Hủy
Ý tưởng mới Thứ năm, 20/8/2020, 15:45 (GMT+7)

Polymateria phát triển công nghệ mới để phân hủy nhựa

Quỹ đầu tư Planet First Partners (PFP) vừa rót 15 triệu USD cho Polymateria để phát triển một phương pháp có khả năng phân hủy các vi nhựa giúp bảo vệ môi trường.

Polymateria có trụ sở tại Anh, đã phát triển một công nghệ mang tên Biến đổi sinh học (Biotransformation) có ưu điểm là phân hủy các loại nhựa và các loại vi nhựa (microplastics) giúp giảm thiểu tác hại đến môi trường. Polymateria cho rằng công nghệ mới của họ có khả năng kiểm soát chính xác thời gian phân hủy sinh học của nhựa để phục vụ hoạt động tái chế.

Polymateria nhận 15 triệu USD để phát triển công nghệ sinh học phân huỷ nhựa mới.

Polymateria nhận 15 triệu USD để phát triển công nghệ sinh học phân hủy nhựa mới.

Theo ông Niall Dunne - CEO của Polymateria, hạn chế lớn nhất của các giải pháp phân hủy nhựa hiện nay là vẫn để lại các vi nhựa - những miếng nhựa rất nhỏ có chiều dài dưới 5 mm gây ra tác động tiêu cực đến đại dương, sinh vật dưới nước cũng như môi trường. Công nghệ mới của Polymateria có khả năng phân hủy những vi nhựa này giúp giảm thiểu tác hại đến mội người.

Về cơ chế hoạt động, đầu tiên, công nghệ này phá hủy các tính chất vật lý của nhựa rồi phá hủy cấu trúc polymer và biến đổi tính chất của nhựa khiến nó không còn gây hại cho môi trường.

Polymateria cho biết công nghệ của mình đã được kiểm chứng bởi các đơn vị độc lập và cho ra hai kết quả, gồm phân hủy hoàn toàn nhựa dẻo trong 336 ngày và phân hủy nhựa màng mỏng trong 226 ngày.

"Chúng tôi đánh giá công nghệ của Polymateria là tối ưu hiện nay. Các đánh giá của các tổ chức độc lập và hệ thống dữ liệu đang thể hiện rằng Polymateria sẽ tăng trưởng nhanh chóng", đại diện quỹ Planet First Partners cho biết.

Trước đó, Polymateria cũng đã nhận được hai khoản tài trợ nghiên cứu của tổ chức Innovate UK.

Theo Forbes, những startup về giải pháp môi trường như Polymateria có vai trò lớn trong việc giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu vì ước tính các sản phẩm nhựa thải ra sẽ tăng 40% vào năm 2030 và tạo ra đến 850 triệu tấn khí nhà kính.

Thanh Thảo (theo Forbes)