Số vốn đầu tư ở vòng hạt giống không được tiết lộ, quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam đóng vai trò là những nhà đầu tư thiên thần. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Bizzi đã chứng minh bản thân là một trong những startup sáng giá, giải quyết bài toán của thị trường.
Theo ông Nghĩa Vũ, đồng sáng lập và CEO Bizzi, số vốn đầu tư từ 500 Startups và các nhà đầu tư thiên thần sẽ là bàn đạp giúp doanh nghiệp tăng tốc phát triển trong thời gian đến. Ông Eddie Thái - Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam cho biết đầu tư vào Bizzi vì nhận thấy công ty đã xây dựng giải pháp cho thị trường kế toán và có tệp khách hàng toàn cầu.
500 Startups là quỹ đầu tư mạo hiểm với sứ mệnh tìm kiếm và hỗ trợ các nhà sáng lập tài năng trên toàn thế giới. Kể từ khi thành lập vào năm 2010, 500 Startups đã cung cấp hàng trăm triệu USD đầu tư, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, và dịch vụ hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nhân ở hơn 74 quốc gia. Các công ty đáng chú ý trong danh mục đầu tư của 500 Startups bao gồm Twilio, Credit Karma, Grab, Carousell và Wildfire (được mua lại bởi Google).
Bizzi - trợ lý đắc lực cho kế toán, kiểm toán
Bizzi là một startup Việt với sứ mệnh đơn giản hóa và số hóa các hoạt động tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty được sáng lập bởi CEO Nghĩa Vũ và CTO Nguyễn Nguyễn. Cả hai nhà sáng lập đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong các tập đoàn toàn cầu như Unilever, GlaxoSmithKline, Rocket Internet...
Thành lập từ cuối năm 2019 với dịch vụ xử lý hóa đơn tự động, hiện Bizzi đang phục vụ cho hàng trăm doanh nghiệp quy mô lớn lẫn nhỏ. Điển hình là nhà cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường DKSH Việt Nam, nhà phân phối sản phẩm dinh dưỡng 3A Nutritions, chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25...
Dựa trên nền tảng tự động hóa ứng dụng học máy (machine learning), Bizzi hỗ trợ doanh nghiệp tự động nhận, lưu trữ hóa đơn điện tử với quy trình tải và quản lý hóa đơn nhanh chóng. Song song, nền tảng còn cho phép người dùng tự động trích xuất dữ liệu phù hợp với phần mềm kế toán và hệ thống ERP (giải pháp phần mềm quản lý giúp công ty thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh).
Ngoài ra, hóa đơn điện tử đầu vào cũng được hệ thống tự động kiểm tra, xác thực với các tiêu chí khác nhau để đảm bảo tính hợp lệ (kiểm tra chữ ký điện tử, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế...). Điều này giúp các công ty có thể yên tâm về mặt bảo mật và tính chính xác của dữ liệu.
Quy trình xử lý có ba bước gồm Bizzi cung cấp cho mỗi công ty một địa chỉ email riêng và có một bot tự động lấy các hóa đơn về nền tảng để xử lý, sau đó người dùng kiểm tra và duyệt mà không cần can thiệp thủ công. Hóa đơn điện tử lưu trữ với danh sách hiển thị trực quan, cho phép các doanh nghiệp tìm kiếm theo nhiều tiêu thức khác nhau như số hóa đơn, nhà cung cấp, ngày hóa đơn... Bizzi là công cụ giúp các công ty giảm sai sót, tăng hiệu suất vì mỗi hóa đơn điện tử được xử lý, chiết xuất dữ liệu chưa đến 30 giây.
"Hiện chi phí gói dịch vụ thiết kế theo quy mô của doanh nghiệp với "giá cho một hóa đơn rẻ hơn ly trà đá. Chúng tôi mong muốn trở thành trợ thủ đắc lực của những doanh nhân, nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp SME", đại diện startup chia sẻ.
Số liệu từ Open Gov Asia dự đoán nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỷ USD vào năm 2025, trong khi năm 2018 con số này chỉ dừng ở mức 9 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng lớn tạo nhiều cơ hội cho những startup công nghệ như Bizzi phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Trang Anh