Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 6/3/2019, 03:02 (GMT+7)

AirAsia ra mắt quỹ đầu tư 60 triệu USD, hỗ trợ startup tại Đông Nam Á

Quỹ Redbeat Capital nằm trong tham vọng đưa AirAsia phát triển, không chỉ là một hãng hàng không trong tương lai.

Hãng hàng không AirAsia chính thức bước vào cuộc chơi đầu tư mạo hiểm sau khi ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu. Theo đó, quỹ Redbeat Capital trị giá 60 triệu USD của AirAsia sẽ hoạt động độc lập, kết nối với các startup trên thế giới, thuộc các lĩnh vực như du lịch, lối sống, fintech, logistics... Hệ sinh thái có sẵn tại Đông Nam Á với 90 triệu hành khách mỗi năm sẽ là lợi thế cho các công ty tham gia mạng lưới khởi nghiệp của AirAsia.

AirAsia chính thức bước vào cuộc chơi đầu tư mạo hiểm sau khi ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu. Theo đó, quỹ Redbeat Capital

AirAsia vừa ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp Redbeat Capital.

Theo thông tin được công bố, quỹ đầu tư trị giá gần 60 triệu đôla, sẽ hoạt động tại San Francisco và Đông Nam Á. Hiện Redbeat Capital hợp tác với quỹ 500 Startups của Thung lũng Sillicon để thu nhận các đóng góp từ cộng đồng.

Trước đó, AirAsia vừa trải qua những lo ngại về tài chính khi giá cổ phiếu của hãng này sụt giảm. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ châu Á vẫn được định giá hơn 2 tỷ USD. Theo Giám đốc điều hành Tony Fernandes, Redbeat Capital nằm trong chiến lược thực hiện tham vọng mở rộng AirAsia, không chỉ là một hãng hàng không trong tương lai.

"AirAsia sẽ có những thay đổi tạo sự khác biệt trong vòng 5 năm tới. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ lộ trình, quan trọng như thời kỳ đầu thành lập", Fernandes cho biết.

Khởi đầu của AirAsia là từ một nhà cung cấp dịch vụ giá rẻ trên nền tảng web. Công nghệ được coi là yếu tố gắn liền với văn hóa, sự phát triển của hãng hàng không này. "Bây giờ, đội ngũ sẽ tiến tới giai đoạn thứ hai, dựa trên cơ sở nền tảng của chúng tôi", đại diện AirAsia chia sẻ. Nền tảng này, theo ông, bao gồm dịch vụ thanh toán BigPay, ứng dụng BigLife và Logistics.

"Chúng tôi muốn quỹ hoạt động độc lập, hơn là một nhánh của AirAsia", Fernandes nói thêm.

Tony Fernandes - CEO của AirAsia.

Tony Fernandes - CEO của AirAsia.

Theo Tony Fernandes, Thung lũng Silicon không phải là một thị trường dễ dàng cho những nhà đầu tư "chân ướt chân ráo". AirAsia chưa hoạt động ở Mỹ và là cái tên còn khá xa lạ tại California. Người đứng đầu AirAsia bày tỏ kỳ vọng, Redbeat Capital có thể mở ra cửa ngõ vào Đông Nam Á.

"Tiềm năng ở thị trường Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu", ông nói. "Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác muốn hợp tác chiến lược, sử dụng cơ sở dữ liệu và nền tảng của chúng tôi để hai bên cùng có lợi".

Theo đó, AirAsia có thể sử dụng nền tảng và cơ sở khách hàng của mình để giúp các công ty khởi nghiệp tiếp cận người dùng, quảng cáo. Đây thường là các mục tốn chi phí lớn của các startup.

Nhiều báo cáo mới đây cho thấy các tín hiệu lạc quan vào sự phát triển tại thị trường Đông Nam Á. Báo cáo từ Google cuối năm ngoái dự báo, nền kinh tế số của khu vực sẽ tăng gấp ba, đạt 240 tỷ đô vào năm 2025.

"Đông Nam Á có nhiều người dùng internet hơn Mỹ, mang đến cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp. Với sự kết nối với Thung lũng Silicon và quan hệ đối tác cùng 500 Startups, quỹ đầu tư của AirAsia sẽ là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp có quy mô toàn cầu", Christine Tsai, CEO của 500 Startups chia sẻ.

Mây Phạm (Nguồn: TechCrunch)