Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 2/3/2018, 00:00 (GMT+7)

Startup xử lý tình trạng đặt vé quá chỗ trên các chuyến bay

Hành khách sẽ nhận thông báo về rủi ro thiếu ghế, được quyền lựa chọn đổi vé sang các chuyến sớm hoặc trễ hơn trong ngày mà không mất phí.

Thông thường các hãng hàng không đều cho phép mỗi chuyến bay có tỷ lệ đặt vé quá chỗ nhất định dù đã hết ghế (overbook) vì luôn có khả năng một số hành khách không lên máy bay vào phút chót. Điều này giúp đảm bảo không có ghế nào bị bỏ trống khi bay. Tuy nhiên, nếu toàn bộ hành khách đã đặt chỗ đều lên máy bay, sẽ có một số người phải dời sang chuyến bay sau. Tình trạng này vừa gây phiền toái cho người mua vé vừa khiến các hãng hàng không phải chi tiền bồi thường.

Volantio - startup có trụ sở tại Atlanta, Mỹ đưa ra giải pháp công nghệ có lợi cho cả ba bên gồm các hãng bay, người tình nguyện đổi chuyến và người cần bay gấp. Sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo của Volantio, hãng hàng không rà soát cơ sở dữ liệu hành khách trên các chuyến bay đã bị đặt quá chỗ. Từ đó, hệ thống nhận diện được ai có thể linh động đổi chuyến, chẳng hạn người đặt vé đến các điểm du lịch và có chuyến bay dài hạn.

Trước khi bay vài ngày, hành khách sẽ nhận thông báo về rủi ro thiếu ghế trên máy bay. Họ được quyền lựa chọn đổi vé sang các chuyến bay sớm hoặc trễ hơn trong ngày mà không mất phí. Nếu đổi, khách sẽ nhận bồi thường bằng điểm thưởng dặm bay, tiền mặt hoặc voucher. Các chuyến bay dư ghế lúc này có thể nhận thêm hành khách muốn đặt chỗ sát giờ bay với mức giá có phụ thu.

"Công nghệ của chúng tôi cung cấp một dịch vụ hiếm hoi có lợi cho cả ba bên. Những ai linh động sẽ nhận thưởng xứng đáng, hành khách muốn bay gấp trong vài ngày hoặc vài giờ có thể tìm được chỗ, các hãng hàng không tối ưu hóa được công suất bay và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng", Azim Barodawala - sáng lập Volantio cho biết.

Công nghệ của Volantio giúp hành khách chủ động đổi vé, tránh xếp hàng dài chờ đợi khi máy bay, hãng bay gặp sự cố.

Công nghệ của Volantio giúp hành khách chủ động đổi vé, tránh xếp hàng dài chờ đợi khi máy bay, hãng bay gặp sự cố.

Trước khi lập Volantio vào năm 2013 cùng với một cộng sự chuyên về công nghệ, Barodawala từng làm việc cho nhiều tập đoàn toàn cầu. Anh giữ vị trí giám đốc tiếp thị của Despegar.com - trang cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Mỹ Latin, giám đốc chiến lược của Jetstar Airways (Australia), quản lý dự án chăm sóc khách hàng doanh nghiệp du lịch của Boston Consulting Group...

Volantio vừa gọi vốn 2,6 triệu USD thành công từ các hãng hàng không lớn nhất thế giới, gồm International Airlines Group, JetBlue và Qantas. Doanh nghiệp đang xây dựng giải pháp công nghệ cho từng khách hàng cho các hãng bay như United Airlines, Qantas, Volaris, Iberia... Startup này dự kiến hợp tác với 9-12 hãng bay trong năm nay.

Phát ngôn viên của Iberia Airlines nhận định, kể từ khi áp dụng thử nghiệm công nghệ của Volantio, hãng đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía hành khách, giúp họ chủ động lịch trình bay của mình.

Ý tưởng của Volantio không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác cùng người dùng vượt qua khủng hoảng thiếu ghế do đặt vé quá chỗ. Các trường hợp đổi, hoãn chuyến vì lý do thời tiết, kỹ thuật... cũng có thể áp dụng phương án trao quyền chủ động đổi vé cho hành khách.

Với khoản đầu tư 2,6 triệu USD, Barodawala sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ trí tuệ nhân tạo để xác định nhu cầu của từng hành khách, từ đó giúp hãng hàng không đưa ra mức bồi thường phù hợp. "Mỗi hành khách là một nhu cầu riêng biệt. Thông thường, các hãng hàng không đền bù tiền mặt hoặc voucher vài trăm USD cho hành khách bị từ chối bay do thiếu ghế. Nhưng đối với nhiều người, tiền không phải là vấn đề", nhà sáng lập Volantio nói thêm.

Azim Barodawala - sáng lập kiêm CEO Volantio.

Azim Barodawala - nhà sáng lập kiêm CEO Volantio.

Theo phân tích của Barodawala, hành khách thường xuyên đặt chỗ trên cùng một chuyến bay có xu hướng thích được nâng cấp hạng ghế hơn là nhận voucher. Còn những ai thường đặt chuyến bay ngắn ngày sẽ ưa chuộng tặng điểm dặm bay.

Hiện các hãng bay đều chỉ hoạt động 85% công suất. Barodawala ước tính 150 hãng hàng không lớn nhất thế giới cần phải chi khoảng 8 tỷ USD để tối ưu hóa công suất bay và đây sẽ là một thị trường "béo bở" cho các startup công nghệ khai phá.

Khánh Anh (Theo Bloomberg)