Hủy
Xu hướng Thứ tư, 14/10/2020, 07:00 (GMT+7)

eDoctor bắt tay Phano Pharmacy bán thuốc trực tuyến

Người dùng có thể mua thuốc trực tuyến của Phano Pharmacy thông qua tính năng "Nhà thuốc" trên ứng dụng di động eDoctor hoặc website.

Ngoài mua theo yêu cầu, khách hàng cũng có thể chụp ảnh toa thuốc tải lên cho hệ thống xử lý. Các loại thuốc phân chia theo các danh mục chính: dụng cụ y tế, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thuốc đông y, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.

Đại diện Phano Pharmacy cho biết, sau khi chọn lựa, cung cấp thông tin nhận hàng và xác nhận mua hàng, khách hàng sẽ nhận cuộc gọi xác nhận và được dược sĩ tư vấn. Dịch vụ bán thuốc trực tuyến này bước đầu sẽ phục vụ người dùng ở các tỉnh thành có cửa hàng của Phano Pharmacy như TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Cà Mau. Riêng tại TP HCM với độ phủ rộng, hệ thống nhà thuốc cam kết giao hàng trong vòng hai giờ.

Đại diện Phano và eDoctor kí kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Phano.

Đại diện Phano và eDoctor kí kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Phano.

Ứng dụng eDoctor vừa nhận khoản đầu tư 700.000 USD từ chương trình Shark Tank và hiện có gần 300.000 người dùng. Startup này đặt mục tiêu trở thành nền tảng và ứng dụng di động hàng đầu kết nối các nhà cung cấp với khách hàng trên cùng một hệ sinh thái y tế và chăm sóc sức khỏe. Doanh thu 6 tháng đầu năm của eDoctor khoảng 10 tỷ đồng, lợi nhuận biên 30%

Trong khi đó, hệ thống chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacy thành lập năm 2007 bởi đội ngũ các chuyên gia trong ngành dược và là một trong những hệ thống nhà thuốc tiên phong đạt chuẩn GPP, GSP và GDP. Đến nay chuỗi cung cấp hơn 10.000 mã sản phẩm như thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm qua hệ thống hơn 50 cửa hàng trên cả nước.

Mong muốn bắt kịp xu thế chuyển đổi số, Phano đã chạy thử nghiệm nhà thuốc trực tuyến Phanolink kể từ năm 2018. Giai đoạn đại dịch Covid-19, công ty càng đẩy mạnh dịch chuyển online theo hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2020 được công ty nghiên cứu BMI ước tính quy mô 7,1 tỷ USD với mức tăng trưởng 10% hàng năm giai đoạn 2017-2020. Dự báo đến năm 2024 thị trường sẽ đạt 9,2 tỉ USD và năm 2029 lên 11,5 tỉ USD. Hai kênh phân phối dược chính tại Việt Nam là kênh bệnh viện (70%) và kênh nhà thuốc (30%) với xấp xỉ 60.000 nhà thuốc trên cả nước.

Thành Dương