Hủy
Xu hướng Thứ năm, 14/1/2021, 09:26 (GMT+7)

Walmart mở startup về fintech

Tập đoàn bán lẻ Walmart sẽ tham gia vào mảng công nghệ tài chính để khai thác tốt hơn tệp khách hàng lên tới hàng triệu người.

Walmart đang có kế hoạch thành lập một startup về fintech. Tuy nhiên, tên doanh nghiệp và thời gian hoạt động vẫn chưa được công bố. Công ty khởi nghiệp này là một liên doanh với Ribbit Capital, nhà đầu tư vào nền tảng giao dịch chứng khoán Robinhood.

Đại diện gã khổng lồ bán lẻ cho biết, liên doanh trên sẽ "kết hợp kiến thức và quy mô bán lẻ của Walmart với chuyên môn fintech của Ribbit để cung cấp trải nghiệm tài chính theo hướng công nghệ phù hợp với khách hàng và đối tác". Startup này hứa hẹn phát triển các sản phẩm tài chính với giá cả phải chăng cho nhân viên và khách hàng của Walmart.

Tập đoàn của ông Sam Walton sở hữu phần lớn cổ phần trong liên doanh mới. Hội đồng quản trị của startup bao gồm Giám đốc tài chính Brett Biggs và Giám đốc điều hành Walmart Mỹ John Furner. Tập đoàn bán lẻ này cho biết, họ sẽ bổ nhiệm các chuyên gia độc lập trong ngành tài chính vào hội đồng quản trị và có thể mua lại hoặc hợp tác với các công ty fintech khác.

Ôtô chạy ngang qua một cửa hàng Walmart ở Washington, DC, vào tháng 8/2020. Ảnh: AFP.

Ôtô chạy ngang qua một cửa hàng Walmart ở Washington, DC, vào tháng 8/2020. Ảnh: AFP.

Giám đốc Furner khẳng định, trong nhiều năm qua, hàng triệu khách hàng đã đặt niềm tin vào Walmart không chỉ để tiết kiệm tiền khi mua sắm mà còn để giúp bản thân quản lý tài chính tốt hơn. "Chính khách hàng đã nói rõ rằng, họ muốn tiếp cận nhiều dịch vụ hơn trong lĩnh vực tài chính từ chúng tôi", ông nhấn mạnh.

Về phía Ribbit Capital, doanh nghiệp này cũng có lịch sử đầu tư vào các công ty fintech. Danh mục đầu tư bao gồm Robinhood, startup về đầu tư chứng khoán miễn phí, hay Affirm, công ty fintech cho phép khách hàng mua sắm trực tuyến và trả góp số tiền đã tiêu.

Áp lực cho các ngân hàng

Bloomberg nhận định, cạnh tranh trực tiếp của Walmart với Amazon kích thích sự phát triển ngoài lĩnh vực bán lẻ của cả hai. Theo đó, Walmart đang cố gắng "tái tạo lại chính mình" khi gần đây đã khai trương các phòng khám sức khỏe chi phí thấp và kinh doanh bảo hiểm. Về mặt công nghệ, tập đoàn này nổi lên vào cuối năm 2020 như một nhà đầu tư tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, sau khi bán nền tảng phát trực tuyến Vudu của mình cho Fandango của Comcast Corp.

Mục tiêu của Walmart có thể là xây dựng một mạng lưới kinh doanh như Alibaba có ở châu Á. Tập đoàn của ông Sam Walton định hướng vừa là nhà bán lẻ trực tuyến vừa là nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn, tất cả đều trên cùng một nền tảng.

Walmart từ lâu đã tìm cách để có chỗ đứng lớn hơn trong các dịch vụ tài chính, ít nhất là từ những năm 1990. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các ngân hàng lớn nhất thế giới từ lâu đã từ chối cơ duyên hợp tác trên vì cho rằng các doanh nghiệp tài chính và thương mại nên tách biệt.

Mặc dù vậy, tập đoàn này vẫn tự triển khai Walmart MoneyCenter. Tại các điểm này, người tiêu dùng có thể làm dịch vụ khai thuế và gửi tiền ra nước ngoài. Điều đó, kết hợp với việc chi tiêu tại các cửa hàng, gã khổng lồ bán lẻ có quyền truy cập vào kho thông tin về cách người tiêu dùng quản lý tài chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phát thành thẻ thương hiệu riêng Walmart MoneyCard, một thẻ ghi nợ trả trước mà khách hàng có thể nạp tiền vào và mua hàng. Thẻ có một số tính năng khuyến khích quản lý tiền hoặc trợ giúp những người có lịch sử tín dụng khó khăn như không có thấu chi hoặc phí hàng tháng và không yêu cầu số dư tối thiểu.

Walmart đã liên kết với Visa, MasterCard để phát hành thẻ thương hiệu riêng. Ảnh: Shutter Stock.

Walmart đã liên kết với Visa, MasterCard để phát hành thẻ thương hiệu riêng. Ảnh: Shutter Stock.

Với hơn 4.700 cửa hàng trên toàn xứ cờ hoa, Walmart tiếp cận hàng triệu khách hàng mỗi năm, trong đó có nhiều người không có tài khoản ngân hàng. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), 6% người trưởng thành không có tài khoản séc, tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư. Khoảng 16% có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính thay thế. CNBC cho rằng, những người này có nhiều khả năng chuyển sang các giải pháp ngắn hạn như tiệm cầm đồ hoặc cho vay "nóng", có thể dẫn đến áp lực về lãi suất cao.

Theo Bloomberg, các ngân hàng trong những tháng gần đây ngày càng lo lắng rằng Walmart và những doanh nghiệp bán lẻ khác sẽ tham gia vào hoạt động cho vay và các lĩnh vực tài chính khác. Tâm lý trên càng rõ nét sau khi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã thông qua việc cho phép các công ty phi tài chính được thêm điều lệ hoạt động ngân hàng vào cuối năm ngoái. Ngay lập tức, nhà bán lẻ Rakuten đã thành lập ngân hàng riêng và được coi là một ví dụ điển hình trong nỗ lực phá bỏ rào cản truyền thống giữa ngân hàng và thương mại.

Tất Đạt (theo Bloomberg, CNBC)