Hủy
Ý tưởng mới Thứ hai, 12/4/2021, 18:30 (GMT+7)

Mạng lưới LIFVietnam ra mắt

LIFVietnam, mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, lãnh đạo startup và nhà quản lý vừa ra mắt hôm 11/4.

LIFVietnam hiện có gần 90 chuyên gia lãnh đạo đổi mới sáng tạo là các nhà khoa học, lãnh đạo công ty khởi nghiệp và nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý và các công ty khởi nghiệp tham gia.

Từ năm 2014, đội ngũ chuyên gia này hoạt động trong một chương trình được bảo trợ của Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng Gia Anh.

Bà Phạm Chi Lan phát biểu trong lễ ra mắt LIFVietnam ngày 11/4. Ảnh: LIFVietnam.

Các chuyên gia, nhà khoa học tại lễ ra mắt LIFVietnam ngày 11/4. Ảnh: LIFVietnam.

Các mục tiêu chính của chương trình là thành lập mạng lưới nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp và các nhà quản lý; đào tạo cộng đồng và tư vấn hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp thực hiện nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mạng lưới lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu và phát triển đội ngũ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa thông qua cổng thông tin điện tử.

Đánh giá về sự ra mắt của mạng lưới này, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Ban ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao sự phát triển LIFVietnam và khẳng định Viện sẽ đồng hành cùng mạng lưới trong hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho cộng đồng.

TS. Lê Thị Nhi Công đại diện Ban tổ chức mong muốn rằng khi cộng đồng được tạo ra sẽ góp phần kết nối các thành viên, hỗ trợ giải quyết phần nào những khó khăn, hạn chế trong quá trình thương mại hoá các kết quả khoa học, đồng thời lan toả ra xã hội những giá trị cốt lõi mà các thành viên LIF đã học tập được từ chương trình lãnh đạo đổi mới sáng tạo do Quỹ Newton (Anh) tài trợ trong 7 năm qua.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng: "Việt Nam muốn đón nhân làm sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu thì phải đổi mới tư duy, có cách tiếp cận chiến lược và chính sách mới phù hợp, thực hiện nâng cao năng lực và nội lực của nền kinh tế".

90 nhà khoa học tham gia mạng lưới LIFVietnam.

Đội ngũ các nhà khoa học tham gia mạng lưới LIFVietnam.

Song chuyên gia này cho rằng, các hạn chế về thể chế, nguồn lực và công nghệ, cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt đối với nhu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lao động kỹ năng nghề bậc trung đứng 128/130 theo xếp hạng của WEF, hệ thống giáo dục, đào tạo chậm đổi mới; trình độ, năng lực công nghệ thấp; hệ sinh thái cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự hình thành... Sự ra đời của chương trình hỗ trợ nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý thực hiện thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ, là một giải pháp cho "nút thắt" này.

Sau 7 năm, chương trình đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và Anh, cho phép chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội ở Việt Nam. Chương trình thực hiện đào tạo trong hai tuần tại Anh cho các học viên nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đến nay, 90 nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên đã tham gia, gồm: y tế và khoa học đời sống, khả năng phục hồi môi trường và an ninh năng lượng, thành phố tương lai, nông nghiệp bền vững, công nghệ kỹ thuật số, đổi mới và sáng tạo.

Đại diện LIF Vietnam cho biết, với phương châm kết nối và sẻ chia, mạng lưới sẽ phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Học viện kỹ thuật hoàng gia Anh thường xuyên tổ chức chương trình hỗ trợ hàng năm.

Thông qua chương trình, các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp và nhà quản lý sẽ được tuyển chọn, tư vấn và hỗ trợ nhằm xây dựng mạng lưới thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững tại Việt Nam và thế giới.

Hoài Phong