Chiến lược rút lui là phương pháp mà một nhà đầu tư mạo hiểm hoặc chủ doanh nghiệp dự định thoát ra khỏi một khoản đầu tư mà họ đã thực hiện trong quá khứ. Hầu hết các công ty khởi nghiệp đều tập trung vào việc đưa sản phẩm ra thị trường và giải quyết vấn đề của khách hàng, nên chiến lược rút lui không phải lúc nào cũng có trong suy nghĩ ban đầu của người sáng lập. Đây được xem là chủ đề nhạy cảm đối với các doanh nhân cũng như startup mới ra đời nhưng lại là một phần quan trọng trong việc điều hành công ty mà người đứng đầu cần phải xem xét ngay từ đầu.
"Chiến lược rút lui của bạn là gì?" là câu hỏi phổ biến mà các công ty mới thành lập hoặc giai đoạn đầu khởi nghiệp thường được các nhà đầu tư truy vấn khi đi huy động vốn. Việc rút lui của một startup không phải là cách làm cho dự án khởi nghiệp "nghỉ hưu" mà chính là kế hoạch của những người sáng lập nhằm giúp nhà đầu tư lấy được vốn và lợi nhuận, yếu tố quyết định xuống tiền đầu tư cho startup.
Việc đề cập đến vấn đề rút lui ngay từ đầu, nhà đầu tư không chỉ muốn đánh giá mức độ cam kết của người thành lập để xây dựng doanh nghiệp và hiện thực hóa mô hình kinh doanh toàn diện, mà còn muốn hiểu mức độ linh hoạt, khả năng giải quyết các tình huống khác nhau của nhà sáng lập khi nghĩ về những rủi ro cũng như tiềm năng phát triển.
Nhiều chuyên gia tin rằng một chiến lược rút lui thiết kế tốt sẽ làm tăng giá trị của một doanh nghiệp và giúp công ty tập trung vào việc kiếm lợi nhuận. Trong thế giới khởi nghiệp tăng trưởng cao, chiến lược rút lui phản ánh sự thành công của việc thực hiện các mục tiêu của công ty, giúp startups định hướng kế hoạch mở rộng quy mô. Nếu mô hình kinh doanh của một công ty khởi nghiệp yêu cầu tài trợ vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư thiên thần, chiến lược rút lui của doanh nhân là cần thiết để thông báo cho các nhà đầu tư về loại lợi tức đầu tư mà họ có thể mong đợi và mất bao lâu để thấy được lợi tức.
Các nhà đầu tư dự án khởi nghiệp thường không chờ đợi hơn năm năm để thu lại khoản đầu tư và lợi nhuận, do đó nhà sáng lập khi thực hiện một chiến lược kinh doanh hoàn hảo, nhưng không có chiến lược rút lui sẽ rất khó nhận được gật đầu cấp vốn từ phía nhà đầu tư. Sự kiện LinkedIn mua lại Newsle với mức giá 30 triệu USD, trong khi ban đầu startup Newsle này chỉ nhận nguồn vốn 2,6 triệu USD từ hai công ty đầu tư mạo hiểm VC (theo Techcrunch) cho thấy lợi tức đầu tư của các nhà đầu tư hiện nay.
Theo Jason Eckenroth, nhà sáng lập của ShipCompliant, một công ty khởi nghiệp phát triển thành một công ty dẫn đầu thị trường với lợi nhuận cao, trên thực tế chiến lược rút lui là phương tiện xác định tầm nhìn dài hạn cho việc xác định cấu trúc và vận hành doanh nghiệp trong tương lai. Chuyên gia nhận định các công ty có thể trải nghiệm một hoặc nhiều chiến lược rút lui khác nhau trong suốt giai đoạn phát triển. Để làm được điều này ông Jason Eckenroth khuyên người thành lập doanh nghiệp cần suy nghĩ kỹ và tuân thủ theo những tầm nhìn cá nhân trong dài hạn; tổng hợp và đánh giá quá trình thực hiện theo những mục tiêu đặt ra sau một năm vận hành.
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp có những chiến lược rút lui phổ biến như mua lại và sáp nhập (M&A), đưa công ty lên sàn chứng khoán (IPO).
IPO là lúc tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà đầu tư cho doanh nghiệp bằng cách mua cổ phiếu mà công ty bán ra. Công ty tư nhân sẽ trở thành công ty đại chúng và không còn được coi là startup. Mục tiêu của việc ra mắt công chúng là để gây quỹ cho doanh nghiệp, cho phép công ty phát triển và mở rộng. IPO là một sự kiện quan trọng, đòi hỏi chuẩn bị lâu dài và triển khai đúng thời điểm. Mặc dù quy trình được định sẵn nhưng việc chào bán cổ phiếu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Điển hình như Alibaba đã kiếm được hàng tỷ USD ngay lập tức, trong khi Facebook phải mất nhiều thời gian để đạt được sự chú ý.
Xem xét chiến lược rút lui ngay từ đầu khởi nghiệp là một yếu tố quan trọng không chỉ để phát triển công ty mà còn là cam kết lợi nhuận cho các nhà đầu tư, giúp họ đầu tư vào startup. Mỗi chiến lược có những ưu và nhược điểm pháp lý riêng, đòi hỏi các nhà sáng lập cần xác định đúng thời điểm, mô hình kinh doanh, đúng nhà đầu tư vào mỗi giai đoạn để dự án khởi nghiệp phát triển bền vững.
Na Na