Kamereo không phải là cái tên mới trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam. Công ty khởi nghiệp này hoạt động từ 2018 doTaku Tanaka, người từng đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành của thương hiệu Pizza 4P's phát triển. Kamereo là một nền tảng thương mại điện tử theo mô hình B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) kết nối các nhà hàng tới trực tiếp đơn vị cung cấp thực phẩm.
Xuất thân trong gia đình với nhiều thành viên làm việc trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, nhà hàng. Taku Tanaka có niềm đam mê với ngành F&B. Anh đã bỏ việc tại Ngân hàng đầu tư Credit Suisse Nhật Bản để dấn thân vào thế giới kinh doanh ẩm thực. Sau khi đến Việt Nam và làm việc tại Pizza 4P's, Tanaka hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng thực phẩm tại thị trường này và dần bắt đầu xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.
Kamereo ban đầu hỗ trợ nhà hàng đặt thực phẩm và quản lý hoạt động đặt hàng. Không lâu sau đó, KameRau ra đời nhằm cung cấp rau củ, hoa quả sạch đến các nhà hàng khách sạn tại TP HCM. Tháng 4 vừa, khi lệnh cách ly toàn xã hội thực hiện tại Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19, Kamereo có bước tiến mới để mở rộng hệ sinh thái sang mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) với KameMart, nền tảng mua sắm thực phẩm trực tuyến dành cho người tiêu dùng.
Đánh giá tiềm năm thị trường F&B Việt Nam, CEO của Kamereo nhận định: "F&B là lĩnh vực có mức độ tăng trưởng cao mỗi năm. Đặc biệt, từ góc độ tôn giáo. Việt Nam không có nhiều hạn chế về ăn uống, mức thu nhập của người dân cũng ngày càng cải thiện, người Việt hiện nay sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc ăn uống. Vì thế, tôi tin là lĩnh vực F&B tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển".
KameMart thừa hưởng từ mô hình hoạt động trước đó của Kamereo, như: mạng lưới liên kết với các nhà cung cấp đối tác, hệ thống kho bãi, hệ thống quản lý đơn hàng. Nhờ đó, nền tảng có nhiều lợi thế về giá cả và chất lượng thực phẩm.
Đại diện KameMart cho biết, nhờ mạng lưới các nhà cung cấp có sẵn trong quá trình vận hành Kamereo và KameRau, nền tảng có cơ sở để thương thảo giá và cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng với mức phải chăng.
Các đơn vị cung cấp thực phẩm mà KameMart lựa chọn đều đáp ứng những yều cầu khắt khe của nhà hàng cao cấp. Vì vậy, người dùng khi đặt thực phẩm qua nền tảng, vừa có thể nhận hàng chất lượng cao mà vẫn hưởng mức giá ưu đãi.
Hiện tại dịch vụ giao thực phẩm của KameMart triển khai tại hầu hết các quận của TP HCM. Nền tảng cung cấp các mặt hàng đa dạng như loại thịt, rau, gia vị, trứng, phô mai, đồ dùng gia đình... Hàng được nhập mới mỗi ngày từ các nông trại tại Đà Lạt và Củ Chi. Để đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm, tất cả các đơn hàng sẽ được xác nhận trước 22h mỗi ngày, và giao vào hôm sau. KameMart giao hàng trong khung từ 9h-18h. Khách hàng có thể chọn khung giờ nhận phù hợp .
Đại diện KameMart cho biết, đơn vị đang tập trung để tăng trải nghiệm của khách hàng đồng thời vận hành nội bộ một cách tối ưu. Đội ngũ chuyên gia thường xuyên cập nhật ứng dụng để sửa lỗi và gia tăng tính năng mới.
Trước đó, Kamereo nhận vốn từ hai quỹ đầu tư là Genesia Ventures (Nhật Bản) và Velocity Venture (Việt Nam). Trong tương lai gần, startup này dự định phát triển hoàn thiện nền tảng KameMart tại TP HCM trước khi gọi thêm vốn để mở rộng hoạt động ra Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Phạm An