Hủy
Xu hướng Thứ năm, 5/11/2020, 07:00 (GMT+7)

Sự cạnh tranh trên thị trường ví điện tử Việt Nam

Với sự gia nhập của AppotaPay, thị trường ví điện tử tại Việt Nam được nhận định sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh giành thị phần khốc liệt giữa các thương hiệu.

AppotaPay là đơn vị thứ 39 được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động dịch vụ thanh toán trung gian. Miếng bánh thị trướng ví điện tử tại Việt Nam được đánh giá đang ngày càng lớn khi dân số tiệm cận 100 triệu, lực lượng người trẻ thích ứng nhanh với fintech.

Trước AppotaPay, những cái tên đã dần tạo được chỗ đứng trên thị trường như MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay và VnPay.

Momo thành lập năm 2013, là một trong những công ty cung cấp nền tảng ví điện tử gọi vốn thành công nhất không chỉ tại Việt Nam mà trong khu vực châu Á với tổng giá trị hơn 133 triệu USD. Bên cạnh Momo, Moca đang dần trở nên thông dụng với người dùng khi trở thành đối tác của Grab vào năm 2018. ZaloPay thu hút sự chú ý khi trực thuộc VNG - kỳ lân khởi nghiệp duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Lĩnh vực ví điện tử tại Việt Nam chào đón nhiều công ty mới gia nhập thị trường.

Lĩnh vực ví điện tử tại Việt Nam chào đón nhiều công ty mới gia nhập thị trường.

AppotaPay ra đời tháng 9/2015 thuộc công ty chuyên sản xuất nội dung số Appota Group. TechwireAsia nhận định, Appota Group có thể sẽ phát triển nhanh chóng để vượt VNG. Nhìn từ Zalo, là ứng dụng tin nhắn miễn phí được phát triển bởi VNG sở hữu 52 triệu người dùng mỗi tháng, Nền tảng này đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng cho ZaloPay. AppotaPay cũng hưởng lợi từ hệ sinh thái hơn 55 triệu người dùng trong lĩnh vực giải trí số của Appota Group. Chính vì vậy, ZaloPay có thể là đối thủ cạnh tranh được hoạch định trong giai đoạn đầu của AppotaPay.

Với sự xuất hiện của ngày càng nhiều ví điện tử, các startup trong lĩnh vực này buộc bởi cạnh tranh để thu hút người dùng và tìm cách thu lợi nhuận. Thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt giá trị 8,6 tỷ USD vào năm 2020, trong khi tổng giao dịch dự kiến tăng 14,1% lên mức 14,59 tỷ USD vào năm 2024.

Trong khi phần lớn hoạt động giao dịch hiện tại của Việt Nam vẫn thực hiện qua tiền mặt, các công nghệ thanh toán số trong nước đã phát triển nhanh chóng. Chính phủ cũng khuyến khích người dân sử dụng các công cụ thanh toán điện tử, hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế không tiền mặt vào năm 2027.

Tính riêng hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM, Momo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử phổ biến nhất, chiếm hơn 90% tổng thị phần người dùng. Momo với hơn 20 triệu người dùng là đơn vị trong nước đầu tiên vào top các công ty thanh toán hàng đầu thế giới.

Oliver Wyman - chuyên gia tư vấn quốc tế tin rằng, không phải tất cả các nền tảng ví điện tử tại Việt Nam sẽ tồn tại. "Lĩnh vực thanh toán điện tử tại khu vực đang dần thu hẹp lại, mỗi quốc gia có thể sẽ chỉ hỗ trợ thúc đẩy khoảng hai nền tảng ví điện tử để phát triển", vị này nhận định.

Song nếu nhìn về mặt tích cực, thị trường ví điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. Số liệu của Ngân hàng nhà nước thấy, trong giai đoạn cách ly xã hội do ảnh hưởng bởi Covid-19, khoảng 15 triệu người sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử mỗi tháng. Hiện tại mỗi ngày Việt Nam ghi nhận 30 triệu lượt giao dịch trực tuyến.

Thảo Miên (Theo TechwireAsia)