Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 26/2/2021, 08:30 (GMT+7)

Loship đưa podcast vào ứng dụng giao hàng

Theo CEO Nguyễn Thành Trung, podcast trên nền tảng Loship đã thu hút hơn 20.000 người nghe mỗi ngày.

Vài năm trước, trong một chuyến đi đến Trung Quốc, Nguyễn Hoàng Trung và cộng sự tại Loship đã tới Hadilao, một trong những nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc. Trong khi chờ được xếp chỗ, họ có thể sử dụng các dịch vụ khác trong nhà hàng, chẳng hạn như ăn kem miễn phí. Dù cảm thấy lạ lẫm và có phần lỗi thời, những thành viên của Loship đều cảm thấy thú vị. "Chúng tôi muốn đưa mô hình này đến Loship, cùng nỗi ám ảnh mang tới điều gì đó mới cho người dùng trong khi chờ đặt hàng. Podcast là lựa chọn phù hợp cho chúng tôi thử sức", Trung nói với e27.

CEO Loship Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Loship

CEO Loship Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Loship

Ra đời vào năm 2017 bởi CEO Nguyễn Hoàng Trung và Tổng giám đốc Trần Minh Sơn, Loship là ứng dụng giao đồ ăn, FMCG, đồ điện tử, thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ giặt là, thuốc, chuyển phát nhanh, đặt hoa, gọi xe... "Khách hàng của chúng tôi có thể nghe podcast trong khi chờ giao đồ ăn mà không cần đăng xuất tìm kiếm các nền tảng mới để lắng nghe", Trung chia sẻ.

Tiện ích của Loship đánh dấu sự hợp tác với một số đơn vị như Voiz FM và Hamlet Trương Radio. Theo đại diện doanh nghiệp, từ khi podcast được tung ra trên nền tảng đã thu hút hơn 20.000 người nghe mỗi ngày. Riêng trong tháng 12 năm ngoái, lượng người nghe hàng tháng đạt 100.000. Từ khởi đầu với podcast, Loship dự kiến mở rộng sang các hình thức giải trí âm thanh khác như âm nhạc, sách nói... đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Loship, tiền thân là Lozi, hiện phát triển mạnh tại 5 thành phố, thu hút hơn 70.000 tài xế và có quan hệ đối tác với hơn 200.000 người bán, cùng hơn 2 triệu khách hàng. "Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là có một triệu người bán trực tuyến, không chỉ các nhà hàng cao cấp mà còn cả các quán ăn địa phương, các cơ sở kinh doanh phù hợp túi tiền cũng như tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ cung cấp mọi thứ mà khách hàng cần", Nguyễn Hoàng Trung, người được đề cử vào Top Forbes 30 Under 30 Châu Á năm 2017 nói.

Một yếu tố quan trọng khác tạo nên sự khác biệt của Loship là "lợi thế địa phương", thấu hiểu khách hàng. Doanh nghiệp áp dụng chiến lược giao hàng miễn phí và cung cấp dịch vụ giao hàng trong một giờ. Ứng dụng chủ yếu kiếm tiền từ hoa hồng, phí giao hàng, quảng cáo hoặc cung cấp nguyên liệu cho người bán. Tính năng podcast chưa mang lại lợi nhuận.

Theo đại diện thương hiệu, podcast chỉ là một phương tiện đơn thuần để khách hàng thưởng thức và giải trí. "Nếu nhìn vào các công ty khác, bạn sẽ thấy họ đã chi khoản tiền khổng lồ để làm hài lòng và giữ chân khách hàng. Khoản đầu tư của chúng tôi vào podcast ít hơn nhiều so với các chi phí tiếp thị khác. Tuy nhiên, nó có tác động nhiều hơn đến việc giữ chân khách hàng, đẩy dịch vụ khách hàng lên một tầm cao mới", Trung nói.

Thị trường giao đồ ăn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 24% trong giai đoạn 2021-2026, theo Expert Market Research. Doanh thu trong phân khúc giao đồ ăn của Việt Nam dự kiến đạt 377 triệu đôla Mỹ vào năm 2021, theo Statista. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Châu Á như Ấn Độ hay Nhật Bản, quy mô thị trường của Việt Nam còn nhỏ, chỉ chiếm 0,2% thị phần trên thị trường giao đồ ăn thế giới. Giới chuyên gia nhận định thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng vượt bậc.

Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Khoảng 4 ứng dụng giao đồ ăn như Grab, Gojek, Baemin (Woowa Brothers hậu thuẫn) và Now (Sea Group hậu thuẫn) đang cạnh tranh tại các thị trường lớn như TP HCM và Hà Nội.

Trong khi ở các thành phố nhỏ hơn, mang những nét đặc trưng của Việt Nam, như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Loship có nhiều lợi thế. Theo đại diện Loship, Việt Nam có nhiều điều kiện cho thị trường giao hàng thực phẩm, bao gồm thị trường lớn, người dùng đáng kể và tỷ lệ thâm nhập Internet và di động cao. Do đó, thị trường thu hút nhiều người chơi năng nổ tham gia và chiếm lĩnh thị trường.

Tài xế Loship giao đồ ăn cho khách hàng. Ảnh: Loship.

Tài xế Loship giao đồ ăn cho khách hàng. Ảnh: Loship.

"Những đối thủ lớn này có mọi nguồn lực để chiếm lĩnh thị phần, trong khi các startup giao đồ ăn trong nước phải vật lộn để tồn tại. Khách hàng cũng đang có nhiều lựa chọn, họ có thể chuyển sang các ứng dụng có các chương trình khuyến mại hào phóng hơn, cho thấy mức độ trung thành của khách hàng đang thấp", CEO Loship cho hay.

Đối mặt với những thách thức này, chiến lược của Loship là thâm nhập vào các thị trường chưa được khám phá như các thành phố nhỏ hơn, dần dần mở rộng tệp khách hàng.

Trong 4 năm qua, Loship trải qua nhiều vòng gọi vốn. Tháng 10/2020, Loship hút vốn từ Công ty Quản lý Đầu tư Vulpes có trụ sở tại Singapore. Trước đó, tháng 10/2019, công ty khép lại vòng Series B với khoản đầu tư 8 chữ số từ Smilegate Investment của Hàn Quốc, với sự tham gia của DTNI, Ascendo Ventures (Hàn Quốc), Hana Financial Group (Hàn Quốc) và Vietnam Silicon Valley. Mới đây, nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn cũng đã đầu tư vào Loship thông qua MetaPlanet.

Hoài Phong (Theo e27)