Năm 2015, cặp chị em Jake (21 tuổi) và Caroline (18 tuổi) từ đại học Colgate đem đến ý tưởng tái chế chai nhựa thành quần áo trước hội đồng các chuyên gia trong một chương trình khởi nghiệp. Ý tưởng độc đáo đem về cho 2 chị em số vốn đầu tư lên tới 20.000 USD để chạy startup mang tên Fair Harbor Clothing. Sau đó, hai nhà sáng lập tiếp tục kêu gọi được số vốn gần 25.000 USD từ quỹ đầu tư Kickstarter.
Thời điểm đó, họ thậm chí còn chưa nắm rõ về việc sử dụng công nghệ nào để chuyển đổi những chai nhựa cũ, đã qua sử dụng thành quần áo. Điều duy nhất mà những người trẻ sinh ra và lớn lên từ biển hiểu rõ, rác thải từ nhựa đang trở thành một vấn đề nhức nhối.
3 năm sau, khi hoạt động kinh doanh của Fair Harbor phát triển nhanh chóng, 2 nhà sáng lập hợp tác cùng hãng thời trang Brooklyn Fashion và Design Accelerator mở rộng ngành hàng, từ quần đùi cho nam sang đồ bơi dành cho phụ nữ. Trung bình, cứ một chiếc quần đùi được tái chế từ 11 chai nhựa.
Jake cho biết, chai nhựa làm nguyên liệu được thu gom từ các nhà máy tái chế nhựa trên khắp thế giới. Chúng được vận chuyển tới các nhà máy sản xuất, tổng hợp thành sợi polyfiber, kéo thành sợi tơ, dệt thành tấm vải, sau đó được cắt may theo các kiểu dáng khác nhau.
''Nhiều người không biết rằng polyester được tạo ra từ nhựa'', Jake cho hay, ''Thay vì sử dụng chất liệu nhựa mới để tạo nên sợi, chúng ta có thể tận dụng từ những chai nhựa vứt đi đã được tái chế. Quá trình không hề phức tạp như chúng ta tưởng tượng''.
Hai nhà sáng lập bắt đầu chiến dịch quảng bá sản phẩm bằng các sự kiện giới thiệu, với 200 sự kiện được tổ chức tại khu vực dọc bờ biển phía Đông Hoa Kỳ.
Mặc dù nhận thức về rác thải từ nhựa đã được nâng cao ở khu vực Jake và Caroline đang sinh sống, thậm chí đã có công ty đã áp dụng tái chế chai nhựa tương tự, nhưng không ít trong số đó phải từ bỏ. ''Nhiều công ty gặp bế tắc và không thể thoát ra khỏi cách thức sản xuất thông thường'', Jake cho hay.
Với 2 CEO trẻ, Fair Harbor không chỉ là startup kinh doanh mà còn gắn liền với tuổi thơ. Chẳng hạn, Fair Habor được đặt theo tên thị trấn bờ biển ở đảo Fire, nơi gia đình họ thường tới nghỉ ngơi vào mùa hè. Sinh ra và lớn lên tại vùng biển, chứng kiến cảnh rác thải từ chai nhựa tràn ngập các bãi biển tại Fair Harbor, Jake trở nên lo ngại khi chứng kiến môi trường sống quanh anh đang ngày càng xuống cấp.
''Là một sinh viên ngành địa lý học, tôi hiểu rất rõ tác động tiêu cực của phế thải từ nhựa tới môi trường biển. Caroline và tôi quyết định phải hành động để bảo vệ môi trường và quê hương''.
Không chỉ tập trung vào đồ bơi từ nhựa tái chế, Fair Habor còn sử dụng phế thải từ quả dừa để sản xuất quần short. Theo đó, lớp cùi dừa cũng sẽ qua xử lý để tạo thành sợi Polyester. Jake cho biết, đây là các thành phần kháng khuẩn từ tự nhiên, nên rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời. Trong đó bao gồm 80% là chai nhựa tái chế, phần còn lại là cotton, với một lượng nhỏ vải sợi spandex. Vào mùa hè này, Fair Habor đã ra mắt bộ sưu tập đầu tiên.
Phạm Vân (Theo Forbes)