghiệp về Edtech đăng ký chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

LingoAce có trụ sở tại Singapore cũng là một công ty Edtech cung cấp nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến, với mục tiêu mở rộng ra quốc tế. Công ty công bố kế hoạch mở rộng sang Indonesia hồi tháng 11 và thuê hơn 500 nhân viên địa phương để phục vụ 200.000 sinh viên đã đăng ký tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vào năm 2022. Sản phẩm đầu tiên của họ cho thị trường này là các bài học tiếng Quan Thoại trực tuyến.

"Chúng tôi tin rằng các lớp học ngôn ngữ trực tuyến xuyên biên giới không chỉ kết nối sinh viên Indonesia với giáo viên bản ngữ nói tiếng Quan Thoại có kinh nghiệm. Chúng tôi muốn mở rộng quy mô nền tảng của chúng tôi để mang lại lợi ích cho nhiều người Indonesia, Hugh Yao, người sáng lập, Giám đốc điều hành của LingoAce cho biết.

Các công ty khởi nghiệp Edtech đã thu hút các nhà đầu tư. Sự mở rộng của LingoAce sang Indonesia diễn ra khi họ khoản huy động 6 triệu USD từ Sequoia Capital India (Ấn Độ) và Shunwei Capital (Trung Quốc).

Công ty khởi nghiệp Tenopy có trụ sở tại Singapore, chuyên tổ chức các hội thảo học tập trực tuyến cũng huy động hơn 1,5 triệu USD Singapore (1,1 triệu USD) từ ba quỹ đầu tư mạo hiểm ở quê nhà, Trung Quốc và Nhật Bản.

Soh Chong Kian, người sáng lập, Giám đốc điều hành của công ty cho biết: "Đại dịch đã khiến số hóa trở thành một tiêu chuẩn mới và thúc đẩy việc áp dụng E-learning. Đi kèm với đó là hiệu quả, khả năng tiếp cận dễ dàng với đội ngũ giáo viên chất lượng cao, hay tính tương tác tốt và chi phí thấp".

Thành Dương (theo Nikkei Asia)