Theo TechInAsia, Việt Nam là thị trường đầu tiên Kredivo chọn sau khi mở rộng ra ngoài Indonesia. Công ty con mới thành lập có tên Kredivo Vietnam Joint Stock Company là sự hợp tác giữa Kredivo với một công ty tài chính của Việt Nam là VietCredit.
Thời gian đầu, Kredivo sẽ chỉ triển khai các tính năng thanh toán hóa đơn và khoản vay cá nhân tại Việt Nam trước khi dự kiến ra mắt dịch vụ BNPL cho thanh toán thương mại điện tử vào quý cuối năm 2021.
Theo nghiên cứu của Kredivo, 70% dân số Việt Nam bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Hầu hết các giao dịch trong nước được thực hiện bằng tiền mặt. Điều này giúp cho Việt Nam trở thành một thị trường tăng trưởng tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp fintech.
Công ty mẹ FinAccel của Kredivo cũng vừa công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty SPAC trong một thỏa thuận định giá tập đoàn ở mức 2,5 tỷ USD. Sau khi thâm nhập vào Việt Nam, công ty cũng có kế hoạch tham gia vào thị trường Thái Lan.
Trên thế giới, mua trước, trả tiền sau được coi là một thị trường tiềm năng, giá trị ước tính đạt khoảng 7,3 tỷ USD và có thể tăng lên mức 33,6 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm có thể đạt 21.2 %.
Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều công ty cũng đã khai phá thị trường này. Có thể kể đến như Akulaku, startup có trụ sở tại Indonesia, từng nhận 40 triệu USD vốn đầu tư của Ant Group, hay Hoolah, một nền tảng từng nhận vốn đầu tư 8 con số ngay tại vòng Serie A, dẫn dắt bởi Allectus capital.
Việt Nam là một thị trường tiềm năm khi sở hữu nền kinh tế Internet tăng trưởng hàng năm với tốc độ trung bình 40%, đi cùng với đó là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng mới chỉ đạt mức 4%.
Fundiin, một startup của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực mua trước trả sau gần đây vừa huy động được một khoản tiền tính theo USD lên tới 7 con số trong vòng gọi vốn do Genesia Ventures dẫn đầu.
Thành Dương (theo TechInAsia)