Hủy
Ý tưởng mới Thứ năm, 9/7/2020, 18:38 (GMT+7)

Startup Nhật nghiên cứu khẩu trang thông minh

Donut Robotics phát triển khẩu trang C-mask tích hợp công nghệ bluetooth có khả năng kết nối smartphone để chuyển giọng nói thành các ký tự tin nhắn, thực hiện cuộc gọi và khuếch đại giọng nói.

Donut Robotics là một startup công nghệ có trụ sở tại Nhật Bản chuyên nghiên cứu phát triển robot dịch thuật cho sân bay Haneda ở Tokyo. Khi Covid-19 bùng phát, dự án này phải "đóng băng" vì ngành hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Chúng tôi phải tự cứu mình và các doanh nghiệp khác, tận dụng nền tảng công nghệ cao sẵn có để chiến đấu với Covid-19", ông Taisuke Ono - Giám đốc điều hành Donut Robotics nói.

Từ động lực này, Donut Robotics đã huy động khoảng 28 triệu yên (khoảng 6 tỷ đồng) và chỉ trong vòng một tháng nghiên cứu thành công loại khẩu trang mới mang tên C-mask làm từ nhựa màu trắng. Sản phẩm này trang bị công nghệ bluetooth, kết nối với một ứng dụng trên điện thoại để chuyển lời nói người đang đeo khẩu trang thành tin nhắn chữ, thực hiện cuộc gọi và khuếch đại giọng nói. C-mask còn hỗ trợ dịch từ tiếng Nhật sang 8 loại ngôn ngữ khác.

Công ty khởi nghiệp Donut Robotics chế tạo khẩu trang có khả năng kết nối với điện thoại. Ảnh: Reuters.

Công ty khởi nghiệp Donut Robotics chế tạo khẩu trang có khả năng kết nối với điện thoại. Ảnh: Reuters.

Khi sử dụng, người dùng đeo trùm C-mask bên ngoài lớp khẩu trang y tế. Dù không có chức năng ngăn chặn các giọt bắn như khẩu trang y tế thông thường nhưng nhờ tính năng chuyển giọng nói thành tin nhắn văn bản, C-mask giúp người đeo hạn chế tiếp xúc với bề mặt điện thoại, giảm thiểu khả năng lây lan virus. Người đeo cũng không còn gặp trở ngại khi giao tiếp nhờ chức năng khuếch đại giọng nói.

"Trong bối cảnh người dân vẫn duy trì đeo khẩu trang do chưa có vaccine phòng bệnh, chúng tôi tự tin vào sự thành công của C-mask", đại diện Donut Robotics chia sẻ.

Dự kiến mỗi chiếc khẩu trang có giá khoảng 40 USD và Donut Robotics sẽ tung khoảng 5.000 sản phẩm ra thị trường Nhật Bản vào tháng 9 năm nay. Startup công nghệ này còn đặt mục tiêu đưa C-mask tiến vào các thị trường khác như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Thanh Thảo (Theo Reuters, Forbes)