Hủy
Ý tưởng mới Thứ năm, 8/3/2018, 14:38 (GMT+7)

Khởi nghiệp với thiết bị phát Wi-Fi tự tạo năng lượng

Thiết bị hấp thụ và phản xạ sóng điện từ để tạo năng lượng hoạt động mà không cần pin hay cắm điện, phát Wi-Fi giúp vào mạng nhanh chóng.

Có kích cỡ ngang với chiếc thẻ ngân hàng và bề ngoài giống như bảng vi mạch điện tử, thiết bị mang tên Passive Wi-Fi, có nghĩa là Wi-Fi thụ động, do nhóm chuyên gia công nghệ tại Mỹ phát triển.

Sản phẩm này đóng vai trò trung gian, tiếp nhận sóng Wi-Fi từ bộ phát và chuyển đến các thiết bị điện tử  khác trong khoảng cách 2,8 km. Khi gắn thiết bị vào máy tính, điện thoại hay bất cứ công cụ nào sử dụng công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things) sẽ giúp tiếp nhận Wi-Fi để truy cập mạng.

Người dùng khởi động kết nối bằng cách gạt công tắc cảm ứng ở bên trái thiết bị. Đèn LED phía bên phải phát sáng báo hiệu đã sẵn sàng sử dụng.

Thiết bị không dùng pin và trang bị nhiều ăng ten nhỏ để hấp thu và phản xạ sóng điện từ sẵn có trong không khí làm nguồn năng lượng. Bởi vậy, người dùng không phải lo về việc hết pin hay tìm nguồn điện sạc. Sóng điện từ này có thể phát ra từ trạm điện thoại, cột thu sóng, tháp truyền hình…. ở khu vực xung quanh. Mức giá Passive Wi-Fi chỉ 20 cent, tương đương 4.000 đồng.

"Bộ phát kết nối không dây qua Wi-Fi và Bluetooth khá đắt đỏ, kích cỡ lớn, cồng kềnh, khi truy cập mạng pin hết nhanh. Bởi vậy chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm nhỏ gọn, giá cả vừa phải và tiện dụng", Vamsi Talla, đồng sáng lập dự án cho biết.

Thiết bị Ambient Backscatter  có thể hấp thụ và phản xạ sóng điện từ ở môi trường xung quanh, giúp kết nối Internet ở bất cứ đâu. Ảnh: India Times.

Thiết bị Passive Wi-Fi có thể hấp thụ và phản xạ sóng điện từ ở môi trường xung quanh, giúp kết nối Internet ở khoảng cách 2,8 km. Ảnh: India Times.

Năm thành viên sáng lập gồm những nhà nghiên cứu người Mỹ và Ấn Độ là Talla, Shyam Gollakota, Aaron Parks, Bryce Kellogg và Joshua Smith. Họ quen biết nhau khi làm việc chung về lĩnh vực kết nối không dây tại đại học Washington. Công ty Jeeva Wireless được thành lập có trụ sở tại thành phố Seatle (Mỹ), ngay khi các thành viên của nhóm bắt tay vào phát triển thiết bị không dùng pin này vào năm 2016.

Ý tưởng đến với nhóm sáng lập khi nhận thấy công nghệ Internet vạn vật đang phát triển trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Thế nhưng thử thách lớn nhất của các thiết bị này là luôn phải kết nối Internet để cập nhật dữ liệu, dẫn đến việc phụ thuộc vào pin hoặc năng lượng điện mới có thể hoạt động tối ưu.

"Vì không dùng pin nên tuổi thọ thiết bị rất lâu, không cần bảo dưỡng nhiều và giúp tiết kiệm năng lượng hơn 10.000 lần so với sản phẩm kết nối không dây hiện tại”, CEO Talla cho biết. Nhóm đang nghiên cứu để mở rộng phạm vi tiếp sóng Wi-Fi.

Nhóm phát triển dự án thiết bị truy cập Internet không dùng pin. Từ trái sang: Joshua Smith, Shyam Gollakota, Vamsi Talla và Bryce Kellogg. Ảnh: Seatle Times.

Nhóm phát triển dự án thiết bị giúp truy cập Internet không dùng pin. Từ trái sang: Joshua Smith, Shyam Gollakota, Vamsi Talla và Bryce Kellogg. Ảnh: Seatle Times.

Những đồ vật hàng ngày như chìa khóa, ví… nếu gắn Passive Wi-Fi sẽ có thể kết nối mạng để định vị địa điểm, giúp tìm lại đồ đạc bị để quên hay đánh mất. Nó còn sử dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giám sát công trình, gửi cảnh báo khi phát hiện rò rỉ cần sửa chữa, giao thông…, đặc biệt là ứng dụng xây dựng nhà thông minh hay các dự án đô thị thông minh.

"Internet vạn vật giúp cải thiện năng suất, giảm lãng phí tài nguyên và tăng giá trị cho quy trình. Thiết bị này sẽ góp phần thúc đẩy công nghệ đó kết nối ở khắp mọi nơi, kể cả vùng nông thôn", Talla chia sẻ.

Dự án kêu gọi được 1,2 triệu USD vốn đầu tư vào đầu năm 2017 và đưa sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2018. Công ty cũng nhận được nhiều lời mời hợp tác trong lĩnh vực nhà cửa, công nghiệp, đóng gói hàng hóa và y tế.

Y Vân (Theo India Times)