Hủy
Xu hướng Thứ tư, 21/10/2020, 11:03 (GMT+7)

Startup Ấn Độ tận dụng thời cơ sau lệnh cấm TikTok

Lệnh cấm TikTok đã để lại khoảng trống lớn trong thị trường video ngắn tại Ấn Độ, tạo cơ hội để các startup đưa ra ứng dụng mới tiếp cận người dùng.

Công ty khởi nghiệp ShareChat - nền tảng truyền thông xã hội của Ấn Độ phục vụ người dùng bằng 15 ngôn ngữ khu vực, đã tung ra ứng dụng chia sẻ video ngắn Moj chỉ vài ngày sau khi chính quyền New Delhi cấm TikTok. Hiện nền tảng Moj có hơn 80 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với thời gian trung bình 34 phút mỗi ngày.

Theo Ankush Sachdeva - đồng sáng lập và CEO của ShareChat, lệnh cấm TikTok đã để lại một khoảng trống lớn trong thị trường video ngắn, các công ty khởi nghiệp địa phương đang tiến tới để lấp đầy khoảng trống. Trước đó, TikTok có hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ và chính phủ nước đã công bố lệnh cấm đối với ứng dụng này vào cuối tháng 6 vì những lo ngại về an ninh quốc gia.

"Tôi vẫn tin rằng có rất nhiều người ưa thích nội dung video ngắn, nếu chúng tôi có thể cung cấp một nền tảng tốt, chuyển thành nguồn dữ liệu hỗ trợ AI tốt, sẽ có một thị trường rộng lớn để các công ty khởi nghiệp nắm bắt" ông Ankush Sachdeva nói.

Cô gái đeo khẩu trang có logo TikTok ở Mumbai, Ấn Độ hôm 1/7. Ảnh: Francis Mascarenhas - Reuters.

Cô gái đeo khẩu trang có logo TikTok ở Mumbai, Ấn Độ hôm 1/7. Ảnh: Francis Mascarenhas - Reuters.

ShareChat cũng đã đã huy động được 40 triệu USD strước Series E từ nhiều nhà đầu tư khác nhau gồm Pawan Munja, Twitter, các công ty đầu tư mạo hiểm SAIF Partners và Lightspeed India, India Quotient. Tổng tài trợ ShareChat nhận được đến nay là 264 triệu USD. Bên cạnh đó, ShareChat cũng có các nhà đầu tư Trung Quốc ủng hộ như Shunwei Capital, Xiaomi và Morningside Venture Capital.

Ông Ankush Sachdeva cho biết nguồn quỹ này được dùng để cải thiện công nghệ. Lệnh cấm TikTok khiến nhiều người dùng tại Ấn Độ thiếu hụt nền tảng và làm gián đoạn nhiều sinh kế của họ. Do đó một phần của quỹ sẽ dùng để phát triển mạng lưới người dùng trên ứng dụng Moj, thiết lập quan hệ đối tác với các hãng âm nhạc.

Theo đại diện ShareChat, quảng cáo sẽ là một trong những nguồn chính tạo ra doanh thu. Công ty dự kiến sẽ lấn sân sang các lĩnh vực tiềm năng như thương mại xã hội và quà tặng ảo, vốn phổ biến trong các ứng dụng xã hội ở Mỹ và Trung Quốc.

Hà Thanh (theo CNBC)